Aa

Ngành vật liệu xây dựng lao đao trước khó khăn "kép"

Minh Minh
Minh Minh lienlien.media@gmail.com
Thứ Bảy, 28/03/2020 - 15:30

Thị trường bất động sản chững lại cùng tác động của dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp vật liệu xây dựng rơi vào cảnh khó khăn chồng chất. Thực trạng này sẽ còn tiếp diễn cho đến khi ngành bất động sản được "giải cứu".

Sức tiêu thụ giảm mạnh

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ Hiệp hội Xi măng Việt Nam, hiện nay, tiêu thụ xi măng nội địa giảm sút, chỉ bằng 60% so với cùng kỳ 2019 và bằng 48% so với cuối năm 2019. Xuất khẩu xi măng, clinker giảm mạnh, chỉ còn trên dưới 70% so với cùng kỳ 2019 và bằng 56% so với cuối năm 2019. Tổng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu chỉ bằng 51% so với cuối năm 2019.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng cho biết, trong tháng 1/2020, sắt thép các loại xuất khẩu giảm mạnh cả về lượng và trị giá. Cụ thể, lượng sắt thép xuất khẩu đạt hơn 483.000 tấn, trị giá hơn 266 triệu USD, giảm 26,7% về lượng và giảm 26% về trị giá so với tháng trước, giảm tương ứng 35,7% và 44% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ Xây dựng, tiêu thụ vật liệu xây dựng 2 tháng đầu năm nay chỉ đạt 70 - 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ tiêu thụ trong nước, mà các mặt hàng vật liệu xây dựng xuất khẩu cũng gặp khó khăn.

Ngành vật liệu xây dựng chịu tác động kép từ sự chững lại của thị trường bất động sản và dịch bệnh.

Về thị trường xuất khẩu, Campuchia vẫn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại sắt thép Việt với hơn 105.000 tấn, trị giá 57,68 triệu USD, giảm 34,4% về lượng và 39,4% về trị giá so với tháng đầu năm 2019.

Một thị trường tiêu thụ lớn của sắt thép Việt cũng giảm mạnh nữa là Malaysia với 54.285 tấn, trị giá 29,69 triệu USD, giảm 21% về lượng và trị giá so với tháng trước và giảm lần lượt 3,5% và 15,5% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng sắt thép xuất khẩu sang Bỉ, Philippines, Mỹ… cũng giảm mạnh từ 70 - 90% so với cùng kỳ năm trước.

“Thị trường vật liệu xây hiện nay rất khó khăn. Là thị trường ăn theo thị trường địa ốc, nên các doanh nghiệp luôn bị động. Với thị trường nội địa đã khó, việc xuất khẩu lại càng khó khăn vì dịch Covid-19”, ông Nguyễn Văn Sáu, Công ty TNHH Kỹ thuật và Thương mại Trường Hải (chuyên sản xuất các loại vật liệu xây không nung) chia sẻ với báo chí.

“Thị trường vật liệu xây dựng phụ thuộc rất lớn vào thị trường bất động sản, trong khi thị trường địa ốc năm nay cũng trầm lắng. Kế hoạch Công ty đưa ra từ đầu năm rất lớn, nhưng giờ chỉ sản xuất cầm chừng để duy trì công nhân và có lượng hàng dự trữ sẵn sàng để hy vọng tháng 6 - 7 tới sẽ có những tín hiệu vui từ thị trường”, một doanh nghiệp khác phân trần.

Ông Lê Văn Tới, Phó Chủ tịch Hội vật liệu xây dựng Việt Nam cũng nhận định, thị trường bất động sản chiếm tỷ trọng đáng kể trong đầu tư, xây dựng.

“Một sản phẩm bất động sản được cấu thành có sự tham gia của trên 80 chủng loại vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép, đá, cát, sỏi, vật liệu xây, ốp lát, kính xây dựng, sứ vệ sinh, dây điện, ổ cắm, công tắc, ống nước… Do vậy, khi thị trường bất động sản trầm xuống, kéo theo đó là sự giảm sút của việc xây dựng các dự án mới, dẫn đến sức tiêu thụ của ngành vật liệu xây dựng sẽ bị giảm sút theo”.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng cũng không nằm ngoài các đối tượng bị tác động bởi dịch Covid -19.

Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung cho biết, diễn biến của dịch Covid-19 kéo dài khiến việc tiêu thụ xi măng ở thị trường trong nước cũng như thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc giảm mạnh.

Trong đồ thị tiêu thụ của ngành Xi măng, tháng 1 dương lịch trùng vào thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán nên tiêu thụ nội địa giảm. Nhưng điểm rơi trong bản đồ tiêu thụ này sẽ được bù bằng việc gia tăng xuất khẩu để cân bằng. Khác mọi năm, năm nay Tết và dịch Covid-19 diễn ra đồng thời nên yếu tố bất lợi tác động đến tiêu thụ xi măng tăng gấp đôi, khiến tiêu thụ sụt giảm.

Một khó khăn lớn nữa hiện nay là vốn. Một số doanh nghiệp vật liệu xây dựng chỉ vừa nhen nhóm khởi sắc, phần lớn vẫn trong giai đoạn trả nợ đầu tư. Do vậy, các doanh nghiệp vẫn cần nguồn vốn để hoàn thiện dây chuyền sản xuất nhưng thực tế việc tiếp cận rất khó khăn.

Cần Nhà nước “dẫn đường”

Để tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng cần tiếp tục “thắt lưng buộc bụng” bằng cách tăng cường tiết kiệm tại tất cả các khâu, vị trí từ khu vực sản xuất đến khối văn phòng. Ðồng thời tiếp tục nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, ngoài sự “tự nỗ lực”, theo các doanh nghiệp vật liệu, Nhà nước nên có chính sách đẩy mạnh phát triển thị trường bất động sản, tháo gỡ vướng mắc pháp lý để các dự án mới được triển khai. Thị trường bất động sản phát triển, sẽ giải quyết được bài toán đầu ra cho thị trường vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên có những chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu.

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng cần có sự cởi mở hơn trong cách tiếp cận vốn và ưu đãi về lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp vật liệu để các doanh nghiệp có thể vượt qua “cơn bão” Covid -19.

Dưới góc nhìn lạc quan hơn, ông Lê Văn Tới, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng không nên quá lo lắng mà lúc này càng cần phải cải tiến, cập nhật công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành, nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp. Tất cả nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để trụ vững trong thời điểm khó khăn này và phát triển bền vững trong tương lai.

“Sự chững lại của thị trường nếu nhìn nhận lạc quan thì đôi khi cũng là điều tốt để các doanh nghiệp vật liệu tự tìm hướng đi riêng do mình. Như đã nói ở trên, ngành vật liệu xây dựng của chúng ta có nhiều tiềm năng để hướng sang thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, hoàn toàn có thể nâng cao chất lượng để dần thay thế các sản phẩm hiện vẫn phải nhập ngoại”, ông Tới nói. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top