Aa

Nghề bán báo

Thứ Sáu, 24/01/2020 - 07:00

Các “kinh đô” phát hành báo chỉ còn trong ký ức. Duy nhất còn ở phố Hàng Trống vài quầy kiên cường trụ lại, nhưng có lẽ cũng khó lòng lâu dài.

Nói đến báo chí đương nhiên phải nghĩ ngay đến những người mang tờ báo từ nhà in đến độc giả. Họ là những người bán báo hiểu theo nghĩa cụ thể. Thực sự thì hệ thống phát hành báo chí mang theo nghĩa rộng hơn rất nhiều nhưng suy cho cạn nhẽ, mục đích cuối cùng là đưa tờ báo đến tay người đọc thì cũng chẳng có cách gọi nào đúng hơn là bán báo. Và đó là một nghề luôn song hành cùng nghề báo.

Ở ta lúc cao điểm có đến gần ngàn tờ báo, tạp chí tồn tại thế nên hệ thống phát hành là cực kỳ quan trọng. Công ty Phát hành báo chí Trung ương có tuổi đời ngoài 60 năm là một người bạn đồng hành lớn của hệ thống báo chí trong nước. Dạo hết chiến tranh, xuất ngũ, một bạn lính của tôi được nhận vào làm ở công ty này. Lúc đó tôi vô cùng ngưỡng mộ bạn. Nhìn bạn sáng sáng đạp xe, có hai túi vải bạt vắt hai bên giá đèo hàng đựng đầy báo, tung tẩy trên đường đưa báo đến các hộ gia đình, cơ quan đặt báo lẻ, tôi thầm ao ước một ngày được làm công việc đó. Đơn giản bởi những tờ báo thơm mùi mực in luôn hấp dẫn và kích thích trí tưởng tượng của tôi. Thích nhất là Tết đến, anh bạn phát hành báo chí kia bao giờ cũng tặng tôi mấy tờ báo Tết là tiêu chuẩn của anh. Ngày đó những tờ báo là vô cùng quý giá.

Nhà Bưu điện ở đường Đinh Tiên Hoàng ven Hồ Hoàn Kiếm là một điểm bán lẻ báo số một Hà Nội. Dạo còn bao cấp, báo chí hiếm hoi, mua được tờ báo phải xếp hàng. Tôi nhớ lúc đó báo ra sớm lắm, tinh mơ mờ đất đã thấy hàng người rồng rắn xếp dài. Chủ yếu là những người đi tập thể dục và không ít “con phe”. Báo lúc đó chỉ có tờ Nhân Dân, Hà Nội Mới, Quân Đội Nhân Dân là những tờ báo ngày, còn các tờ khác là tuần báo. Những “con phe” mua được báo sớm bèn mang đi bán dạo trên đường phố. Điều đặc biệt, lực lượng phe báo ngày ấy chủ yếu là người già và người tàn tật. Họ xếp hàng nhiều lượt để mua ít tờ và mang đi bán lại với giá cao gấp đôi, gấp ba. Giá báo bao cấp rất rẻ nên chỉ cần có đôi chục tờ báo là tinh tươm về thu nhập của một ngày.

Hình ảnh người bán báo dạo rồi sẽ biến mất trong đời sống.

Bởi bao cấp nên chế độ đặt báo năm rất được độc giả chú trọng. Báo đặt đảm bảo không mất mát, đến đúng kỳ và giá đặt dài kỳ rẻ hơn giá mua lẻ. Dưới công ty phát hành báo là những đại lý phát hành và tất nhiên có quầy báo lẻ. Những quầy báo lẻ có mặt khắp thành phố là khi đã mở cửa xóa bỏ bao cấp. Giai đoạn này việc phát hành cũng không còn là độc quyền của Công ty Phát hành báo chí Trung ương nữa mà đã có những công ty phát hành tư nhân cùng tham gia. Song song là hệ thống đại lý tư nhân trung chuyển báo nhanh nhất ra các quầy báo lẻ. Đây chính là thời kỳ rạng rỡ nhất của nghề bán báo. Hà Nội lúc đó đi đến bất cứ chỗ nào cũng có quầy bán báo lẻ. Những điểm tập trung được coi như “kinh đô” của phát hành báo chí không phải là nhà Bưu điện nữa mà ở phố Hàng Trống chếch bên cửa báo Nhân Dân, đoạn phố Phan Đình Phùng trước cửa báo Quân Đội Nhân dân, đầu phố Lý Thường Kiệt gần trụ sở Thông tấn xã Việt Nam.

