Aa

Nghị quyết 68: Doanh nghiệp tư nhân mong chờ một thể chế ổn định để yên tâm đổi mới, sáng tạo

Thứ Sáu, 09/05/2025 - 22:26

Với Nghị quyết 68, doanh nghiệp tư nhân tin tưởng vào một thể chế ổn định, công bằng để yên tâm đầu tư, sáng tạo và phát triển, đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Từ thừa nhận, trao quyền đến kiến tạo môi trường thuận lợi

Phát biểu tại tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay", chiều 9/5, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: nếu được thực thi hiệu quả, Nghị quyết 68 sẽ là cột mốc đột phá thứ ba trong lịch sử phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, sau hai lần chuyển mình trước đó vào các giai đoạn 1978 - 1990 và 1999 - 2000.

Theo ông Hiếu, đột phá đầu tiên là sự thừa nhận khu vực tư nhân như một thành phần kinh tế hợp pháp, thay vì bị xem là đối tượng cần cải tạo như trước năm 1978. Đột phá thứ hai, là việc ban hành Luật Doanh nghiệp năm 1999 - 2000, tạo điều kiện trao quyền tự do kinh doanh, giúp doanh nghiệp không còn cần xin phép thành lập mà chỉ cần đăng ký, đồng thời thủ tục được đơn giản hóa đáng kể. Thời gian thành lập doanh nghiệp trước đó có thể kéo dài cả năm, thì từ năm 2000 trở đi chỉ còn tính bằng ngày, bằng giờ.

Nghị quyết 68: Doanh nghiệp tư nhân mong chờ một thể chế ổn định để yên tâm đổi mới, sáng tạo- Ảnh 1.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, Nghị quyết 68 tiến xa hơn, không chỉ cải thiện thủ tục gia nhập thị trường mà còn hướng tới kiến tạo một môi trường kinh doanh an toàn, minh bạch và hiệu quả hơn. Đây là thay đổi có tính chất nền tảng, ngoài việc tháo gỡ khó khăn trước mắt, còn tạo tiền đề phát triển dài hạn cho doanh nghiệp tư nhân.

Theo đó, Nghị quyết 68 đưa ra ba nhóm giải pháp then chốt. Thứ nhất, tiếp tục giảm rào cản gia nhập thị trường, đặc biệt là các quy định hành chính rườm rà. Thứ hai, tăng cường mức độ bảo vệ doanh nghiệp, trong đó có các quy định xử lý vi phạm mang tính nhân văn hơn, hạn chế hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự. Thứ ba, tập trung khơi thông nguồn lực, bao gồm đất đai, vốn, nhân lực và cả hệ thống pháp lý.

Một nội dung đáng chú ý là việc cải tiến cơ chế giải quyết tranh chấp, rút ngắn thời gian xét xử, tạo niềm tin cho doanh nghiệp. "Đây là thay đổi về chất, không chỉ gỡ khó mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển dài hạn", ông Hiếu nhấn mạnh.

Bổ sung cho phân tích của ông Hiếu, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, cần nhìn lại lịch sử để thấy sức sống mãnh liệt của khu vực kinh tế tư nhân. "Ngay cả trong thời kỳ bị cấm đoán, khu vực này vẫn phát triển, vẫn cung cấp nhiều hàng hóa và dịch vụ mà khu vực khác không làm được. Điều đó cho thấy bản chất năng động, linh hoạt và gắn với nhu cầu thị trường của khu vực kinh tế tư nhân".

TS. Nguyễn Sĩ Dũng cũng cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là tạo dựng niềm tin và sự an toàn pháp lý cho doanh nghiệp tư nhân. Ông nhấn mạnh: "Ví dụ như trong xử lý vi phạm, nếu lựa chọn không áp dụng hồi tố thì sẽ giúp môi trường kinh doanh trở nên an toàn hơn, đồng thời hạn chế được tình trạng nhũng nhiễu".

Ông cũng cho rằng Nghị quyết 68 không phải là phản ứng ngắn hạn, mà là một chiến lược quốc gia lâu dài, hướng đến phát triển bền vững. Nghị quyết vừa khơi gợi cảm hứng trong cộng đồng doanh nghiệp, vừa xóa bỏ những rào cản vô hình đã tồn tại lâu nay, tạo nền tảng thể chế mới để khu vực tư nhân thực sự phát triển.

