Sau khi bản Kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng số 39 về việc thực hiện quy hoạch, điều chỉnh, quản lý xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt tại khu vực 2 bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội), mới đây được công bố, dư luận xã hội lại được một phen dậy sóng với cụm từ “băm nát quy hoạch” được nhắc đi nhắc lại với tần suất dày đặc. Cơ quan chuyên môn của Hà Nội là Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng đã lên tiếng phản bác lại kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng.
Cơ quan thanh tra, giám sát ở đâu khi hạ tầng bị "băm nát"?
Hẳn nhiều người còn nhớ cách đây 5 năm cụm từ "băm nát quy hoạch" bỗng trở nên "hot" bởi nó gắn với phát ngôn của một vị lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội lúc bấy giờ.
Ngày ấy, tại buổi tổng kết của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chiều ngày 4/1/2017, vị này tự nhận là người ngoại đạo về quy hoạch kiến trúc, nhưng khi nhận nhiệm vụ mới đã đọc rất nhiều tài liệu về các đô thị thế giới. Đối chiếu với tiêu chuẩn thành phố xanh trong tương lai, ông nhận thấy “quy hoạch Hà Nội nói chung, kể cả quy hoạch lõi có những vấn đề đang chệch hướng” và thẳng thắn "Giờ chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội”.
Thật ra, câu chuyện quy hoạch và thực hiện quy hoạch của Thủ đô Hà Nội cỡ mươi mười lăm năm trở lại đây luôn luôn là diễn đàn nóng bỏng, là nỗi lo toan thường ngày của đông đảo người dân mỗi khi chứng kiến nạn tắc đường triền miên, tình trạng mưa ngập úng đường phố, rác thải không còn chỗ chứa, nhà chung cư cũ ngày càng xập xệ…
Toàn cảnh những tòa chung cư "băm nát" quy hoạch tại khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm. (Ảnh: Bình Minh/VOV)
Đã có quá nhiều diễn đàn, hội thảo của các chuyên gia, các nhà khoa học đã bàn về vấn đề này, và thực tiễn hậu quả của chúng vẫn diễn ra thường ngày trước mắt không chỉ người dân Thủ đô mà còn trong hàng triệu du khách quốc tế mà nội dung của bản Kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng số 39 chỉ phản ánh được một góc nhỏ.
Điển hình của những sự “băm nát” này có lẽ nên nhớ tới bán đảo Linh Đàm, một địa danh đã từng được tôn vinh như một đô thị kiểu mẫu của Hà Nội. Thế nhưng, chỉ hơn chục năm sau, với xu thế điều chỉnh quy hoạch theo “yêu cầu của nhà đầu tư”, bán đảo giờ này đã trở thành một đô thị bình dân với những tòa nhà cao tầng chen chúc và chật chội.
Khi vẽ nên Khu đô thị Linh Đàm, các nhà làm quy hoạch đã rất tự hào vì xây dựng được một bán đảo đẹp, đáng sống với những khu chung cư xinh xắn, trong một khu đô thị xanh hơn 200ha, trong đó có 74ha diện tích mặt nước, cùng những công viên có mật độ cây xanh lên tới 13 m2/người. Trong đó, 60% diện tích khu là sân chơi, sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa; nhà ở chỉ chiếm 23%.
Nhưng rồi các tòa nhà cao tầng ùn ùn mọc lên, từ một đô thị kiểu mẫu về cảnh quan môi trường, sự cân bằng giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thì nay đã trở thành một đô thị điển hình về quá trình “băm nát” quy hoạch. Chẳng hạn như chỉ riêng khu Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm khoảng 3ha đã hình thành nên 4 tổ hợp nhà từ 35 đến 41 tầng (khoảng 20 căn hộ/tầng). Mỗi tổ hợp lại gồm 3 đơn nguyên nhà A, B, C với khoảng 8.000 căn hộ. Tổng cộng khu HH có tới 12 tòa nhà chung cư cao tầng, mật độ xây dựng trên 50%...
Chẳng thế, trong một lần làm việc với Bộ Xây dựng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng hồi đó đã chỉ ra một loạt bất cập trong quản lý quy hoạch và trật tự đô thị tại các thành phố lớn, ông đã dẫn ví dụ về Khu đô thị Linh Đàm này và ví von chúng đang rơi vào cảnh “nuôi rồng thành giun”.
