Ngày xưa làm báo Tết
Bận rộn, buồn vui, thậm chí cả hờn giận, xích mích... cho đến khi ký vào bản can, rồi đón tay sách in thử vừa ra khỏi máy sờ vào nét chữ còn dính mực là anh em chúng tôi đều có một cảm xúc khó tả. Và khi tờ báo Tết dày dặn, xinh xắn đóng xén xong là mọi phiền muộn, mệt nhọc đều tan biến hết.
Cách nay hơn hai chục năm, trong một lần đưa các nhà báo về Hải quan Quảng Ninh làm việc dịp cuối năm, ngồi trên xe, mọi người râm ran bàn về chuyện báo Tết. Chợt anh Thế Lân ở báo Nhân Dân bấm đốt ngón tay rồi thốt lên: “Mình chỉ còn làm hơn chục số báo Tết nữa là nghỉ”.
Thế là mọi người lại quay sang lẩm nhẩm tính, xem cuộc đời làm báo của mình còn được bao nhiêu số báo Tết. Tôi chợt phì cười, anh lái xe tính sự nghiệp của mình bằng ki lô mét cầm vô lăng, vị kiến trúc sư tính bằng những công trình, anh phi công tính bằng số giờ bay; còn nhà báo lại tính bằng những số Tết.
Đứt quãng một kỳ, năm nay tôi lại được trở lại làm báo Tết. Bây giờ là thời công nghệ 4.0, làm báo nhàn đi nhiều, nhiều thứ cũng thay đổi, từ hình thức đến nội dung, từ cái gu của bạn đọc đến việc phải đau đầu cân đối kinh phí… Nhưng báo Tết vẫn cứ là báo Tết. Vẫn thức đêm thức hôm, vẫn có những lúc tiến độ thúc bách gắt nhau nhặng xị, và vẫn là cảnh khoan thổi vội ăn… Tức là như cái thời tem phiếu, mua được mảnh vải cất kỹ trong hòm cả năm, giáp Tết mới mang đến ông thợ may cắt cho bộ cánh, nhưng lại cứ giục ầm ầm đòi lấy sớm.
Nhưng như thế mới là báo Tết. Và tôi bỗng nhớ lại cái thời làm báo Tết cách nay hai chục năm, khi còn là một anh thư ký tòa soạn…
Thời ấy, vốn biết mình là tờ báo của Bộ, lực mỏng thế… vừa vừa, sức có hạn nên thường thì từ tháng 9, tháng 10 chúng tôi đã rục rịch lên kế hoạch, đề cương và thậm chí đi đặt những bài quan trọng. Đề cương bao giờ cũng phải tính cho cân đối giữa các đề tài: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, thể thao...; giữa các vùng miền, ngành nghề, lĩnh vực.
Cũng như một mâm cỗ phải bày đủ các món, dẫu biết rằng có món đến cuối bữa vẫn chẳng có ai đụng đũa. Nhưng gì thì gì, để ngày Tết nhân lúc trà dư tửu hậu bà con có cái mà đọc, mà vui, mà ngẫm nghĩ, và cũng để cho sáng mặt báo, thế nào cũng phải có bài về những nhân vật nổi tiếng, có bài của những cây bút có tên tuổi, coi đây như món rượu của một bữa tiệc.
Có cây bút chuyên viết bình luận thể thao đã ví, một trận bóng đá dù có sôi nổi đến mấy, có nóng đến mấy nhưng nếu không có bàn thắng thì cũng như bữa tiệc không có rượu.
Vậy là, báo nào cũng cố tìm lấy bàn thắng, dù là từ chấm phạt đền.
Theo truyền thống dân tộc, lại thế nào cũng phải có dăm ba câu đối… Nhưng cũng xin thú thật, những câu đối hay ngày càng hiếm. Câu đối bây giờ như khẩu hiệu, đọc xong là hết.
Thế rồi, khoảng tháng 10 đã thấy lác đác và tháng 11, 12 dương lịch là bài lai cảo gửi về cấp tập. Nhìn tập bài cộng tác viên, bạn đọc gửi về chất ngồn ngộn đầy bàn đã thấy không khí Tết bảng lảng đâu đây và vừa mừng vừa... toát mồ hôi. Mừng vì bạn viết yêu mến báo gửi bài về nhiều, càng có điều kiện chọn bài hay để hầu độc giả. Còn toát mồ hôi là vì... chuyện thế này:
Dạo ấy, máy vi tính, máy photocopy, internet… cũng đã vào thời kỳ phát triển, người ta thoải mái nhân bản các bài viết rồi... đua nở. Có năm, tôi kỳ công chắt lọc tinh hoa nhân loại trong hàng nghìn bản thảo, tâm đắc rằng không phụ lòng yêu mến của độc giả, rằng bà con "có cái để đọc". Nhưng khi báo phát hành, nhận được số Tết của báo bạn mới ngã ngửa người vì những bài mình chọn thì báo bạn cũng đăng. Chợt nghĩ như cô gái đẹp, chàng trai nào chẳng muốn tán tỉnh. Năm sau tôi rút kinh nghiệm, chỉ chọn bài cỡ trung bình khá, cho khỏi trùng nhưng cũng không đến nỗi để mâm cỗ quá đạm bạc như bữa cơm bụi bình dân. Nghĩ thế đã là khôn lỏi, chẳng dè cũng có người khôn lỏi như mình. Thế là vẫn cứ… thủ giống thủ, xôi giống xôi.
