Aa

Ngành Xi măng trông chờ vào đầu tư công?

Thứ Năm, 30/09/2021 - 07:00

Tín hiệu tích cực khi nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi, tăng trưởng mạnh trở lại.

Kinh tế Việt Nam hy vọng sớm khởi sắc, tốc độ phục hồi phụ thuộc vào tiến độ tiêm vắc xin, hiệu quả các biện pháp chống dịch sau giãn cách, các gói hỗ trợ và đầu tư công.

Một giải pháp đặc biệt được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, đó là tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Đây được coi là “chìa khóa” quan trọng giúp nền kinh tế phục hồi sau giãn cách. Đầu tư công tăng 1% thì GDP tăng 0,06 điểm phần trăm, nhiều ngành sẽ được hưởng lợi.

Đón nhận nhiều thông tin tích cực, kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế và biện pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, các nhóm ngành được dự báo sớm phục hồi như xây dựng, bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng...

Xi măng là “bánh mỳ” của ngành Xây dựng, là nguyên vật liệu quan trọng trong xây dựng công trình. Điều đó có nghĩa là khi đầu tư xây dựng tăng, đầu tư công tăng thì tiêu thụ xi măng tăng và ngược lại.

Báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Ước giải ngân đầu tư công đến 31/8 là 187.285,01 tỷ đồng, đạt 40,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, giảm 5,81% so với cùng kỳ năm 2020 (46,41%). Trong đó, vốn trong nước đạt 44,7% (cùng kỳ năm 2020 là 50,02%), vốn nước ngoài đạt 7,94% (cùng kỳ năm 2020 đạt 21,26%).

Kết quả tiêu thụ xi măng 8 tháng đầu năm 2021 đạt 70,77 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt 43,54 triệu tấn, giảm 5% so với cùng kỳ; sản lượng xuất khẩu ước đạt27,23 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ. Khi đầu tư công 8 tháng giảm 5,81% so với cùng kỳ, đầu tư xây dựng giảm do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch, thì “chiếc phao” duy nhất giúp ngành Xi măng duy trì đà tăng trưởng là từ xuất khẩu.

Trong quý IV/2021 và những năm tiếp theo, ngành Xi măng được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Thị trường cổ phiếu xi măng vừa bật tăng nhanh khi đón nhận các thông tin tích cực từ thị trường, được nhiều nhà đầu tư săn lùng, thậm chí có cổ phiếu xi măng tăng vượt giá trị thực tại của doanh nghiệp.

Một câu hỏi đặt ra: Nếu các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ được thực thi hiệu quả, giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt kế hoạch Chính phủ giao, đầu tư xây dựng được đẩy mạnh thì có tiêu thụ hết 105 triệu tấn xi măng ở thị trường nội địa không? Câu trả lời chắc chắn là không, bởi thị trường xi măng đang dư cung trên 30 triệu tấn, tổng công suất của các Nhà máy xi măng Việt Nam hiện nay là 105 triệu tấn.

Những năm tiếp theo, đầu tư công và đầu tư xây dựng tăng, tiêu thụ xi măng tăng, dây chuyền xi măng được cho phép đầu tư cũng tăng lên. Các dây chuyền đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư đến năm 2030 là 24 dây chuyền, với tổng công suất 36,31 triệu tấn. Dự kiến đến năm 2030, cả nước có 109 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất 140,35 triệu tấn/năm. Điều đó có nghĩa là thị trường xi măng luôn có nguồn cung rất lớn, không có “cơn sốt” thiếu xi măng. Có chăng là sự phân bố không đồng đều giữa các vùng miền bởi nhiều nhà máy xi măng tập trung ở miền Bắc và miền Trung, ít ở miền Nam. Kỳ vọng đồ thị tăng trưởng đột biến từ ngành Xi măng là rất thấp.

Trong trường hợp đầu tư công được giải ngân mạnh, sang giai đoạn 2022 – 2023, các công ty xi măng mới thực sự hưởng lợi từ các dự án đầu tư hạ tầng, sau khi các công trình sử dụng vốn công hoàn tất giải phóng mặt bằng.

Như vậy, chủ động đẩy mạnh tiêu thụ, phát triển thương hiệu cũng như tìm kiếm mở rộng thị trường là giải pháp các doanh nghiệp xi măng tích cực thực hiện. Không thể chỉ trông chờ giải ngân vốn đầu tư công!

Các doanh nghiệp ngành Xi măng đang tích cực ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 vào sản xuất kinh doanh, số hóa chuỗi tiêu thụ và logistic; số hóa việc quản lý văn bản điện tử; số hóa quản lý toàn bộ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp… Dẫu đầu tư công tăng lên, đầu tư xây dựng tăng lên thì ngành Xi măng vẫn dư cung cao và cạnh tranh đầy áp lực. Muốn tồn tại, phát triển, buộc doanh nghiệp phải tiếp tục đổi mới công nghệ, thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng suất, đồng thời bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển xanh, bền vững...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top