Nghị quyết 41 và cơ hội lịch sử để cộng đồng doanh nhân Việt Nam tạo sức bật mới
Cộng đồng doanh nhân Việt Nam đang kỳ vọng về giấc mơ và các bước nhảy lớn của mình. Với khao khát cống hiến, các doanh nghiệp mong muốn đóng góp phần quan trọng trong việc đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, bước vào một sự khởi đầu mới bứt phá hơn, để sớm hiện thực hóa các mục tiêu chung của đất nước ở dấu mốc 2030 và 2045.
*****
Cơ hội lịch sử
Yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 đòi hỏi phải đẩy mạnh, phát huy cao độ truyền thống, bản lĩnh, sự sáng tạo, trí và lực của cả hệ thống chính trị.
Để đáp ứng yêu cầu này, ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Nghị quyết số 43-NQ/TW lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tựa để động viên, cổ vũ nhân dân đồng lòng, chung sức thực hiện vì tương lai của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Tiến trình cụ thể là thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời, Nghị quyết trên cũng đặt mục tiêu xây dựng chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ doanh nhân đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó có việc tạo hành lang pháp lý và môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, an toàn để doanh nhân phát triển.
Một điểm nhấn hết sức có ý nghĩa là, trước khi ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 10/10/2023 - đúng vào dịp kỷ niệm 19 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết này thêm một lần nữa khẳng định đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển. Trong đó, mục tiêu tổng quát là phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Có thể khẳng định, Nghị quyết 41-NQ/TW và Nghị quyết số 43-NQ/TW là sự đồng bộ hóa, cụ thể hóa chủ trương định hướng Đại hội XIII đề ra khi Đảng ta xác định đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời đặt ra yêu cầu xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Đây cũng chính là cơ hội lịch sử để cộng đồng doanh nhân Việt Nam chấn hưng khí thế, tinh thần kinh doanh và tạo sức bật mới.
Hiện nay, chúng ta có lực lượng gần 900.000 doanh nghiệp Việt và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, đang đóng góp trên 40% GDP, sở hữu hàng trăm thương hiệu Việt danh tiếng trong nước, nhiều thương hiệu đã bước chân ra thế giới. Việt Nam đã trở thành số 1, số 2 trong nhiều ngành hàng, lĩnh vực trên thế giới, từ xuất khẩu nông sản đến phần mềm. Đến nay, Việt Nam đã có một số doanh nhân lọt vào top "tỷ phú USD" toàn cầu.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ phát triển như vũ bão và vị thế của Việt Nam đang lên, cộng đồng doanh nhân càng khao khát khí thế sáng tạo, cống hiến sôi động, tạo sự hưng phấn mới. Đây cũng chính là lúc, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân được đề cao hơn bao giờ hết.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (VPBA) đang tập trung cao độ cho công tác chuẩn bị Đại hội toàn quốc VPBA nhiệm kỳ III (2024 - 2029). Đại hội lần này sẽ đặt ra một trong những nhiệm vụ quan trọng là tập hợp, động viên, khuyến khích doanh nhân ra sức sáng tạo, cống hiến; đồng thời góp ý, hiến kế với Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới, nhằm chấn hưng khí thế và nỗ lực chuẩn bị cho những bước nhảy lớn, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (2030) và 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2045).
Sự dẫn dắt của chính sách và giấc mơ về những bước nhảy lớn
Để phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới theo mục tiêu mà Nghị quyết số 41-NQ/TW và Nghị quyết số 43-NQ/TW đề ra, cần sự dẫn dắt của chính sách vĩ mô trong xây dựng vị thế tiên phong cho doanh nhân trong thời kỳ mới. Đó là phải thể chế hóa quan điểm "nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng" sao cho đảm bảo thực thi các định hướng như xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; bảo đảm đầy đủ quyền tự do, an toàn trong hoạt động kinh doanh. Để kiến tạo các nhân tố phát triển mới, yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng không thể chậm trễ.
Chúng ta phải thực hiện được mục tiêu đến năm 2030, môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu. Phát triển được những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Đây chính là điểm tựa để tạo bước đột phá, tiếp thêm động lực mới cho khu vực doanh nghiệp.
Đặc biệt, rất cần các cơ chế, chính sách đột phá phát triển doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp lớn, vì chính doanh nghiệp lớn mới là "đầu tàu", là "sếu đầu đàn" dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa, kéo theo sự phát triển của cả nền kinh tế và là nền tảng để xây dựng nền kinh tế tự chủ.
Cần quan tâm xây dựng các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững ngay từ bây giờ. Cụ thể là trong các lĩnh vực đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Có chương trình hành động cụ thể nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA, giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát huy lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh ở các thị trường mà nước họ chưa ký kết các FTA. Thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh phát triển bền vững không còn là chủ đề mới. Phải làm sao để cộng đồng doanh nghiệp xác định đây là xu thế của loài người và tiến bộ của nhân loại. Các doanh nghiệp của Việt Nam cũng không đứng ngoài dòng chảy này.
Cùng với đó là hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Khẩn trương rà soát, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp. Nhanh chóng thực hiện phương thức đối tác công - tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đối tượng phục vụ; kiểm soát, xóa bỏ đặc quyền, độc quyền trong sản xuất, kinh doanh...
Như chúng ta đã biết, cộng đồng doanh nhân là tầng lớp có hoài vọng, tri thức, có trí tuệ, đã và đang là những hạt nhân đi đầu trong phát triển kinh tế. Bởi vậy, xây dựng vị thế tiên phong cho cộng đồng doanh nhân, đặc biệt là đề cao vai trò của doanh nhân trong việc hiến kế cho Đảng và Nhà nước xây dựng chủ trương, chính sách, thúc đẩy nền kinh tế phát triển là hết sức quan trọng. Đây cũng chính là yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi triển khai Nghị quyết số 41-NQ/TW; đồng thời cũng là phương châm mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra tại buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam - 13/10/2023. Đó là: Doanh nhân "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể".
Để xây dựng vị thế tiên phong cho cộng đồng doanh nhân, thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc lớn mạnh rất cần chính sách đột phá thúc đẩy. Xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc chính là khơi dậy vai trò của doanh nhân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó, phát triển các doanh nghiệp gia đình là rất quan trọng. Vì có thể hiểu, các doanh nghiệp gia đình chính là một bộ phận quan trọng của đội ngũ doanh nghiệp dân tộc, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Trong danh sách các công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam hiện có nhiều doanh nghiệp gia đình. Điều này rất đáng tự hào vàđáng được khuyến khích phát triển.
Chiến lược phát triển cộng đồng doanh nhân trong bối cảnh mới cần sự thống nhất những giá trị và những nguyên tắc đạo đức, văn hoá cơ bản trong kinh doanh. Đồng thời, việc "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, mà phải bổ sung các chế tài phù hợp để xử lý vi phạm" là nội dung mà đội ngũ doanh nhân trên cả nước mong mỏi.
Chúng ta đặc biệt tin tưởng vào tầm nhìn và sự tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng nhằm phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ mới. Chúng ta kỳ vọng cộng đồng doanh nhân Việt Nam sẽ viết tiếp những giấc mơ lớn, thực hiện những bước nhảy lớn để khi đất nước kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (2030) và kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2045), Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.