Aa

Ngành thép tìm cơ hội gia tăng xuất khẩu vào EU

Thứ Ba, 23/06/2020 - 09:00

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực được kỳ vọng sẽ giúp ngành thép có thêm cơ hội thâm nhập thị trường EU.

Mặc dù có nhu cầu lớn về các sản phẩm thép song ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch VSA - cho biết, thị trường EU tương đối bão hòa với giao dịch thương mại bởi hầu hết chỉ diễn ra trong nội khối EU. Vì thế chỉ có những quốc gia có thế mạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là xuất khẩu mạnh vào EU.

Tính đến hết tháng 5, kim ngạch xuất khẩu thép Việt Nam đạt hơn 815.000 tấn với kim ngạch 454 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2019, lượng xuất khẩu trên tăng tới 47% về lượng và tăng 24% về giá trị. Tuy nhiên, Việt Nam hiện mới chỉ xuất khẩu chủ yếu sang các nước Đông Nam Á, đạt khoảng 494.000 tấn, giá trị 263 triệu USD, chiếm 60% trong tổng lượng sắt thép xuất khẩu của cả nước và chiếm 57,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, thị trường các nước châu Âu mới chỉ đạt 3,18%. Đáng chú ý, do tác động của dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu thép sang EU chỉ bằng phân nửa cùng kỳ.

EVFTA dự kiến sẽ được thực thi vào ngày 1/8 tới, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp thép Việt đa dạng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu nhiều hơn vào EU. Bởi ngoài lộ trình giảm thuế thì ngành thép của EU và Việt Nam có các mặt hàng xuất khẩu mang tính bổ sung cho nhau và không cạnh tranh với trực tiếp với nhau.

Ngành thép kỳ vọng tăng kim ngạch xuất khẩu vào EU khi EVFTA có hiệu lực

Ông Vũ Văn Thanh - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cho biết, thời gian qua Hoa Sen đã xuất khẩu bình quân mỗi tháng từ 10 - 15 nghìn tấn sang EU. Nay khi EVFTA có hiệu lực Hoa Sen sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu vào thị trường này.

Theo ông Đoàn Danh Tuấn - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Thép Toàn Thắng, hiện nay, khó khăn lớn nhất khi tiếp cận thị trường là EU đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng. Vì thế doanh nghiệp phải cải tiến công nghệ kỹ thuật mới đáp ứng được tiêu chuẩn của họ. Bên cạnh đó, EU cũng yêu cầu nguồn gốc xuất xứ hàng hóa rất cao và doanh nghiệp phải rõ ràng minh bạch về nguồn gốc xuất xứ mới làm ăn được với họ. Toàn Thắng đang chuẩn bị kỹ càng để đáp ứng các yêu cầu này của doanh nghiệp, sẵn sàng tiếp cận thị trường khi EVFTA có hiệu lực.

Để có thể hóa giải thách thức, tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, một số chuyên gia cho rằng, ở thời điểm hiện tại, giải pháp quan trọng là tăng cường nghiên cứu, dự báo xu hướng thị trường (xu hướng cung cầu và giá cả,…); xu hướng áp dụng các rào cản kỹ thuật trong thương mại từ các nước EU để có thể đưa ra cảnh báo sớm cho tất cả các đối tượng tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam. Điều này giúp các doanh nghiệp xuất khẩu chuẩn bị sẵn sàng vượt qua được các rào cản kỹ thuật.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi tư duy, chủ động tiếp cận, tìm hiểu thông tin thị trường, vận dụng quy tắc xuất xứ một cách có hệ thống và hiệu quả nhằm tận dụng tốt nhất những ưu đãi từ EVFTA. Mặt khác, bản thân doanh nghiệp cũng phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn và kỹ thuật đã cam kết; nắm rõ về khung pháp lý của thị trường và các rào cản kỹ thuật để chủ động hơn trong xuất khẩu.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào tăng cường phổ biến về Hiệp định EVFTA cho các đối tượng có liên quan dưới các hình thức đổi mới sáng tạo hơn; thiết lập và tăng cường liên kết đầu mối thực thi Hiệp định EVFTA tại các bộ, ngành và địa phương… Đồng thời, rà soát pháp luật, thể chế trong quá trình thực thi Hiệp định EVFTA, báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành theo đúng với lộ trình đã quy định của Hiệp định EVFTA.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top