Aa

Đừng bào mòn mũi nhọn của nền kinh tế!

Thứ Sáu, 21/04/2017 - 06:01

Đánh giá hoạt động kinh doanh BĐS là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển chung, là mũi nhọn của nền kinh tế, ông Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình Hà Nội – cho rằng nên tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS viết nên nhiều câu chuyện đẹp cho đất nước.

Thời gian gần đây, câu chuyện chỉ số GDP của cả nước năm 2016 cũng như những đóng góp của hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực BĐS vào con số này đã làm dấy lên nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Để có cái nhìn đa chiều về vai trò và đóng góp của lĩnh vực BĐS nói chung và của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nói riêng, PV Reatimes đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Chí Thanh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình.

PV: Thưa ông, mới đây, thông tin công bố chỉ số GDP của nước ta trong năm 2016 cho thấy trong tổng số 6,21% mức tăng trưởng chung của GDP chỉ có 0,21% là từ lĩnh vực BĐS. Con số này được đánh giá là quá thấp trong khi có thể thấy rất nhiều thông tin vẫn cho rằng hoạt động kinh doanh ở lĩnh vực BĐS đang diễn ra sôi nổi và thành công. Vậy theo ông lĩnh vực này đã góp được công trạng thế nào vào sự phát triển của nền kinh tế nước nhà?

Ông Nguyễn Chí Thanh: Nhìn lại lịch sử và nhìn ra thế giới có thể thấy kể cả với nền kinh tế số 1 thế giới là Hoa Kỳ thì bất cứ một gói phát triển kinh tế nào cũng có một phần là để phát triển BĐS.  

Ngay các quốc gia phát triển khác trong khu vực như Trung Quốc, Singapore… cũng vậy. Dù từ trước đến nay lượng giao dịch BĐS của họ luôn rất lớn nhưng công cuộc đầu tư vào các dự án mới chưa bao giờ ngừng lại. Như Singapore ở rất gần Việt Nam, dù là một quốc gia có diện tích nhỏ nhưng các dự án của họ vẫn không ngừng mọc lên, công trường làm việc ngày đêm không nghỉ. Thậm chí với các thị trường có nguồn đất hạn hẹp như Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản… họ còn phải tìm đến các nước khác để phát triển dự án BĐS. Việt Nam chúng ta cũng là một trong các điểm đến.

Điều đó chứng tỏ rằng BĐS vẫn là một lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. 

Ở Việt Nam, dù có thể không đóng góp trực tiếp vào chỉ số GDP nhưng không thể phủ nhận rằng BĐS đang là động lực góp phần huy động tổng lực hoạt động từ các ngành nghề khác như công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sản xuất máy móc, dịch vụ...  

Bởi rõ ràng để có được một dự án BĐS không chỉ đơn thuần là xây một tòa nhà mà nó là cả một quá trình khảo sát, đo đạc, lập quy hoạch, đánh giá, thẩm định, thiết kế xây dựng, hoàn thiện nội thất, quản lý vận hành… tất cả những việc đó đều nằm trong hoạt động chung của BĐS. Kéo theo đó là hàng triệu công ăn việc làm ở các lĩnh vực và ngành nghề liên quan.

Chưa kể, tại một thị trường như Việt Nam hiện nay, việc phát triển BĐS còn luôn luôn song hành cùng phát triển hạ tầng. Hạ tầng phát triển thì hoạt động kinh doanh BĐS mới phát triển là sự thực. Nhưng ngược lại, phải có hoạt động kinh doanh BĐS thì hạ tầng của một khu vực mới được nâng cấp hoàn thiện. Khách hàng có được nhà ở, căn hộ nghỉ dưỡng, rồi lại được thừa hưởng nhiều tiện ích khác phục vụ cho đời sống hàng ngày. Tương tự như vậy, lĩnh vực BĐS dù có liên quan chặt chẽ đến các ngành nghề khác nhưng vẫn có sự tách bạch nhất định không thể đánh đồng.  

Ông Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình Hà Nội.

Ông Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình Hà Nội.

PV: Nếu vậy, chuyện gì sẽ xảy ra khi hoạt động kinh doanh BĐS bị “kéo” chậm lại thưa ông?

Ông Nguyễn Chí Thanh: Nếu lĩnh vực BĐS phát triển chậm lại thì thiệt hại đầu tiên ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà thầu thi công xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng... tức là ảnh hưởng đến ngành xây dựng. Ngoài ra còn các ngành nghề liên quan khác như tín dụng ngân hàng đến phân phối bán hàng, quản lý vận hành, sản xuất, dịch vụ... Vì vậy chúng ta phải thừa nhận rằng BĐS là lĩnh vực mũi nhọn, bắt buộc phải có trong quá trình phát triển nền kinh tế.