Cứ ngỡ là sau khi lãnh đạo cấp cao của Chính phủ và Hà Nội phát hiện ra sự chệch hướng có phần hỗn loạn trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, mọi chuyện sẽ tốt đẹp lên, ngờ đâu, kết quả 5 năm sau, một bản kết luận thanh tra “khủng” cứ như từ trên trời rơi xuống với những phán xét ngoài sức tưởng tượng bởi nhiều sai phạm nghiêm trọng trong việc thực hiện quy hoạch trên một con đường có thể coi là hoành tráng nhất, hiện đại nhất Thủ đô với những tòa nhà chọc trời, với con đường rộng 6 làn xe chạy dài tít tắp với một tuyến xe buýt nhanh cứ 5 phút/chuyến và có hẳn một làn đường riêng…
Với những sai phạm nghiêm trọng ấy được thực hiện ít nhất là trong khoảng thời gian 15 - 20 năm, không ít người cảm thấy ngỡ ngàng mà đặt câu hỏi: Vậy trong suốt ngần ấy năm, các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật trong bộ máy Nhà nước chẳng lẽ lại “ngủ đông” nên bây giờ mới giật mình tỉnh ra và phát hiện?
Lơ lửng một khoảng trống trách nhiệm!
Hà Nội khác hẳn với tất cả những địa phương khác trong cả nước bởi một sứ mạng cao cả, đó là Thủ đô của một quốc gia. Điều đó cũng có nghĩa là việc phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội không chỉ là trách nhiệm của riêng Hà Nội mà là còn của cả nước, không chỉ của UBND thành phố mà còn là của cả các bộ ngành Trung ương.
Quốc hội đã nhiều lần bàn đến việc sửa đổi Luật Thủ đô. Trong một cuộc họp gần đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng Luật Thủ đô được thông qua năm 2012 có tính chất đột phá, mở đường về mặt thể chế cho sự phát triển của Hà Nội. Tuy nhiên, sau hơn 8 năm thi hành, Luật Thủ đô đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Luật Thủ đô còn mang tính nguyên tắc, có tính mục tiêu, định hướng chung, mà chưa có những quy định cụ thể để áp dụng trực tiếp, xử lý các vấn đề tồn tại do lịch sử để lại (như vấn đề ùn tắc giao thông, thoát nước, xử lý nước thải, nhà tập thể cũ, di dời các cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, cơ sở đại học, chỉnh trang, tái thiết bộ mặt đô thị...).
Qua nhận xét trên, ta có thể dễ dàng nhận ra một khoảng trống trách nhiệm giữa “định hướng chung” và “những quy định cụ thể”, giữa UBND thành phố Hà Nội và các ban ngành Trung ương (mà trực tiếp trong vụ việc này là Bộ Xây dựng) đã khiến cho Hà Nội đã lâm vào nhiều thực trạng nan giải.
Đường Lê Văn Lương với hàng chục toà nhà cao tầng. (Ảnh: Lê Quân/Báo Thanh niên)
Phản biện lại bản kết luận thanh tra trên, trong cuộc họp báo gần đây, ông Phạm Quốc Tuyến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã dành hẳn hơn nửa giờ đồng hồ để trả lời thông tin báo chí nêu về việc “băm nát” quy hoạch đường Lê Văn Lương - Tố Hữu.
Ông Tuyến cho rằng, không thể nói Hà Nội “tự ý” điều chỉnh quy hoạch của tuyến đường này mà tất cả đều đã có sự “thống nhất chủ trương” của Bộ Xây dựng. Ông cho hay, năm 2008, cùng với việc hợp nhất thành phố Hà Nội với tỉnh Hà Tây và một phần tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát quy hoạch khu vực, nghiên cứu đề xuất phương án định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan 2 bên trục đường Lê Văn Lương và đường Phạm Hùng.
Trong quá trình thực hiện, UBND TP. Hà Nội đã có công văn gửi Bộ Xây dựng vào tháng 9/2008, đề nghị xem xét, chấp thuận nguyên tắc nội dung nghiên cứu định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan tỷ lệ 1/2000 hai bên tuyến đường Lê Văn Lương làm cơ sở lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 khu vực này theo quy định.
Tháng 10/2008, Bộ Xây dựng đã thống nhất về nguyên tắc chủ trương quy hoạch tổ chức không gian 2 khu vực trên. Trên cơ sở thống nhất của Bộ Xây dựng nêu trên, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã báo cáo và UBND thành phố vào tháng 11/2008 chấp thuận về nguyên tắc quy hoạch định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hai bên tuyến đường Lê Văn Lương và đường Phạm Hùng…
Như phát biểu của ông Tuyến thì để xảy ra tình trạng hiện nay còn có trách nhiệm của Bộ Xây dựng nữa, chứ không chỉ “buông” ra một chủ trương, rồi hơn chục năm sau mới thanh tra, kiểm tra và kiến nghị người khác xử lý thì khó có thể thuyết phục là đã làm tròn trách nhiệm.
Việc xử lý những sai phạm này như thế nào, xin hãy chờ phán xét của các cơ quan chức năng và thiết nghĩ, trong tương lai, cần theo hướng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói, cần cụ thể hóa hơn nữa trong hệ thống pháp luật để có thể “khép” bớt lại khoảng trống trách nhiệm trong quá trình thực thi giữa Hà Nội và Thủ đô./.