Aa

Như là hội

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng tunhi2007@gmail.com
Thứ Tư, 08/06/2022 - 06:08

Tôi mới cùng thầy đi quan họ. Nói chung mỗi chuyến đi sang Bắc Ninh nghe hát, gặp người ca hát, vì việc liên quan đến sự ca hát, thì đều gọi là đi quan họ. Và nội dung mỗi chuyến đi đều đa dạng lắm.

Hôm nay chú Thịnh, em NSƯT Lệ Ngải, làm lễ mừng đón danh hiệu Nghệ nhân do tỉnh trao tặng. Hôm nay có riêng nhà nghệ nhân Nguyễn Đức Thịnh làm thôi đã. Nhưng làng Ngang Nội thuộc xã Hiên Vân, Tiên Du, Bắc Ninh có 5 nghệ nhân được trân trọng tôn vinh dịp này, một dịp phải nói rằng đặc biệt về mặt thời gian. Đó là suốt 3 mùa xuân, từ đầu 2020, gần 3 năm rồi, hội hè quan họ không mở được do dịch bệnh Covid-19. Các hoạt động, sự kiện ca nhạc, văn hóa quan họ khác trong năm cũng theo cái sự ủ ê của những mùa hội “đóng”, theo những đợt giãn cách, cách ly cấp tập mà cũng không được cất lên. Nhớ hôm sau Tết Nhâm Dần 2022 này, cô Ngải nhắn mời thầy trò về hội làng Ngang ngày 25 tháng Giêng, thể nào năm nay cũng phải về đấy, hai năm rồi hội không được mở, sốt ruột quá! Nhưng sát ngày thì cô lại báo, làng mấy chục người bị F0 nên lại phải thôi rồi, tiếc quá!

Thế nên, đợt trao tặng của cả tỉnh dịp cuối xuân, vào hè này với gần trăm nghệ nhân được vinh danh, là một dịp đặc biệt của đợi chờ, ra ngẩn vào ngơ bị nén lại, nay bung ra, ngân xa, vang vọng.

Thế là những người quan họ hát. Hát trong lễ mừng nhận danh hiệu của nghệ nhân Nguyễn Đức Thịnh, con trai của cố nghệ nhân Nguyễn Đức Xôi danh tiếng. Dĩ nhiên là phải dành một phần không thể thiếu cho việc mời chào, giới thiệu quan khách và đôi lời tâm sự của “khổ chủ” cùng màn tặng hoa thân tình của bạn bè quan họ gần xa. Mà “tiết mục” tặng hoa ấy, nghĩ lại cứ thấy chân chất, hồn nhiên, độc đáo đến là vui.

Một số nghệ sĩ thuộc vào hàng danh tiếng trong làng quan họ rồi, như NSND Thúy Cải, NSƯT Xuân Mùi, một số nhóm bạn quan họ trong làng, đại diện các câu lạc bộ quan họ trong vùng, rồi các bạn đồng ngũ, đồng niên với ông Thịnh, lần lượt lên, tặng những bó hoa, có gài chiếc phong bì đầy ý tình, có khi rút trong túi áo ngực ra cài lên một cách trang trọng. Có những bó hoa được “quay vòng” qua mấy nhóm. Rồi phải chụp ảnh lưu niệm chứ, những người hát quan họ đứng bên nhau, trịnh trọng và lịch sự trong trang phục, giày dép thật giản dị quê nhà.

Nghệ nhân Nguyễn Đức Thịnh nắn nót thưa gửi, trìu mến và kiên nhẫn lần lượt đón nhận tất cả. Ở cái tuổi như so sánh với công chức, viên chức thì đã về hưu từ lâu, sau mấy chục năm tuổi trẻ vừa làm lụng vừa ca hát, ông hứa sẽ vẫn tiếp tục lan tỏa những câu hát.

Trình diễn hát quan họ cổ trong lễ đón danh hiệu Nghệ nhân dân ca quan họ cho nghệ nhân Nguyễn Đức Thịnh

Và rồi những câu hát cất lên, như mấy năm trở về trước, những ngày hội làng, người ta hát trên sân nhà mẫu bên cạnh gian thờ chư vị đức Phật, người ta hát trên hồ nước chạy dài trước mặt làng. Hôm nay thì hát trong hội trường nhà văn hóa xã mới xây xong chưa lâu. Dành ra phần đầu vừa hát vừa diễn mấy bài nhạc mới có đệm đàn rộn rã để hoạt náo chút, sau NSƯT Lệ Ngải mời một số cụ nghệ nhân “đầu đàn” của làng và mấy cặp liền anh, liền chị cũng đã có tuổi, và một vài khách quan họ từ Hà Nội sang nhưng thuộc hàng “sành chơi”, lên hát những bài quan họ cổ, không nhạc đệm.