Giai đoạn báo chí phát triển rực rỡ là khi số lượng các tờ báo tăng cao đến mức kỷ lục. Có tờ báo đạt tia ra đến gần triệu bản và đây cũng là thời kỳ những người bán báo có lịch sử huy hoàng không kém. Ngoài các quầy bán báo lẻ, báo đặt từ công ty phát hành, phát triển một lực lượng bán báo lẻ hùng hậu. Lúc này là đủ mọi thành phần, già trẻ, trai gái và cả trẻ em bán báo. Chủ yếu là người nông thôn ra thành phố kiếm sống. Thậm chí có những trung tâm bán báo trẻ em điển hình là Xa Mẹ, tập hợp trẻ mồ côi, cơ nhỡ về nuôi dạy và để kiếm sống thì các em đi bán báo hàng ngày. 

Báo được đưa vào tận bàn ăn của nhà hàng, khách sạn. Mọi ngóc ngách, ngõ phố, xóm ngoại ô cũng có mặt của lực lượng bán báo. Nghề bán báo dạo đơn giản, không cần vốn liếng nhiều, nếu bán có uy tín còn được đại lý cho đọng nợ. Phương tiện thì chủ yếu là đi bộ và xe đạp. Những người bán báo bằng xe đạp cơ động nhanh các phố và trên xe họ gắn loa điện phát nội dung một vài tờ báo có tin giật gân đủ mọi lĩnh vực. Hình thành những cụm dân cư ở một địa phương nào đó lúc nông nhàn ra Hà Nội thuê nhà trọ và đi bán báo lẻ quanh phố phường. Thu nhập tất nhiên không nhiều nhưng cũng gọi đó là một phương cách sinh nhai khả dĩ.

Chủ các quầy báo lẻ cũng có cách thức bán báo hợp lý. Họ căn cứ vào nhu cầu của khách hàng để căn chỉnh đầu báo và số lượng báo để không bị tồn ứ, lỗ vốn. Vì là song hành cùng nghề báo nên số lượng báo của các tòa soạn ảnh hưởng trực tiếp đến nghề bán báo. Thời hoàng kim của báo chí, những sạp báo tiêu thụ rất mạnh và những người bán báo dạo cũng có thu nhập tương đối, nhất là vào những dịp có sự kiện như Tết nhất hay các giải bóng đá vô địch châu Âu và World Cup.

Thời điểm hiện tại báo mạng đang lấn át làm sụt giảm tia ra của báo giấy. Các tòa soạn báo cũng đang bị thu hẹp. Một số tờ báo và tạp chí bị giải thể, sáp nhập. Lượng bản tụt hệ quả kéo theo là nghề bán báo chung chiêng. Nhiều đại lý giải nghệ. Các quầy báo bán lẻ dần dần teo tóp còn lại rất ít. Số người bán báo dạo cũng khó sống với nghề nên chuyển làm nghề khác. Thi thoảng mới thấy một người bán báo trên đường phố. Để mua được tờ báo khi cần bây giờ đâm ra cách rách phải đi rất xa.

Các “kinh đô” phát hành báo như Lý Thường Kiệt, Phan Đình Phùng cũng đã chỉ còn trong ký ức. Duy nhất còn ở phố Hàng Trống vài quầy kiên cường trụ lại, nhưng có lẽ cũng khó lòng lâu dài. Các công ty phát hành báo chí thật sự bước vào một giai đoạn khó khăn. Nhưng nếu khéo léo kết hợp, biết uyển chuyển trong kinh doanh thì họ vẫn có cơ tồn tại đàng hoàng bởi báo chí luôn là thứ sản phẩm văn hóa bắt buộc phải có mặt trong đời sống.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top