Aa

Nghịch lý giá đá xây dựng

Thứ Hai, 13/11/2017 - 06:01

Giá đá tại mỏ được doanh nghiệp chào bán dưới 100.000 đồng/tấn, tuy nhiên, khi vận chuyển tới công trình xây dựng thì đã độn lên tới hơn 200.000 đồng/tấn.

Nguyên nhân giá đá tăng

Đầu tháng 11, phóng viên theo chân chủ đầu tư một dự án lớn tại Long An xuống khu mỏ đá tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai tìm mua đá xây dựng. Lý do được ông Nguyễn Văn Trung, giám đốc khối xây dựng công ty bất động sản này cho biết, vì đá mua tại mỏ sẽ rẻ hơn, nguồn hàng sẽ đều và chất lượng đá tốt hơn mua ở các bãi đá tại Long An.

Đúng như ông Trung nói, giá đá tại mỏ khá rẻ vì không qua trung gian. Nơi ông Trung tìm tới mua đá là Công ty TNHH Đá Núi Nhỏ, giá đá được công ty này bán như đá hộc hỗn hợp là 50.000 đồng/tấn, đá hộc đục máy là 84.000 đồng/tấn, đá mi sàn là 85.000 đồng/tấn…

Tuy nhiên, Công ty cho biết đó là giá bán tại mỏ, còn công vận chuyển đá do phía khách hàng tự lo. Sau khi tính toán cộng giá vận chuyển thì đơn giá bắt đầu thay đổi, đơn cử như giá hộc đục đã lên tới gần 250.000 đồng/tấn.

Giá bán đá xây dựng tại mỏ thấp nhưng dịch vụ vận chuyển quá cao. Ảnh: Gia Huy

Giá bán đá xây dựng tại mỏ thấp nhưng dịch vụ vận chuyển quá cao. Ảnh: Gia Huy

Bà Hương, nhân viên Công ty Đá Núi Nhỏ cho biết, giá vận chuyển từ mỏ ra cảng khoảng 45.000 đồng/tấn, giá sà lan chở về Long An cũng mất hơn 50.000 đồng/tấn và giá từ cảng tại Long An về dự án khoảng 50.000 đồng/tấn. Tại các mỏ đá của Công ty Thành Trí ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đơn vị này cũng đưa ra bảng giá tương tự, nhưng giá vận chuyển cao hơn 1.000 - 2.000 đồng/tấn. Riêng các sản phẩm đá tại Bình Dương có giá vận chuyển thấp hơn, bởi tỉnh Bình Dương giáp ranh với Long An.

Bà Trịnh Hoài Linh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Trang trí nội thất Code Arch cho rằng, đây là nghịch lý của ngành xây dựng và cuối cùng vẫn là người dân chịu trận.

“Khi chủ thầu xây dựng hay doanh nghiệp bất động sản tính giá thi công, giá bán nhà sẽ tính cả phần giá thực mua nguyên vật liệu rồi áp vào giá báo cho khách hàng, giá vật liệu càng cao thì công trình sẽ đội giá lên, kết quả người dân lãnh đủ”, bà Linh nói.

Tìm hiểu thị trường đá xây dựng tại TP.HCM, hiện các công ty vật liệu xây dưng đang chào bán rất cao, đơn cử như giá đá 1x2, hiện có giá khoảng 380.000 đồng/tấn, trong khi giá bán tại mỏ đá bán ra là 140.000 - 150.000 đồng/tấn.

Mối lo thiếu đá cuối năm

Hiện nhiều dự báo cho thấy thị trường đá cuối năm sẽ khan hiếm. Đơn cử như khi ông Nguyễn Văn Trung chốt mua một lượng đá đợt đầu của Công ty Núi Nhỏ để kịp xây dựng, nhưng công ty này cũng không đủ đá để cung cấp ngay cho công ty ông Trung và phải 4 ngày sau mới có đủ đá để bán, lý do vì hiện nay đá đang khan hiến, lượng khách hàng mua khá nhiều.

Tại các mỏ đá khác của Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa, việc khan hiếm nguồn đá cũng bắt đầu xuất hiện, đặc biệt là ở những dòng đá phổ thông nhất của ngành xây dựng nhà ở.

Ông Nguyễn Văn Thường, Tổng giám đốc Công ty TNHH đá Thành Trí cho biết, hiện Công ty đang hoạt động hết công suất, khai thác hai mỏ đá lớn tại Bà Rịa nhưng vẫn không đủ đá cung cấp cho khách hàng.

“Nguồn nguyên liệu đá thì không khan hiếm, nhưng đơn hàng nhiều nên nguồn đá cung cấp thiếu. Điều này dễ hiểu bởi cuối năm là thời điểm người dân xây dựng nhà nhiều, bên cạnh đó các chủ đầu tư bất động sản cũng chạy đua phát triển xây dựng dự án và nhu cầu lượng đá lớn để xây dựng”, ông Thường nói.

Ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Công ty Trần Anh Group cho biết, Công ty đang có nhu cầu mua số lượng đá xây dựng lớn để phát triển hai dự án 110 ha và dự án 11 ha tại Long An. Tuy nhiên, hiện nay nguồn đá cung cấp luôn chậm.

Chính nhu cầu đá xây dựng lớn khiến doanh nghiệp ngành đá trên sàn chứng khoán liên tục báo lãi lớn, thị giá của các cổ phiếu này hầu hết đều ở mức cao. Những cái tên ấn tượng bao gồm Vicostone (VCS), Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB), Đá Núi Nhỏ (NNC), Hóa An (DHA), AMD Group (AMD)…

Đơn cử như mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Cường Thuận (CTI - HOSE), công ty mẹ của Công ty cổ phần Đầu tư Đồng Thuận và Công ty đá Núi Nhỏ Biên Hòa vừa có báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2017. Theo đó, trong quý này, tổng doanh thu của CTI đạt hơn 305 tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ.

Doanh thu từ hoạt động tài chính giảm hơn 57% còn 1,84 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính, chủ yếu là chi phí trả lãi tăng lên 54,1 tỷ đồng. Qua đó, quý III/2017, lợi nhuận sau thuế của CTI ghi nhận hơn 33,6 tỷ đồng, tăng 16,67% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, CTI đạt 867,8 tỷ đồng doanh thu, tăng 6% và 109,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 26,3% so với cùng kỳ.

Các chỉ tiêu này cũng lần lượt hoàn thành 62,1% và 77,8% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đề ra. Trong cơ cấu doanh thu trong 9 tháng đầu năm của CTI, đóng góp lớn nhất là doanh thu cung cấp bê tông nhựa nóng, đá xây dựng, dịch vụ và xây lắp hơn 392 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top