Aa

Thị trường vật liệu xây dựng 2020: Phấp phỏng chờ địa ốc

Thứ Hai, 06/01/2020 - 06:06

Ngành vật liệu xây dựng đã kịp thời thay đổi để đối phó với những khó khăn trong năm 2019 khi thị trường bất động sản chững lại. Trong năm 2020, dù có nhiều dấu hiệu tích cực cho ngành vật liệu, nhưng khó khăn vẫn còn.

Tại văn bản gửi Bộ Công thương về việc đánh giá cung cầu xi măng năm 2019 và dự báo cân đối cung cầu năm 2020, Bộ Xây dựng cho biết, năm 2020, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi vẫn được Chính phủ quan tâm và thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi tích cực, nhu cầu xây dựng của người dân vẫn nhiều.

Do đó, Bộ Xây dựng ước tính, nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành năm 2020 sẽ đạt khoảng 101 - 103 triệu tấn, tăng 4 - 5% so với năm 2019, trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 69 - 70 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 32 - 34 triệu tấn. Năm 2020, dự kiến có 2 dây chuyền sản xuất xi măng mới đi vào vận hành.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, thị trường xi măng trong nước năm 2020 sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng cũng chỉ dao động ở mức 2 - 4%, không được như kỳ vọng.

Nguyên do bởi thị trường bất động sản không có nhiều dự án mới được triển khai, trong khi các dự án cơ sở hạ tầng cũng không khá hơn. Trong khi đó, đây là 2 nguồn tiêu thụ chính của ngành vật liệu xây dựng.

“Ngoài ra, giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng, gây áp lực tăng giá xi măng, nếu không sẽ bị lỗ. Tuy nhiên, nếu tăng giá cao quá sẽ không thể cạnh tranh được với sản phẩm ngoại nhập. Do đó, câu chuyện của ngành xi măng vẫn khá khó khăn”, ông Cung nói.

Trong khi đó, với ngành thép, mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra phán quyết áp thuế chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam có nguyên liệu đầu vào từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Theo đó, những lô hàng thép cán nguội và thép chống ăn mòn xuất khẩu từ Việt Nam mà không chứng minh được xuất xứ của nguyên liệu thép cán nóng, thì sẽ bị áp mức thuế lên đến 456%. Trong trường hợp doanh nghiệp chứng minh nguyên liệu cán nóng nhập khẩu từ Hàn Quốc hoặc Đài Loan sẽ bị áp thuế tương ứng của Hàn Quốc (29,4% với thép chống ăn mòn; 24,2% với thép cán nguội) và Đài Loan (10,34% với thép cán nguội).

Theo các doanh nghiệp, quyết định này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam. Tuy nhiên, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vẫn khuyến cáo các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách áp dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm chi phí; chủ động sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, hoặc mua nguyên liệu từ các quốc gia khác để sản xuất ra các sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ. Bởi nếu các doanh nghiệp chứng minh được nguyên liệu sản xuất là của Việt Nam hoặc các nước/vùng lãnh thổ ngoài 3 nguồn trên sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế.

“Việc ngành thép bị áp thuế chống lẩn tránh thuế từ các nước đã không còn mới. Các doanh nghiệp trong ngành đã lường trước những quyết định từ phía DOC, nên đã chủ động đa dạng hóa thị trường và chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào”, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA chia sẻ.

Dưới góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty Cổ phần Thép Nam Kim cũng cho biết, quyết định trên không ảnh hưởng quá lớn đến tổng thể ngành thép khi thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng không lớn.

Còn với mặt hàng cát xây dựng, trao đổi với phóng viên, các chủ thầu xây dựng đều lo lắng rằng, việc khiến họ lo lắng nhất trong thời gian tới là nguồn cung cát xây dựng khan hiếm, giá bán tiếp tục bị đẩy lên cao.

Một số chuyên gia trong ngành cho rằng, số lượng công trình lớn ngày càng nhiều, trong khi tính đến năm 2020, tổng trữ lượng cát khai thác được là rất thấp, không thể đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Ông Nguyễn Công Tấn, chủ thầu một công trình tại quận Thủ Đức (TP.HCM) chia sẻ, nguồn cát trên thị trường hiện TP.HCM nay là do các chủ tàu hút từ các nhánh sông Đồng Nai, Sài Gòn… Tuy nhiên, gần đây, các địa phương như Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương và cả Long An đều tuyên bố mạnh tay với “cát tặc”, trong đó tỉnh Đồng Nai, địa phương có nguồn cát lớn nhất cung cấp cho thị trường xây dựng TP.HCM xử lý mạnh tay nhất với hàng loạt vụ bắt cát tặc đã khiến nguồn cung khan hiếm.

“Tại thời điểm này, giá vật liệu đã bắt đầu tăng cao khiến việc thi công gặp rất nhiều khó khăn bởi chi phí đội lên cao”, ông Tấn nói và cho biết, các nhà thầu đang rất đau đầu để xử lý những vấn đề này. Bởi nếu không tính toán kỹ, sẽ không còn lợi nhuận.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top