Ngôi nhà của Bá Kiến, nhân vật có thật được cố nhà văn Nam Cao miêu tả trong tác phẩm “Chí Phèo”, tọa lạc trên một khu đất rộng chừng 900m2 tại làng Đại Hoàng (xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), còn có tên gọi khác là làng Vũ Đại. Đã tồn tại hàng trăm năm, ngôi nhà nhuộm màu thời gian và vẫn giữ được nét cổ kính, trở thành một “báu vật” của làng Vũ Đại.
Những vị cao niên trong làng kể lại rằng, chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là cụ Trần Duy Hanh. Cụ Hanh là một lái buôn giàu có. Vào khoảng những năm 1910, cụ thuê gần 20 thợ nổi tiếng làm nghề mộc ở Cao Đà, Phủ Lý Nhân về dựng lên ngôi nhà này, mấy tháng trời ròng rã mới xong.
Ngôi nhà có thiết kế đặc biệt, được kết cấu theo kiểu “lộn thềm ngưỡng chồng, tàu bảy then trâu chồng chóp”, tức là ngoài hiên có hè rộng, có hàng cột vững chãi và mái hiên che mưa, chắn nắng.
Nhà có 3 gian theo truyền thống thôn quê Bắc Bộ, 4 hàng cột với tổng cộng 16 cây cột lim, chân cột được kê đá tảng là một loại đá xanh được đẽo gọt công phu giống nhau đến 99%.
Mái nhà lợp duy nhất một loại ngói ta theo kiểu bít đốc, hai đầu bờ nóc có đấu vuông giật cấp. Đã hơn 100 năm nhưng mái vẫn chưa bị dột nát, ngói cũng chưa phải lợp lại.
Cửa ghép bức bàn, ngoài hiên có một hàng dãi dùng (hay còn gọi là tấm liếp) chống nắng và mưa được làm bằng gỗ.
Tất cả gỗ của ngôi nhà này đều bằng lim. Trên các văng, kèo, li tô được chạm khắc nhiều chữ Nho, hình rồng.
Đặc biệt trên nóc nhà (thượng ốc) có khắc dòng chữ Nho nói về thời gian chính xác ngôi nhà được xây dựng.
Khi làm nhà, người ta trộn mật mía, bồ hóng vào vôi và thêm một số phụ gia khác để làm thành hồ xây nhà. Gạch dùng xây tường và lát nền được nung bằng rơm nên dù đã nhiều năm trôi qua, bức tường vẫn không hề bong tróc.
Cụ Hanh mất đi đã để lại ngôi nhà này cho người con trai là Trần Duy Xầm. Cụ Xầm mất đi để lại cho con cả là cụ Cựu Cát. Các vị cao niên trong làng kể lại, nghe nói, cụ Cựu Cát là người nghiện ngập, rượu chè, thường hay vay nợ, nên sau đó đã phải gán nợ ngôi nhà về tay cụ Bá Bính (tên thật là Trần Bá Bính).
Cụ Bá Bính chính là nguyên mẫu của nhân vật Bá Kiến được nhà văn Nam Cao xây dựng trong tác phẩm “Chí Phèo”. Và cũng chính từ khi ngôi nhà vào tay cụ Bá Bính, câu chuyện về ngôi nhà mới trở nên đặc biệt.
Theo lời kể lại, cụ Cựu Cát trong một lần đánh bạc cùng cụ Bá Bính tại đây đã đem gia sản cuối cùng của mình là ngôi nhà ra đặt cược và bị thua, phải lấy ngôi nhà ra để trả nợ trong canh bạc cuối. Cũng kể từ lúc này, tài sản về tay cụ Bá Bính, căn nhà chính thức bị đổi chủ. Cuộc đời của cụ Cựu Cát cũng đi xuống và kết thúc trong nghèo khó, bần hàn cùng thói nghiện rượu.
Sau này, cũng chính vì cờ bạc mà gia sản nhà cụ Bá mất dần đi. Đến thời các con của cụ thì phần lớn tài sản trong nhà đã khăn gói đi theo những cuộc đỏ đen.
Sau khi cụ Bá qua đời, ngôi nhà được để lại cho người con trai là Trần Duy Tảo hay còn gọi là Binh Tảo. Khi Binh Tảo mất đi, con cháu có ý định bán nhà. Lúc đó, cụ Trần Thế Lễ đã có ý định mua ngôi nhà về xẻ ra lấy 16 cột gỗ lim dựng nhà. Nhưng may mắn thay, cụ Lễ chưa mua được thì ngôi nhà được cụ Cai Hậu, tên thật là Trần Hữu Hậu, một Việt kiều mua lại để định cư. Được biết, giá ngôi nhà lúc đó cụ Hậu mua là 4.500 đồng (tương đương với hàng chục cây vàng thời bấy giờ).
Đến cuối đời, cụ Hậu không có con trai nối dõi, ngôi nhà được chuyển sang cho một người cháu là ông Trần Hữu Hòa.
Sau khi trải qua 7 đời chủ, đến tháng 11/2007, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nam đã mua lại ngôi nhà này với giá 700 triệu đồng từ vợ ông Trần Hữu Hoà và giao cho Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Lý Nhân quản lý.
Đến nay, người dân xã Hòa Hậu vẫn truyền tụng mấy câu thơ để nói về sự vững chãi, trường tồn của ngôi nhà:
“Đại Hoàng còn lại một ngôi nhà
Nếp cổ gỗ Lim mái ngói ta
Bảy chủ thay nhau quyền sở hữu
Hơn trăm năm tuổi vượt phong ba…”