Ngoài ra, BĐS phát triển càng mạnh thì nhu cầu cấp thiết về nhà ở của người dân càng được giải quyết nhanh chóng, nhất là ở một đất nước mà nhu cầu về nhà ở lại nhiều như Việt Nam hiện nay. Đặc biệt trong bối cảnh câu chuyện về phát triển nhà ở sẽ còn gia tăng nhanh hơn nữa trong tương lai 20 – 30 năm tới đây. 

Chính vì vậy thị trường BĐS càng cần các cơ chế chính sách hợp lý để các nhà đầu tư quan tâm đến việc phát triển các dự án và “đổ tiền” vào lĩnh vực này.

PV: Nói như vậy phải chăng thời gian qua vẫn còn nhiều quan điểm nhìn nhận chưa đúng về vai trò của hoạt động phát triển, kinh doanh BĐS?

Ông Nguyễn Chí Thanh: Điều đó là vẫn còn. Có thể thấy, cách đây khoảng 3 – 4 năm, chúng ta đã mắc sai lầm ở chỗ xác định BĐS là lĩnh vực phi sản xuất, dẫn đến hậu quả là hàng trăm nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này lúc đó phải đóng cửa vì đang triển khai dự án thì bị ngắt nguồn tín dụng. Việc này không chỉ tổn hại đến doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế nói chung.

Chưa kể số dự án khi đó đang triển khai dang dở cũng bị “treo” lại, gây ra sự lãng phí rất lớn đối với xã hội. Đây là bài học đau đớn không chỉ với các doanh nghiệp BĐS mà còn với cả nền kinh tế nói chung.

PV: Nếu vậy theo ông, dư luận xã hội cũng như các khách hàng muốn đầu tư, mua bán phải làm thế nào để đánh giá đúng các thông tin về thị trường BĐS?

Ông Nguyễn Chí Thanh: Hiện nay, không phải ai cũng đủ sáng suốt để nhìn nhận đúng vai trò của thị trường BĐS. Vẫn còn nhiều suy nghĩ phiến diện khi nhận định về vai trò của hoạt động kinh doanh BĐS đối với nền kinh tế. Tôi cho rằng những suy nghĩ này còn đang đi vào khe hẹp, ngõ cụt. Họ không thấy rằng BĐS là động lực, là một trong những mũi nhọn để phát triển nền kinh tế.

Không phải cứ thấy một vài chỗ giật thông tin là dự án này ế hàng nghìn căn, dự án kia không bán được hàng là cho rằng thị trường đang đi xuống, rồi hạn chế nguồn tín dụng hay không dám đầu tư vào BĐS. Nếu muốn nhìn nhận đúng phải có cái nhìn từ tổng thể đến cục bộ, phải xét từng dự án.  

Có khi 2 dự án cạnh nhau mà còn có dự án bán giá rất cao vẫn cháy hàng, còn dự án bán giá rất thấp vẫn không có người mua. Đó là bởi vì khách hàng quyết định lựa chọn sản phẩm trên uy tín của chủ đầu tư, chất lượng của sản phẩm… tất cả những yếu tố này ảnh hưởng đến hành vi của khách hàng chứ không phải điều gì khác.

Uy tín của chủ đầu tư, chất lượng sản phẩm... là các yếu tố quyết định hành vi của khách hàng

Uy tín của chủ đầu tư, chất lượng sản phẩm... là các yếu tố quyết định hành vi của khách hàng        (Ảnh minh họa)

PV: Thực tế là vậy nhưng đúng như ông nói, không phải ai cũng có thể đánh giá được thị trường đang diễn biến tốt hay xấu. Vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng thị trường BĐS tiềm ẩn nhiều rủi ro, còn nhiều hiện tượng không minh bạch. Theo ông có hay không những điểm xấu còn tồn tại? 

Ông Nguyễn Chí Thanh: Không thể phủ nhận rằng bản thân thị trường BĐS còn có nhiều vấn đề nội tại. Rõ ràng vì đây là một lĩnh vực quá nhiều sức hút nên dẫn đến thực tế là nhà nhà, người người tham gia kinh doanh BĐS. Nhiều doanh nghiệp nhìn thấy được tiềm năng của việc kinh doanh BĐS và đua nhau “nhảy” vào thị trường này.

Việc này có cái lợi mà cũng có cái hại. Hại ở chỗ nhiều người vẫn bất chấp, “dốc vốn” cho BĐS dù không có kinh nghiệm, không có sự chuyên nghiệp, không đưa ra được những sản phẩm tốt.

