Aa

Nghị quyết 68-NQ/TW: Mở đường cho tư duy kiến tạo, thúc đẩy vai trò doanh nghiệp bất động sản trong kỷ nguyên mới

Thứ Bảy, 10/05/2025 - 06:42

Phát biểu tại Hội nghị thường niên của VNREA sáng 9/5, nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cho rằng Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân là cú hích thể chế quan trọng, tạo hành lang pháp lý vững chắc để khu vực bất động sản tư nhân phát huy vai trò động lực trong nền kinh tế.

Ngày 4/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết 68-NQ/TW là một dấu mốc đặc biệt quan trọng, không chỉ khẳng định vai trò chủ lực của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc dân, mà còn mở ra dư địa cải cách mạnh mẽ, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn căn cơ, đặc biệt là với thị trường bất động sản, vốn đang "nghẽn mạch" trong nhiều năm qua.  

Nghị quyết 68-NQ/TW: Mở đường cho tư duy kiến tạo, thúc đẩy vai trò doanh nghiệp bất động sản trong kỷ nguyên mới- Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên năm 2025.

Phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên năm 2025 - sự kiện thường niên do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức sáng 9/5, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp hội viên và lãnh đạo các hiệp hội bất động sản địa phương đều bày tỏ sự phấn khởi, đồng thời đặt nhiều kỳ vọng vào Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Đây không chỉ là một định hướng mang tính đột phá, mà còn là hành lang pháp lý quan trọng giúp khu vực kinh tế tư nhân nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng phát huy vai trò động lực của nền kinh tế.

Nhìn nhận về Nghị quyết 68, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, đây là Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ bởi nội dung toàn diện mà còn bởi tầm vóc chiến lược trong việc định vị lại vai trò, vị thế và động lực phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong giai đoạn mới. Thực tế cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân hiện đang đóng góp khoảng 42% GDP, chiếm trên 80% lực lượng lao động cả nước, đây một con số không chỉ thể hiện quy mô, mà còn phản ánh sức sống và vai trò dẫn dắt của khối doanh nghiệp này đối với nền kinh tế quốc dân.

Nghị quyết 68-NQ/TW: Mở đường cho tư duy kiến tạo, thúc đẩy vai trò doanh nghiệp bất động sản trong kỷ nguyên mới- Ảnh 2.

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Trong một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, khu vực tư nhân không chỉ cần thiết để đảm bảo nguồn lực đầu tư vào các dự án phát triển đô thị mà còn là động lực thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo trong thiết kế và xây dựng các dự án bất động sản. Nghị quyết 68 chính là cơ hội để khu vực tư nhân thể hiện vai trò tiên phong trong việc giải quyết những bài toán khó khăn như nhà ở giá rẻ, phát triển nhà ở xã hội, các khu công nghiệp có hạ tầng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa đô thị và phát triển bền vững. Không dừng lại ở đó, Nghị quyết còn mang đến một "luồng sinh khí mới" khi đã chạm đúng vào các điểm nghẽn lớn nhất của thị trường, trong đó nổi bật là vấn đề tiếp cận đất đai, vốn lâu nay là rào cản khiến nhiều dự án khó có thể triển khai đúng kỳ vọng.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trên hành trình tái cấu trúc, phục hồi và đòi hỏi một động lực tăng trưởng mới, sự ra đời của Nghị quyết 68 không chỉ đơn thuần là một định hướng chính sách, mà chính là bước ngoặt mang tính thể chế, thể hiện rõ sự thay đổi trong tư duy quản lý và quản trị phát triển. Đây là Nghị quyết "được lòng dân", vì không chỉ nói trúng tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp mà còn phản ánh rõ nhu cầu phát triển thực tiễn của đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, khi đang cần một môi trường chính sách cởi mở, đồng hành và dài hạn.

"Nghị quyết 68 là lời khẳng định mạnh mẽ cho tinh thần kiến tạo phát triển theo cơ chế thị trường, thúc đẩy môi trường cạnh tranh lành mạnh và nuôi dưỡng tinh thần đổi mới sáng tạo - nền tảng cốt lõi giúp doanh nghiệp bất động sản vươn lên, tạo bứt phá trong giai đoạn mới", KTS. Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.

