Aa

Ngành Xây dựng tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch

Thứ Năm, 23/12/2021 - 16:18

Ngành xây dựng cần tập trung nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch đảm bảo tầm nhìn, dự báo và tính khả thi. Kiểm soát chặt chẽ công tác thẩm định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch...

Theo Bộ Xây dựng, năm 2021, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 40,5%, tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 90,8% (tăng 0,8% so với năm 2020), tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm còn 17,8% (giảm 0,2% so với năm 2020) và tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom đạt 15% (tăng 1% so với năm 2020). Năm 2021, giá trị tăng thêm của ngành xây dựng ước tính tăng 0,2 - 0,5% so với năm 2020; chỉ số giá xây dựng tăng 4,34% so với năm 2020; diện tích nhà ở bình quân cả nước ước đạt 25m2/người. Trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, năm 2021, sản lượng xi măng tiêu thụ ước đạt 105,6 triệu tấn (tăng 2% so với năm 2020); kính xây dựng đạt khoảng 186 triệu mét vuông (tăng khoảng 24%); sứ vệ sinh khoảng 16 triệu sản phẩm, (tăng khoảng 7%)…

ngành xây dựng
Năm 2022, Bộ Xây dựng tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản

Năm 2022, ngành xây dựng phấn đấu, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất xây dựng ước 4,96 - 5,56%. Diện tích nhà ở bình quân cả nước phấn đấu đạt 25,5 m2/người. Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 41,5 - 42%.Trong năm 2021, Bộ Xây dựng đã trình và được Chính phủ ban hành tám Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành sáu Quyết định, một Chỉ thị. Bộ Xây dựng đã bãi bỏ ba ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (tương ứng với 16 điều kiện đầu tư kinh doanh); cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với chín ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%). Trong lĩnh vực hoạt động xây dựng, vật liệu xây dựng; cắt giảm, đơn giản hóa 14 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong ba ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, đã thực hiện phân cấp thẩm quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng thông qua điều chỉnh quy mô, phân cấp công trình xây dựng.

Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp tốt với Bộ Giao thông - Vận tải nghiệm thu đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Hiện công trình đã đi vào vận hành ổn định, người dân phấn khởi. Bên cạnh đó, ngành Xây dựng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới như việc hoàn thiện thể chế, pháp luật còn chậm so với yêu cầu. Đầu tư phát triển đô thị chưa đồng bộ về hạ tầng, thiếu tính kết nối, đặc biệt hệ thống công viên, cây xanh và các công trình công cộng, phúc lợi xã hội. Đặc biệt, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm về quy hoạch còn xảy ra nhiều, đặc biệt tại một số đô thị lớn, khu vực ven đô.

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành Xây dựng là tổ chức lập các quy hoạch và quản lý quy hoạch. Những quy hoạch có chất lượng, bảo đảm tầm nhìn sẽ mở ra không gian và định hướng phát triển cho từng ngành, từng địa phương cũng như cả nước. Cùng với việc phê duyệt quy hoạch cần phải kiểm soát tốt quá trình quản lý thực hiện theo quy hoạch, đặc biệt là việc điều chỉnh quy hoạch phải hết sức thận trọng.

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, thời gian tới, ngành Xây dựng cần tập trung thực hiện ba khâu đột phá của ngành. Trước mắt phải hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường công tác quản lý nhà nước, đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho địa phương. Đặc biệt, ngành xây dựng cần tập trung nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch đảm bảo tầm nhìn, dự báo và tính khả thi. Kiểm soát chặt chẽ công tác thẩm định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh địa phương về công tác quy hoạch. Đồng thời thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu, tập trung nguồn lực thích đáng để sớm hoàn thiện Quy hoạch Hệ thống đô thị và nông thôn theo nhiệm vụ được Chính phủ giao, ban hành trong năm 2022.

Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản; nhất là tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, tăng cường quản lý đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top