Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho biết, từ năm 2012 đến nay, các đoàn liên ngành do UBND tỉnh thành lập đã tiến hành 674 lượt kiểm tra đối với 498 dự án. Trong đó đã chấm dứt hoạt động, thu hồi đất và hủy bỏ các văn bản pháp lý đối với 142 dự án; gia hạn tiến độ 199 dự án; cho phép tiếp tục thực hiện 56 dự án; xử lý khác đối với 101 dự án. Lũy kế đến thời điểm hiện nay đã chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với 225 dự án với tổng diện tích quy hoạch là 120.821ha.
Trước đó, HĐND tỉnh đã có chương trình giám sát các dự án treo trên địa bàn tỉnh. Qua đó, làm rõ thực trạng, nguyên nhân hạn chế, yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý các dự án treo. Tuy nhiên, tình trạng các dự án treo, dự án chậm tiến độ hiện vẫn còn diễn ra; nhiều dự án có dấu hiệu chậm tiến độ nhưng chưa được kiểm tra, xử lý.
Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An cho rằng, tỉnh và các ngành, địa phương cần quan tâm hơn đến nguồn lực để thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt, tránh tình trạng quy hoạch xong để đấy nhiều năm không triển khai được.
Vì vậy, việc tháo gỡ nút nghẽn của dự án “treo”, dự án chậm tiến độ cần tiến hành khẩn trương tránh gây lãng phí, gây nợ đọng về thuế và góp phần tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư.
Thực hiện nhiệm vụ rà soát danh mục dự án chậm tiến độ, không triển khai năm 2022 trên địa bàn TP. Vinh, mới đây, UBND TP. Vinh đã có văn bản gửi Sở KH&ĐT tỉnh Nghệ An để báo cáo và đề nghị kiểm tra các dự án chậm tiến độ trên địa bàn.
Theo danh sách các dự án chậm tiến độ được UBND TP. Vinh lập có tất cả 53 dự án. Điển hình của một số dự án đang khiến dư luận bức xúc như: Dự án văn phòng cho thuê và nhà ở cao tầng thương mại của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt; Dự án Khu thương mại dịch vụ gắn với nhà ở và trụ sở làm việc của Công ty CP Xây dựng và Đầu tư 492; Dự án Khu văn phòng, chung cư và nhà ở liền kề của Công ty CP Cơ khí và xây dựng công trình 465,
Dự án trung tâm thương mại, khách sạn dịch vụ, nhà ở và biệt thự cao cấp của Công ty TNHH Thành Thái Thịnh; Dự án khu đô thị Đồng Dâu kết hợp nhà ở cho người có thu nhập thấp của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Đại Huệ; Dự án Khu dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê, nhà ở chung cư cao tầng tại phường Hưng Dũng, do Tổng Công ty hợp tác kinh tế Việt - Lào làm chủ đầu tư…
Cùng theo báo cáo mới đây, của UBND thị xã Cửa Lò gửi đoàn giám sát HĐND tỉnh Nghệ An, hiện nay, trên địa bàn thị xã có 35 dự án được giao đất, cho thuê đất đang chậm tiến độ.
Được biết, địa phương này cũng đã có báo cáo kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An ban hành các quyết định về chấm dứt hoạt động, huỷ bỏ quy hoạch và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với 9 dự án. Bên cạnh đó, trên địa bàn, hiện nay đang có 10 dự án đã được UBND tỉnh kiểm tra, cho gia hạn tiến độ và đang trong thời gian gia hạn tiến độ; 7 dự án đã được UBND tỉnh kiểm tra, cho gia hạn tiến độ nhưng đã hết thời gian gia hạn tiến độ. Có 9 dự án đã được UBND tỉnh Nghệ An kiểm tra.
Đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết: trong thời gian tới, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp: Nâng cao chất lượng thẩm định, tham mưu chủ trương đầu tư các dự án nhằm đảm bảo chấp thuận các dự án có tính khả thi, sử dụng đất có hiệu quả, nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án.
Đồng thời tăng cường công tác quản lý dự án sau cấp phép; các sở, ngành, địa phương thực hiện quy chế phối hợp quản lý dự án đầu tư. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn trong triển khai thực hiện dự án đầu tư, đặc biệt là những vướng mắc do nguyên nhân từ phía các ngành, các cấp và các chính sách văn bản pháp luật ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Đồng thời tiếp tục ưu tiên bố trí vốn đầu tư để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.
Theo báo cáo của HĐND tỉnh Nghệ An, từ năm 2016 đến nay, các đoàn liên ngành của tỉnh Nghệ An đã tiến hành 489 lượt kiểm tra đối với 391 dự án (tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015).
Trong số 391 dự án kiểm tra, UBND tỉnh Nghệ An đã chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất, chấm dứt hiệu lực các văn bản pháp lý có liên quan đối với 92 dự án; cho gia hạn tiến độ 179 dự án; cho phép tiếp tục thực hiện theo tiến độ đối với 30 dự án; xử lý khác đối với 90 dự án.
Ngoài ra có 13 dự án được giao đất, cho thuê đất nhưng chủ đầu tư sử dụng đất sai mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất; 120 chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với tổng gần 700 tỷ đồng.
Được biết, trong số đó, có nhiều dự án không triển khai, triển khai chậm tiến độ, sau khi được rà soát, kiểm tra và gia hạn tiến độ nhưng khi hết thời gian gia hạn vẫn chưa triển khai, triển khai không đúng tiến độ mới, tiếp tục chậm tiến độ. Việc xử lý các dự án sau khi chấm dứt hoạt động còn chậm và chưa thu hút được dự án đầu tư thay thế.