Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.
Đây là năm thứ 7 liên tiếp Chính phủ ban hành Nghị quyết về cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Cải cách thực chất điều kiện kinh doanh
Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên ban soạn thảo Nghị quyết 02 nhấn mạnh, điểm đáng chú ý của Nghị quyết 02/NQ-CP là Chính phủ quyết tâm cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh.
Cụ thể, Nghị quyết yêu cầu, các bộ, cơ quan ngang bộ cập nhật và công bố, công khai các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa trong năm 2018 và 2019; công khai bảng so sánh các điều kiện kinh doanh trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hoá, hoàn thành trong tháng 1/2020. Đặc biệt, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật có liên quan để bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt…
Theo ông Hiếu, cắt giảm điều kiện kinh doanh thời gian qua mới dừng ở cấp nghị định, thực tế còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định trong các luật đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Rà soát sơ bộ của chúng tôi cho thấy, hiện có khoảng 38 luật có quy định về điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với doanh nghiệp”, ông Hiếu cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ ra: “Các điều kiện kinh doanh trong luật thường rất chung chung, đến khi xây dựng nghị định, các phương án cụ thể hóa rất khác nhau. Cách làm này rất bất cập vì cơ quan Nhà nước liệt kê từng trang thiết bị thì có thể dẫn tới vừa thừa, vừa thiếu. Nếu cơ quan Nhà nước không áp dụng biện pháp liệt kê mà lại quy định định tính thì có nguy cơ không đáp ứng yêu cầu về minh bạch của quy định, nhưng do các điều kiện này đã có trong luật nên cấp nghị định không thể bãi bỏ được”.
Song song với yêu cầu nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh được quy định tại các luật, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tư pháp tăng cường chất lượng thẩm định ban hành điều kiện kinh doanh trong các dự thảo luật, nghị định, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư và các nghị định về điều kiện đầu tư, kinh doanh.
Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các địa phương thực thi đúng, đầy đủ những quy định điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa, không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức…
Và sự đồng bộ của cả hệ thống
Đáng chú ý, chỉ sau khi Nghị quyết 02 được ban hành ít ngày, tại cuộc họp giữa Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan sáng 6/1, văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, họ đang dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một quyết định về cải thiện mạnh mẽ Chỉ số khởi sự kinh doanh ngay trong năm nay.
Hơn thế nữa, chỉ trong 2 tuần đầu năm, Chính phủ đã có 3 cuộc họp quan trọng được tổ chức về việc cải thiện môi trường kinh doanh.
Cuộc họp gần đây nhất là ngày 6/1/2020 thảo luận về 2 chỉ số: Khởi sự kinh doanh và tiếp cận điện năng. Đây là 2 chỉ số quan trọng, vừa có nhiều dư địa cải cách vừa có tác động rất lớn đến nền kinh tế.
“Mặc dù Nghị quyết 02 đã đưa ra các giải pháp cải cách nhưng cuộc họp lần này bàn thảo những giải pháp chi tiết hơn, thiết thực hơn để tạo ra sự cải cách tích cực, đồng thời đưa ra những áp lực mạnh hơn về thời gian. Cuộc họp hôm mùng 6 thậm chí còn bàn luận nếu phải thay đổi thể chế thì thay đổi cái gì, điều khoản gì, thay như thế nào…”, ông Hiếu thông tin.
Nhưng nhiều chuyên gia nhận định để môi trường kinh doanh Việt Nam lọt vào top Asean 4 thì sự chủ động từ phía Chính phủ thôi là chưa đủ. Hiểu rõ vấn đề này nên Nghị quyết 02/2020 đã nêu rõ mục tiêu, giải pháp đã có, các cơ quan bộ, ngành, địa phương cũng đã hiểu mình phải làm gì và làm như thế nào!
“Vấn đề cần làm bây giờ chỉ là tích cực, chủ động, quyết liệt và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương có liên quan. Ngoài ra, nhiều cải cách trong năm nay yêu cầu phải có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan; do đó, đòi hỏi sự phối hợp tích cực giữa các cơ quan và tất cả cùng phải chuyển động về cùng một hướng. Tạo dựng môi trường kinh doanh tốt là hành động thiết thực nhất để đồng hành cùng doanh nghiệp”, TS. Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.