Hát có tính trình diễn thôi, nhưng mà “bập” vào rồi thì say lắm, mỗi cặp đều muốn trưng trổ những cái đẹp trong giọng ca, con chữ, trong sự ăn khớp giữa hai người hát với nhau. Và nhiều cặp cũng muốn lên hát như những ví dụ của việc hát đối trong quan họ, để cho khách gần xa thưởng thức. Khách ái mộ quan họ, quý gia đình con cháu cụ Nguyễn Đức Xôi thì đông đấy, nhìn qua các bàn cỗ chuẩn bị cũng phải hàng chục mâm, thậm chí ngày vui hôm nay, gia đình phải giới hạn số người mời.

Vào cỗ rồi, thế mà người ta vẫn cứ say hát cả tiếng. Còn trong mâm cỗ như là cỗ Tết, như là cỗ ngày hội làng đón họ hàng, bạn hữu về chơi, thì câu chuyện cũng xoay quanh những câu hát. Hôm nay ngày vui báo cáo danh hiệu của ông Thịnh đấy, nhưng thế là mừng rồi, những câu chuyện lại tuôn chảy sang nội dung khác, như là chực chờ đợt xuân Tết, hội hè gặp nhau để bung ra.

Chuyện cụ Xôi thân sinh ông Thịnh, bậc kỳ tài trong làng quan họ, người am hiểu nghệ thuật chèo, quan họ và dày vốn văn hóa dân gian, vốn chữ nghĩa Hán Nôm, miệt mài đặt lời đối, bẻ làn, nắn điệu, sáng tác những bài ca quan họ. Chuyện cái làng Ngang này còn có đặc sản chèo, cho nên là bao nhiêu người vừa hát quan họ, vừa hát chèo nhuyễn lắm. Lại nhớ lời chia sẻ vui mà thật, mà cũng hóm nữa của NSƯT Xuân Mùi, cũng lại là một người dẫn chương trình danh tiếng của đoàn quan họ Hà Bắc lúc nãy phát biểu, ngợi ca về chính quê hương ông, cái xã Hiên Vân với ba làng Ngang Na, Ngang Nội, Ngang Kiều này, đó là cái nơi nào mà lạ thế chứ, ngày hội làng Ngang Nội, biết bao người muốn lên sân khấu hát mà không dễ. Bởi… gần như ai cũng biết hát, mà hát được, hát hay. Nên có anh gì, con hay cháu ông Nguyễn Đức Siêu, trước là trưởng đoàn đầu tiên của quan họ Hà Bắc cũng phải bảo ông Mùi, cháu có “thướng” cho quan họ hai trăm nghìn rồi đấy, mà vẫn chưa được lên hát. Thế là ông Mùi phải vào bảo người ta “ưu tiên”.

Những chuyện đáng yêu ấy, chung quy cũng tại ở câu hát, sao mà nó lôi kéo con người ta. Nhất là lại ở nơi mà một lần tôi nghe nghệ nhân Nguyễn Đức Nhuận trong làng kể, hội làng, chèo hậu cần, đơn vị của NSND Tự Long, cũng thuộc hàng con cháu trong làng về biểu diễn, nghệ sĩ hát ở trên sân khấu thì trẻ con ngồi ở dưới vừa xem tay vừa đập nhịp. Thầy tôi, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, thì phỏng đoán cho một hướng khảo sát, đây có thể là một làng ca công, một làng có truyền thống ca hát như một cái nghề để phục vụ cho triều đình, hay giới quan lại, hay các sự kiện hội hè lễ lạt thuở xưa, thì sự hát ca nó mới trải rộng như thế và còn lưu thành dấu vết đến bây giờ.

Câu hát Gọi đò ngẫu hứng giữa liền anh Văn Đương làng Ngang Nội và nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ.

Những câu chuyện kể, những bàn bạc, trao đổi và cả đùa vui tếu táo nữa, lại kéo từ bàn cỗ ra bàn nước và nhường chỗ cho mấy câu hát ngẫu hứng cất lên, chung giọng giữa những người lâu mới gặp hoặc mới quen.