"Những nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc đều dựa vào khu vực tư nhân làm động lực tăng trưởng chính, dưới sự định hướng của Nhà nước. Theo quy luật kinh tế, những lĩnh vực vì lợi nhuận thì kinh tế tư nhân phát huy hiệu quả cao nhất. Chỉ những nhiệm vụ đặc thù mới nên giao cho doanh nghiệp nhà nước. Nếu không tận dụng sức mạnh đó, chúng ta rất khó đạt được mục tiêu phát triển hùng cường", TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp tư nhân rất mong chờ

Tại tọa đàm, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nhấn mạnh, điểm quan trọng nhất mà Nghị quyết 68 mang lại chính là niềm tin. Đây là lần đầu tiên những vướng mắc cốt lõi như thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh hay phân biệt đối xử được đặt ra và giải quyết một cách cụ thể, rõ ràng.

Nghị quyết 68: Doanh nghiệp tư nhân mong chờ một thể chế ổn định để yên tâm đổi mới, sáng tạo- Ảnh 2.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Nghị quyết cũng yêu cầu không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế trong những trường hợp chưa đủ cơ sở pháp lý rõ ràng. Trước đây, nguyên tắc này đã được nhắc đến trong các văn bản, nhưng việc áp dụng còn nhiều bất cập. Lần này, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương và bài viết định hướng của Tổng Bí thư, thông điệp này đã mạnh mẽ và nhất quán hơn.

Điểm khác biệt của Nghị quyết 68 là yêu cầu bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Thực tế, doanh nghiệp tư nhân từng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận tín dụng. Trong khi doanh nghiệp nhà nước được tín chấp, thì khu vực tư nhân lại phải thế chấp tài sản, làm thủ tục phức tạp. Nghị quyết 68 khẳng định nếu còn tình trạng phân biệt, người thực thi sẽ phải chịu trách nhiệm. Đây là bước tiến rất lớn về tư duy quản lý.

Về điều kiện kinh doanh, Nghị quyết yêu cầu chuyển toàn bộ sang hình thức công bố, không để các bộ, ngành tự đặt thêm điều kiện, ngoại trừ các lĩnh vực đặc biệt như quốc phòng, an ninh, y tế. Việc này được ví như phá băng "bức tường" vô hình từng kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp trong nhiều năm qua.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB chia sẻ, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đã mong chờ những cải cách như Nghị quyết 68 từ rất lâu. Trong bối cảnh kinh tế thế giới liên tục biến động, doanh nghiệp ngày càng trở thành những "chiến sĩ" thực thụ trên mặt trận kinh tế. Làm doanh nghiệp hiện nay rất nhiều áp lực. Rủi ro có thể đến từ những biến động chính sách quốc tế, sự thay đổi thuế quan, thậm chí từ một phản hồi tiêu cực trên mạng xã hội.

Nghị quyết 68: Doanh nghiệp tư nhân mong chờ một thể chế ổn định để yên tâm đổi mới, sáng tạo- Ảnh 3.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB. (Ảnh: Báo Chính phủ)

"Chúng tôi cần một thể chế ổn định, một "trận địa" vững chắc để yên tâm đổi mới, sáng tạo và cạnh tranh lành mạnh. Vì vậy, khi Nghị quyết 68 khẳng định vai trò trung tâm của khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp vừa thấy vinh dự, vừa nhận thấy trách nhiệm lớn hơn. Những định hướng rõ ràng, nhất là về cải cách thể chế, chính là động lực để doanh nghiệp tự tin phát triển", ông Phát nói.

Với các doanh nghiệp tài chính như ACB, ông Phát cho biết, ngân hàng phải đảm bảo được nguồn vốn rẻ, linh hoạt, hạ tầng thanh toán hiện đại, để doanh nghiệp tuyến đầu có thể yên tâm phát triển.

Có thể nói, Nghị quyết 68 đã đưa ra những định hướng giải quyết các vấn đề đó một cách căn cơ. Nếu được triển khai quyết liệt, đồng bộ, đây sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ giúp kinh tế tư nhân vươn lên và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top