Đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ còn gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu. Theo báo cáo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, diễn biến của dịch Covid-19 đã có tác động to lớn đến cộng đồng doanh nghiệp Việt. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt khoảng 903.788 tỷ đồng, giảm 17,7%; trong khi đó, có tới 34.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường sản xuất kinh doanh (theo số liệu báo cáo từ quý 1 năm 2020).
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực: “Tại Việt Nam, việc tiếp tục kiên định thực hiện mục tiêu kép đã giúp nền kinh tế dần ổn định trở
Theo số liệu thống kê quý I/2021, ngành Xây dựng đã có mức phục hồi tăng trưởng 5,17% cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế”.
Những con số ấn tượng
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2021 tình hình thực hiện một số chỉ tiêu kế hoạch đề ra đạt được những kết quả nhất định, cụ thể: Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc: 40,4% (tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020); tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung: 90,8% (tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020); tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm còn: 17,8% (giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2020); tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị: 90,5% (tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020); tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom: 15% (tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020). Diện tích nhà ở bình quân cả nước ước đạt: 24,4 m2 sàn/người. Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,4% (làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm) do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,93% tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào.
Tại Báo cáo số 111/BC-TCTK ngày 28/5/2021 của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 0,16% so với tháng trước, trong đó có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Chính giá nguyên liệu tăng cao trên thị trường thế giới, cùng với nhu cầu xây dựng trong nước tăng làm cho giá nguyên liệu đầu vào sản xuất gang, sắt, thép tháng 5/2021 tăng 4,83% so với tháng trước và tăng 7,26% so với tháng 5/2020, bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 7,76% so với cùng kỳ năm trước.
Về thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, trong năm 2021, Bộ Xây dựng được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước là 671,24 tỷ đồng (Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020). Khối lượng thực hiện từ ngày 01/01/2021 đến ngày 15/5/2021 là 213,97 tỷ đồng. Giá trị giải ngân từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/5/2021 là 51,75 tỷ đồng/322,52 tỷ đồng (vốn đã giao cho các dự án), đạt 16% kế hoạch.
Hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng
Nhiệm vụ đổi mới, hoàn thiện thể chế là một trong 3 khâu đột phá chiến lược được xác định tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, theo đó, trong những tháng đầu năm 2021, Bộ Xây dựng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư các nguồn lực để kiểm soát tiến độ xây dựng, ban hành, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thực thi pháp luật tốt, hiệu quả.
Với sự tập trung, nghiêm túc, ngành Xây dựng đã được Chính phủ thông qua và ban hành 07 Nghị định quan trọng liên quan đến các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản và nhà ở dần tiến tới hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với từng giai đoạn của thực tiễn (cụ thể: Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 về quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng; Nghị định số 09/2021/NĐ-CP ngày 09/2/2021 về quản lý vật liệu xây dựng; Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/2/2021 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 về quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 liên quan đến Luật Nhà ở; Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị địnhsố 50/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số về hợp đồng xây dựng). Thủ tướng Chính phủ ban hành 05 Quyết định và 01 Chỉ thị; ban hành theo thẩm quyền 06 Thông tư (tiêu biểu là các Thông tư ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng; quy chuẩn về an toàn cháy cho nhà và công trình; quy chuẩn quốc gia về nhà chung cư...)
Bên cạnh đó, cũng hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030.
Bộ Xây dựng trong những tháng đầu năm 2021, cũng đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương trình Bộ Chính trị Nghị quyết về “Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề án năm 2021 như: Nghị định thay thế Nghị định số 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản; Nghị định thay thế Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ về xây dựng quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; Nghị định thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở; Nghị định thay thế Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị...
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, việc tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 81/2017/NĐ-CP cũng được Bộ Xây dựng chú trọng, trên cơ sở đó nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Nghị định về tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng giai đoạn 2021-2026 phù hợp với yêu cầu mới, loại bỏ các chồng chéo, trùng lắp trong nội dung quản lý giữa Bộ Xây dựng với các Bộ, ngành khác.
Trong những tháng đầu năm, nhằm tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng tại 02 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Tập trung triển khai Kế hoạch kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2021.
Tại cuộc làm việc ngày 18/5/2021 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra 03 nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành Xây dựng. Trong thời gian tới, ngành Xây dựng với sự nỗ lực, tinh thần đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Tiếp tục rà soát việc xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật để tăng cường công tác quản lý Nhà nước đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương. Thời gian tới sẽ tập trung cho công tác quản lý phát triển đô thị và đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản, nhất là tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, tăng cường quản lý đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.
Ngành Xây dựng quyết tâm hoàn thành tốt các mục tiêu, kế hoạch đề ra, góp phần vào việc phục hồi lại và phát triển mạnh mẽ nền kinh tế chung của đất nước sau đại dịch./.
Chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu của ngành Xây dựng 6 tháng cuối năm 2021:
- Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc: 40,5 - 41,0%.
- Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung: trên 90%
- Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch: 18% (đối với các đô thị từ loại IV trở lên)
- Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị thu gom và xử lý: 91%
- Tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý: 14 - 15%.
- Diện tích nhà ở bình quân cả nước đạt trên 25 m2 sàn/người.