Tôi được thấy những người mỗi thân một phận, một cảnh, một kiểu, nhưng câu hát níu người ta lại, cho người ta được sống thêm cái niềm yêu mê, cái năng khiếu ít nhiều có sẵn, cái ham thích được giao lưu, được thể hiện mình.

Có anh phó giáo sư, tiến sĩ, cán bộ ngành y đi đi về về thường xuyên, học hỏi các nghệ sĩ Lệ Ngải, Minh Phức, những người kỳ cựu của quan họ Bắc Ninh. Anh này bỏ công đánh máy hàng mấy trăm bài ca quan họ từ quyển sổ chép tay nắn nót của nghệ sĩ Minh Phức, kết quả suốt bao năm đi điền dã, học hát quan họ với các nghệ nhân khắp vùng Bắc Ninh. Bây giờ cuốn tư liệu quý giá đó, sau những ngày “chú em” Nguyễn Hùng Vĩ miệt mài giúp “chị” Phức thẩm định, kiểm tra, chuẩn hóa về mặt ngôn ngữ, đang dự định được xuất bản.

Có anh đi làm ở nước ngoài, bao năm cảm thấy cứ trống trải cái gì đó như là hồn vía quê hương, tình cờ tìm được trên mạng các câu lạc bộ ca hát quan họ, hát chèo, thế là “bập” vào, không dứt ra được.

Có ông nhà ở đằng Long Biên, Hà Nội, cũng từng đi xuất khẩu lao động, tham gia một cộng đồng quan họ đã có tiếng ở bên Hà Nội là câu lạc bộ Nhị Hà, hôm nay cũng phi xe máy sang đây để hát mừng ông Thịnh, chia niềm vui bên mâm cỗ.

Thật như là hội mùa xuân vậy! Đã bảo là nén lại suốt mấy mùa xuân không có hội mở, nay mới bung ra thì phải hát, phải nói, phải kể cùng nhau cho thỏa lòng. Dịp được tỉnh phong tặng danh hiệu Nghệ nhân này, không phải là tất cả, nhưng không ít nhà tổ chức “báo công” với làng xã, khu phố, như một nhu cầu được chia sẻ và đón nhận những chúc mừng, những mong ước đâu đó rằng mình cũng sẽ được vinh dự như thế. Ít hôm sau, tôi lại được mời lên dự ngày vui đón danh hiệu Nghệ nhân của liền chị Tạ Thị Tư trên phường Kinh Bắc, TP.  Bắc Ninh, chỗ này xưa là làng quan họ cổ Thị Chung.

Nhà chị Tư thì tưng bừng hết biết! Xe lên đến nơi lúc đã tối trời, chúng tôi gặp một chiếc rạp dựng như… đám cưới, sắc màu trang trí, sân khấu, loa đài, người dẫn chương trình, người hát… tưng bừng. Người hát ở làng Thị Chung, trong phường, đây kia trong thành phố, bạn từ Bắc Giang xuống, từ Hà Nội sang… Nghe nói đã “ăn cỗ dần” từ trưa, mà như chị Tư bảo thì còn không dám mời nhiều và thể nào sẽ có những người biết, họ trách. Nhưng thôi cũng đành, ai không kịp góp mặt, biết mà vui cho nhau là mừng rồi!

Vui hát quan họ mừng nghệ nhân Tạ Thị Tư.

Nếu như cách đây chục năm, thì tôi đã băn khoăn về cái sự đón chữ danh với những chuẩn bị, những cỗ bàn, những hát ca sôi động mới gặp thấy vẻ như không mang nhiều sắc màu quan họ cho lắm! Nhưng vào gặp, trò chuyện, rồi lần lượt các liền anh, liền chị, các cặp, các nhóm lên hát giao lưu, xen giữa là những lời mời chào “bay lượn” của một liền anh xem chừng có nghề đi dẫn, hào hứng và phấn khích đến mức “lây” sang cả mọi người, thì càng ngẫm thêm về cái lẽ chảy trôi, thấy rõ hơn những mới mẻ, những đổi khác, những hòa quyện và đa sắc màu bừng lên trong một xu thế của đời sống kinh tế, mức sống gia đình cao lên, của nhu cầu được thể hiện mình, được chia sẻ, được cố kết cộng đồng trong những con người yêu mê ca hát.

