Aa

Ngành ngân hàng giảm kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2023

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Chủ Nhật, 16/04/2023 - 12:32

Năm 2023, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng đối mặt với nhiều khó khăn như chi phí vốn và chi phí dự phòng tăng lên, tín dụng tăng chậm… Đáng chú ý, lợi nhuận các ngân hàng tiếp tục có sự phân hóa rõ rệt.

Lợi nhuận phân hóa giữa các ngân hàng

Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh quý I/2023 của 10 ngân hàng niêm yết. Trong đó, có 8 ngân hàng dự kiến có lợi nhuận tăng trưởng, còn 2 ngân hàng dự kiến sẽ có lợi nhuận suy giảm.

Theo dự báo của SSI Research, quý I/2023, lợi nhuận của nhóm ngân hàng quốc doanh tiếp tục tăng trưởng nhưng giảm tốc so với năm ngoái.

Dẫn đầu lợi nhuận ngành ngân hàng quý I/2023 vẫn là Vietcombank với lợi nhuận trước thuế quý I dự kiến đạt 10.500 - 11.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả năm 2023, lợi nhuận ròng của Vietcombank ước tăng 19,5%, giảm so với mức tăng 36,4% năm ngoái.

Còn đứng đầu về mức độ tăng trưởng quý I trong nhóm big 4 dự đoán là BIDV. Theo dự đoán của SSI, quý I/2023, lợi nhuận trước thuế của BIDV tăng khoảng 32 - 39% so với cùng kỳ. Cả năm, tăng trưởng lợi nhuận của BIDV dự kiến cũng chỉ ngang bằng với Vietcombank ở mức 19,2%, giảm mạnh với mức tăng gần 70% năm 2022.

Lợi nhuận trước thuế của VietinBank dự kiến đạt khoảng 6.000 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Cả năm, lợi nhuận VietinBank ước tăng khoảng 15%, giảm so với mức tăng 19,4% năm 2022.

Nhóm ngân hàng tư nhân được SSI Research dự đoán tăng trưởng lợi nhuận trước thuế phổ biến ở mức 10 - 20% trong quý I/2023. 

Đáng chú ý, Sacombank được dự đoán tăng trưởng lợi nhuận quý I có thể lên tới 70% xuất phát từ nền thấp cùng kỳ năm ngoái. Cả năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này có thể tăng khoảng 65,4%, cao hơn mức tăng hơn 44,1% năm trước.

Nhưng xét về giá trị thì MB là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất, ước khoảng 6.500 - 7.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 10 - 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước cả năm, lợi nhuận ngân hàng này tăng khoảng 14,1%, bằng một nửa tốc độ tăng trưởng năm trước.

ACB là ngân hàng có mức độ tăng trưởng ổn định quý I/2023 với lợi nhuận trước thuế ước đạt 4.800 - 5.000 tỷ đồng, tăng 16,7 - 21,6%. Cả năm, lợi nhuận ròng của ngân hàng này ước tăng 19,1% so với mức tăng 42,5% năm ngoái.

Ngành ngân hàng sẽ đối diện với nhiều thách thức trong năm 2023.
Ngành ngân hàng sẽ đối diện với nhiều thách thức trong năm 2023. (Ảnh minh hoạ: Tạp chí Doanh nghiệp)

HDBank được dự báo có mức độ tăng trưởng khá tốt 20 - 25% lợi nhuận trước thuế quý I/2023. Ước lợi nhuận ròng của ngân hàng tăng khoảng 16,3% so với mức 27,2% cùng kỳ năm 2022.

VIB dự kiến đạt 2.500 - 2.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2023, đạt 22% kế hoạch. Tăng trưởng lợi nhuận ròng cả năm ước đạt 13,4%, chậm hơn nhiều so với mức 32,1% năm trước.

Tuy nhiên, có 2 ngân hàng bị SSI dự báo tăng trưởng âm trong quý I năm nay là MSB và Techcombank. Ước tính, lợi nhuận trước thuế của MSB chỉ đạt khoảng 1.300 - 1.500 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận cả năm chỉ tăng 9,1%, giảm khá nhiều so với mức tăng 14,4% năm trước.

Tương tự, Techcombank cũng được dự báo có kết quả lợi nhuận kém tích cực quý I năm nay do NIM giảm và chi phí tín dụng cao hơn dự kiến. Lợi nhuận trước thuế quý I/2023 của Techcombank dự báo giảm và lợi nhuận cả năm giảm khoảng 7,9%. Theo tài liệu ĐHĐCĐ năm 2023, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận đi lùi 14% so với năm ngoái.

Vụ Dự báo, Thống kê Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng vừa công bố một số kết quả chính của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý II/2023. Theo đó, các TCTD đánh giá lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý I/2023 có tăng trưởng nhưng chưa đạt được như kỳ vọng.