Trong nghề, cánh nhà báo thường chọn cái kéo làm "logo" cho anh biên tập. Mà thực tế, tôi cũng thửa cho mình một cái kéo rõ to chứ không dùng cái kéo nhỏ lọt tay của học sinh cắt thủ công; bởi vậy, ngay cả trong toà soạn nhiều khi gặp ánh mắt nhìn mình cứ như... không muốn đội trời chung. Tôi hiểu mỗi dòng, mỗi chữ viết ra đều là tâm huyết của tác giả, cắt đi có khi còn đau đớn hơn cả chặt chân chặt tay. Nhưng khi đã bày lên mâm thì lại cần có sự cân đối. Nước mắm dù có ngon đến mấy cũng không thể đựng vào cái bát tô... tổ bố; còn nước canh, có khi chỉ là bát nước luộc rau lại cũng không thể đựng vào... đĩa.
Lại nữa, bài báo là sản phẩm của cá nhân (hay một nhóm tác giả) nhưng khi đã in lên mặt báo thì không những nó là sản phẩm chung của toà soạn (thể hiện thái độ, quan điểm và cả trình độ của toà soạn báo mà trước hết là Ban biên tập), mà còn là sản phẩm của cả xã hội. Vì vậy, nó đều có nguyên tắc và thể thức nhất định. Cũng vì vậy, dù có tôn trọng cá nhân đến mấy, người ta cũng không thể để anh cởi trần, mặc quần xà lỏn mà vào dự một lễ hội; còn nếu thích mặc thế, thì xin mời anh cứ việc... ngồi nhà.
Nói thế thôi chứ ai chả hiểu, dù là cây bút hay cái kéo thì ai chả muốn làm cho mỗi câu, mỗi chữ, mỗi bài, cho cả tờ báo hay hơn.
Tuy không tránh khỏi có những va chạm, có khi cãi nhau như mổ bò nhưng cũng có lúc tôi ngồi tủm tỉm một mình, nghĩ cái nghề biên tập, thư ký toà soạn như cái anh ngồi sau cánh gà sân khấu. Giáp Tết, thiên hạ cứ sôi sùng sục đi làm quảng cáo, đi cơ sở dự tổng kết còn cả phòng Thư ký toà soạn suốt ngày đêm cắm mặt vào trang giấy và màn hình vi tính. Có buổi sáng chủ nhật sang cơ quan sớm, thấy ông "bôi sĩ" thức suốt đêm qua để trình bày cho kịp số Tết dương lịch, gần sáng mệt quá nằm còng queo trên bàn lăn ra ngủ mà ứa nước mắt. Người ta chỉ nhìn thấy diễn viên ăn mặc lộng lẫy xuất hiện trên sân khấu dưới ánh đèn màu rực rỡ.
Nhưng nghĩ, ngồi sau cánh gà có lúc lại cũng hay hay, ít nhất là được nhìn những gương mặt thật của mỗi diễn viên. Ngày nay, công nghệ tin học đi vào tận giường ngủ nhưng có người vẫn có thói quen viết tay (hồi ấy tôi cũng vậy). Thế là khi đọc bản thảo, tôi chợt phát hiện có nhà thơ lai láng tâm hồn nhưng chữ viết cũng giống như... bác sĩ kê đơn. Lại có nhà văn tôi hằng hâm mộ nhưng cũng có lúc viết sai chính tả... Thế mới là cuộc đời.
Bận rộn, buồn vui, thậm chí cả hờn giận, xích mích... cho đến khi ký vào bản can, rồi đón tay sách in thử vừa ra khỏi máy sờ vào nét chữ còn dính mực là anh em chúng tôi đều có một cảm xúc khó tả. Và khi tờ báo Tết dày dặn, xinh xắn đóng xén xong là mọi phiền muộn, mệt nhọc đều tan biến hết. Có lúc, tụ tập nhau làm một chầu bia hơi để cười nói thoả thuê, cho bõ những lúc làm tối mặt mũi, ăn chực nằm chờ ở nhà in. Sau đó lại thấy bâng khuâng. Khổ thế, khi bận rộn thì cằn nhằn, lúc xong việc lại thấy hẫng hụt.
Lúc đó, tôi thường vào một quán cà phê nhỏ, chọn một góc khuất ngồi cho người tan ra theo bản nhạc đồng quê du dương êm đềm, miên man nghĩ về sự đời, về thế thái nhân tình và lại nghĩ đến số báo Tết năm sau.
Trong khi cái Tết đang xồng xộc chạy ngoài đường.