Nêu ý kiến về tầm vóc của Nghị quyết, ông Phạm Lâm, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) khu vực phía Nam, đồng thời là CEO của DKRA nhấn mạnh, đây là một bước ngoặt chiến lược, đặt nền móng cho tư duy kiến tạo, đồng thời mở đường cho các doanh nghiệp bất động sản bước vào giai đoạn phát triển mới với sự chủ động, sáng tạo và tận dụng tối đa nguồn lực. 

ong-pham-lam-17467653487442042628513.jpg

Ông Phạm Lâm, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) khu vực phía Nam.

Đặc biệt, với khung chính sách định hướng từ Trung ương, các doanh nghiệp sẽ có thêm niềm tin để mạnh dạn tái cấu trúc mô hình hoạt động, điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp với xu thế thị trường và yêu cầu phát triển bền vững. "Nghị quyết 68 không chỉ tháo gỡ rào cản về thể chế mà còn tạo hành lang pháp lý vững chắc để doanh nghiệp bất động sản kiến tạo giá trị dài hạn, đóng góp tích cực vào sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng", ông Lâm nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Kế, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đắk Lắk, cho rằng Nghị quyết 68 đang mở ra một cánh cửa phát triển mới cho doanh nghiệp tư nhân nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng, khi không chỉ rộng về dư địa cải cách, mà còn sâu về tầm nhìn chiến lược. Theo ông Kế, với sự khẳng định rõ ràng vai trò chủ lực của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc dân, Nghị quyết đã tạo một bệ phóng chính sách vững chắc để các doanh nghiệp bất động sản tái định vị vai trò, xác lập lại vị thế trong chuỗi giá trị kinh tế quốc gia, từng bước trở thành động lực tăng trưởng chủ lực. 

ct-hh-dak-lak-17467651687322008961755.jpg

Ông Nguyễn Văn Kế, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đắk Lắk.

Trong bối cảnh đó, ông Kế nhấn mạnh, bản thân doanh nghiệp phải giữ vững vai trò là chủ thể kiến tạo, thay vì chỉ là bên thụ hưởng: "Doanh nghiệp cần chủ động thích ứng, đổi mới tư duy quản trị, mạnh dạn đầu tư vào những phân khúc có giá trị thật, gắn với nhu cầu thật của thị trường, thay vì chạy theo những chu kỳ tăng trưởng nóng".

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đắk Lắk cũng kỳ vọng hàng loạt cơ chế, chính sách mang tính đột phá nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn cố hữu của thị trường, từ pháp lý, thủ tục đầu tư, đến tiếp cận vốn và đất đai sẽ sớm được cụ thể hóa trong thời gian tới, tạo hành lang phát triển bền vững và minh bạch hơn.

Tuy nhiên, cơ hội lớn cũng luôn đi kèm thách thức không nhỏ. Theo ông Kế, nếu không kiểm soát tốt, thị trường bất động sản có thể lại rơi vào vòng xoáy bùng nổ mất kiểm soát, dẫn đến tình trạng phát triển lệch pha, nguồn cung vượt xa nhu cầu thực tế, dự án ra đời mà không có người ở và dòng vốn bị dồn vào các phân khúc đầu cơ thay vì phục vụ nhu cầu thật của người dân.

"Từ thực tiễn này, tôi cho rằng rất cần có một chiến lược phát triển rõ ràng, dài hạn và có tầm nhìn, không chỉ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, mà còn từ chính cộng đồng doanh nghiệp," ông Kế nhấn mạnh. 

Theo ông, bất động sản không thể phát triển theo tư duy "ăn xổi", mà cần được dẫn dắt bằng quy hoạch tổng thể, gắn với thực trạng dân số, năng lực hạ tầng và nhu cầu thật tại từng địa phương. Chỉ khi đó, thị trường mới có thể đi đúng quỹ đạo phát triển bền vững, vừa phục vụ tốt nhu cầu nhà ở của người dân, vừa đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top