Đánh giá triển vọng cả năm 2023, có 88,7% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trong năm 2023 tăng trưởng dương so với năm 2022 (thấp hơn tỷ lệ 95,3% ở kỳ điều tra trước). Bên cạnh đó, vẫn có 5,7% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2023 và 5,7% TCTD ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm 2023 chậm lại không quá bất ngờ đối với thị trường. Thực tế, năm nay hoạt động kinh doanh của các ngân hàng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tăng trưởng tín dụng chậm do sức cầu yếu; NIM ngày càng mỏng đi do chênh lệch lãi suất huy động và cho vay theo hướng thu hẹp. Điều quan ngại đối với các ngân hàng là chất lượng tín dụng suy giảm do doanh nghiệp ở nhiều ngành đang gặp khó khăn… tạo áp lực nợ xấu gia tăng trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, dù Nghị định 08/2023/NĐ-CP tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp và trái chủ có thể thống nhất phương án giải quyết. Nhưng khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn tập trung vào quý II và quý III năm nay vẫn sẽ tạo áp lực không hề nhỏ đến tình hình tài chính của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tiếp tục khó khăn trong việc trả lãi khiến ngân hàng phải trích lập cho danh mục trái phiếu.

Hậu thuẫn từ chính sách vĩ mô và niềm tin từ Đại hội cổ đông

Theo giới phân tích, ngành ngân hàng nói chung đang chờ đợi những tác động thực tế từ các chính sách vĩ mô của nhà điều hành, nhằm cải thiện tình hình hoạt động và kết quả kinh doanh của hệ thống trong những quý còn lại của năm 2023.

Để ứng phó với các diễn biến khó lường của thị trường, Chính phủ đang nỗ lực đưa ra các phương án điều hành nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng về kinh tế mà các Nghị định 08, Nghị quyết 33 và Nghị định 10 được ban hành trong chưa đầy một tháng là minh chứng rõ ràng. Về chính sách tiền tệ, NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành 2 lần trong 2 tuần nhằm đưa mặt bằng lãi suất xuống thấp hơn và khả năng sẽ tiếp tục có thêm các quyết định điều chỉnh khác nếu điều kiện cho phép. 

Lợi nhuận của ngân hàng khả năng sẽ bứt phá mạnh hơn trong nửa sau của năm 2023.
Lợi nhuận của ngân hàng khả năng sẽ bứt phá mạnh hơn trong nửa sau của năm 2023. (Nguồn ảnh: Vneconomy)

Trong báo cáo gần nhất, Quỹ Dragon Capital tin rằng, Chính phủ sẽ có thêm những giải pháp để hỗ trợ và thúc đẩy kinh tế, đặc biệt trên cơ sở số liệu quý I như vừa rồi, rất có thể sẽ có những hành động quyết liệt hơn trong quý II.

Đáng chú ý, tại mùa Đại hội cổ đông năm nay, nhiều ngân hàng đã đặt ra các kế hoạch kinh doanh khá kỳ vọng so với mức đạt được của năm ngoái.

Cụ thể tại ngân hàng ACB, cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 20.058 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm 2022, cùng đó dự kiến tăng 10% so với năm ngoái; tiền gửi (bao gồm giấy tờ có giá) tăng 8,1% ước đạt  khoảng 495 ngàn tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. 

Chủ tịch Trần Hùng Huy cho biết: “Năm 2023 có nhiều thử thách và khó khăn, hoạt động kinh doanh của ngân hàng nói chung và ACB nói riêng sẽ có ảnh hưởng. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo đã có nhiều phương án dự trù dựa theo tình hình thị trường và ACB tự tin có thể hoàn thành kế hoạch”.

Bên cạnh đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận được Vietcombank xác định tối thiểu 12%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 39% năm 2022.

Còn các cổ đông NamABank đã chốt thông qua chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay 2.400 tỷ đồng, chỉ tăng 5 - 6% trong khi năm trước tăng 26,1%.

Hay VIB cũng được cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng 15,3%, chỉ bằng một nửa so với mức tăng trưởng đạt được năm ngoái (31%).

Đánh giá chung về triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng 2023, chuyên gia phân tích đến từ các công ty chứng khoán đều đưa ra dự báo thận trọng. Bà Trần Thị Thu Thảo, Khối phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ chậm lại, đạt khoảng 11% so với cùng kỳ trong năm 2023 - 2024, bởi khả năng tăng trưởng tín dụng chậm lại, biên lãi ròng (NIM) thu hẹp và tỷ lệ chi phí tín dụng gia tăng.

Bên cạnh đó, bà Thảo nhắc lại những lo ngại về chất lượng tài sản xấu đi là lý do chính khiến nhà đầu tư có tâm lý “dè chừng” với nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng trong thời gian vừa qua. Vì vậy, một khi rủi ro về nợ xấu có dấu hiệu được giải quyết, giá cổ phiếu ngân hàng sẽ lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ.

“Chúng tôi kỳ vọng bức tranh toàn ngành sẽ tích cực hơn vào nửa cuối 2023, khi áp lực tỷ giá và lãi suất hạ nhiệt, thanh khoản cải thiện cùng với hiệu lực của chính sách vĩ mô. Về ngắn hạn, chúng tôi duy trì quan điểm thận trọng và ưu tiên các ngân hàng có khả năng phòng thủ trước những biến động, quản trị rủi ro tốt và đa dạng hóa danh mục cho vay”, bà Thảo nói./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top