Những sự đa màu, đa chiều ấy, cứ coi như các lớp trang phục, phấn son, những lệ bộ của “phú quý sinh lễ nghĩa” cùng đồng hành với câu hát. Cái còn giữ được, cái lõi văn hóa của đời sống ấy, chính là những bài bản, lề lối quan họ, là những chân thành, tha thiết vẫn chan chứa trong lòng người, giọng người.

Rồi mai sẽ lắng lại, sẽ gạn lọc, hay có chiều hướng rực rỡ, sôi nổi nữa đây, thì cũng sẽ là những lựa chọn, điều chỉnh phù hợp của người ca hát trong cuộc sống của họ. Một cuộc sống mà câu ca đã ngày càng phổ biến hơn, lan truyền mạnh mẽ hơn, xưa từ các làng quan họ gốc mà nay đã nảy mầm tới biết bao làng quê, khu phố bình thường khác, mọc lên trên những vùng đất lân cận và xa xôi từ miền ca hát Bắc Ninh, Bắc Giang. Nhất là khi tôi thấy, trong cuộc vui của gia đình nghệ nhân Tạ Thị Tư, những liền anh, liền chị đã tuổi tác, được đứng bên nhau, trong trang phục quan họ có, trong kiểu cách khác cũng có, và những bộ quần áo lịch sự thông thường như khi đi ăn đám cưới đám hỏi cũng có, được ngân rung những câu hát thắm thiết đã từ lâu không có dịp sóng đôi, thì thấy rằng, điều quan trọng ấy đã có, và nó sẽ giữ gìn, sẽ gắn kết, sẽ uốn nắn, điều hòa những cái khác trong bầu không khí, không gian quan họ hiện đại. Cả tối vui trong rạp dựng liền hội trường nhà văn hóa của phường, mừng nghệ nhân Tạ Thị Tư, mưa cứ lan man không dứt, có những lúc ào ạt, dạt dào, nước đọng vũng dưới chân ghế, chảy mon men theo các khe gạch trên mặt hè không bằng phẳng, người nghe co chân lên nghe hát. Khán giả nghe liền anh, liền chị hát, những người hát nghe nhau, mãi tối muộn còn chưa xong. Tôi nhìn những gương mặt như giãn ra, tươi bừng lên sau bao tháng ngày chờ đợi.

Nghệ nhân Tạ Thị Tư trong ngày vui báo cáo danh hiệu cùng một số bạn hữu Hà Nội là: Nhà báo Tuấn Anh, TS. Đoàn Hương, soạn giả Mai Văn Lạng và thầy giáo Nguyễn Cao Cường.

Chị Tư đã sáu mấy rồi, đã lên bà, nhưng như đoàn bạn hữu Hà Nội trên đường về còn nhận xét, trông vẫn cứ tươi hơn hớn. Một phần là bởi chị hát suốt thời trẻ, hát đến giờ, và chị dạy hát cho bao nhiêu lớp trẻ. Anh đồng nghiệp bảo, lâu lâu có nỗi niềm đôi chút, muốn nghe câu quan họ cho nhẹ lòng, bấm máy gọi cho chị Tư. Chị hát ngay, chẳng nề hà gì cả. Như có lần báo chí kể chuyện “quan họ điện thoại”, những ai xa quê, hay yêu cầu hát, muốn nghe cho lòng nguôi ngoai, cho thêm hiểu, thêm mến, thì gọi điện về mà nghe, cũng chính là như thế đấy.

Có cô bé sinh viên người làng Liên Bão, chỗ từ bên thị trấn Lim rẽ phải sang qua đường cao tốc để đi về phía Ngang Nội, kể dịp này làng em cũng có mấy nghệ nhân được phong tặng, ai nấy vui lắm, không biết có tổ chức “mừng công” “to to” như hai đám vừa kể hay không, nhưng cũng đang nao nức những là phấn khởi, cảm động, là băn khoăn giữ nét đặc trưng của quan họ, và phải làm tốt hơn nữa khi đã được phong nghệ nhân. Nhớ câu chuyện bên mâm cỗ nhà chị Tư, nhận xét Bắc Ninh chu đáo, mỗi nghệ nhân được tặng danh hiệu, hằng tháng tỉnh có phụ cấp một triệu, hơn triệu đồng bồi dưỡng. Tôi nói rằng, rồi các nghệ nhân lại đem số tiền ấy đi… hát hết thôi, như bao nhiêu năm, dù chưa được ghi nhận gì, thì cũng đã dành tuổi xuân của mình ra mà ca hát rồi./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top