Họ chỉ nghĩ rằng đây là bài toán đầu tư đơn giản, làm thế nào để bán được hàng càng nhanh càng tốt còn sau đó không chịu trách nhiệm với khách hàng. Chỉ quan tâm làm ra những sản phẩm tiết kiệm chi phí và bán được giá cao.

Đối với những trường hợp này, chỉ cần một sự thay đổi nhỏ về môi trường kinh doanh cũng có thể khiến họ “không chịu được” và phải “giã từ cuộc chơi”. Không chỉ gây ra thiệt hại cho chính các doanh nghiệp mà còn thiệt hại cho nền kinh tế, thiệt hại cho khách hàng, kéo thị trường phát triển chậm lại.  

PV: Nhân nói đến việc có nhiều doanh nghiệp BĐS phải “rời cuộc chơi”, thời gian vừa qua có thể thấy thị trường đã chứng kiến một “cuộc thanh lọc” không hề nhỏ. Nhiều “ông lớn” BĐS đã phải thừa nhận thất bại trên chính “sân nhà”nhưng cũng không thể phủ nhận nỗ lực của nhiều doanh nghiệp khi định hướng hoạt động ngày một tốt hơn. Ông đánh giá thế nào về thực tiễn này?

Ông Nguyễn Chí Thanh: Tôi có thể dẫn ra ví dụ điển hình cho việc các doanh nghiệp đã nỗ lực và kiên trì với định hướng của mình đó là Vingroup và Sun Group.

Nhìn lại quá khứ có thể thấy rằng, Vingroup không phải vừa tham gia vào lĩnh vực BĐS đã thành công ngay. Một số dự án đầu tiên của họ cũng từng có lúc gặp cảnh không thu hút được sự quan tâm của khách hàng, không có người mua. Tuy nhiên, bằng sự nghiêm túc và kiên định với mục tiêu và hoạt động kinh doanh của mình, họ vẫn tiếp tục triển khai các dự án tiếp theo với những sự điều chỉnh phù hợp nhu cầu của thị trường. Dần dần họ đã bán được hàng và thậm chí là bán được nhiều hàng.

Vì sao họ đạt được những thành tích như vậy? Tôi cho rằng trước hết vì họ rất nghiêm túc trong tiến độ giao nhà. Dù có khi lượng người mua chưa đủ lấp đầy dự án họ vẫn giao nhà đúng tiến độ. Dù vốn đọng ở những phần còn lại họ vẫn cố gắng hoạt động và làm tốt. Điều đó tạo nên uy tín cho Vingroup.

Một ví dụ khác đó là Sun Group. Luôn trăn trở để có những sản phẩm có thiết kế đẹp nhất, tốt nhất, Sun Group đã thành công trong việc tổ chức xây dựng các sản phẩm này đạt chất lượng tốt, đảm bảo môi trường an toàn. Họ cũng tạo ra những câu chuyện rất đẹp ở các dự án của mình. Và thực sự không thể phủ nhận các dự án của Sun Group rất đẹp, từ nhà ở đến du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ giải trí.

Uy tín của doanh nghiệp này là gì? Họ thực sự đam mê những sản phẩm chất lượng cao, sẵn sàng chấp nhận rủi ro và triển khai các dự án bằng tâm huyết. Kết quả là, sản phẩm của họ đều được khách hàng chấp nhận.  

Đó là 2 ví dụ trong rất nhiều các doanh nghiệp BĐS đã làm được những điều tốt đẹp cho thị trường BĐS, cho nền kinh tế và xã hội. Đầu tiên là người dân có được những sản phẩm tốt, tuổi thọ lâu dài; doanh nghiệp cũng nhanh thu hồi được nguồn vốn đầu tư và có những nguồn lợi nhất định, được khách hàng ghi nhận, đánh giá cao; và góp phần vào việc phát triển nền kinh tế đất nước.  

PV: Vậy theo ông, trong bối cảnh hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước cần làm gì để góp phần giúp thị trường có ngày một nhiều hơn những câu chuyện đẹp như kể trên?

Ông Nguyễn Chí Thanh: Tôi cho rằng các doanh nghiệp có những đóng góp cụ thể cho nền kinh tế và xã hội cần được trân trọng. Họ đã góp phần tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm, tạo ra lợi ích vật chất và đóng thuế đầy đủ thì xứng đáng được tạo điều kiện để có thể phát triển tốt nhất trong khuôn khổ pháp luật. Không đáng bị kìm hãm hay gây khó dễ.  

Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước cần làm tốt công tác khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động tốt cũng như xử phạt công khai các đơn vị sai phạm. Đồng thời giám sát chặt chẽ bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư như các tiêu chí về năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm, năng lực quản lý vận hành… nếu làm tốt sẽ góp phần giúp thị trường ngày càng chuyên nghiệp, minh bạch hơn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top