Aa

Trẻ vui nhà, già vui chùa hay là câu chuyện về quy y ở làng quê Bắc Bộ

Thứ Bảy, 02/01/2021 - 14:52

Chúng ta đã có một thời đại được cho là thuần từ và tươi đẹp nhất trong lịch sử khi đạo Phật được xem là quốc đạo và số lượng các vị thiền sư liễu ngộ trong tu hành, có công giúp nước giúp dân rất lớn..

Đất Bắc, hơn 20 năm trên những nẻo đường hóa duyên, tôi đã đi và gặp bao nếp nhà, bao mái chùa, bao con người. Càng hiểu, tôi lại càng thêm trân trọng những vốn văn hóa của tiền nhân hàng ngàn năm còn được lưu giữ. Sử liệu ghi dấu những sự kiện, những niên biểu, trong khi đó, nếp sống văn hóa mới là yếu tố căn cốt làm nên lịch sử của một dân tộc. Nếp sống ấy còn lại trong từng lời ăn nếp ở, trong dòng tâm thức của dân tộc. 

Buổi đầu ra Bắc, nghe các cụ nói đi quy (nghĩa là quy y Tam Bảo, Phật – Pháp – Tăng) mà không thọ năm giới giống như trong miền Trung và Nam tôi lấy làm lạ. Chính bởi lẽ đó, ngoài Bắc khi quy y, các thầy thường dùng Điệp quy y (còn gọi là Phái quy y)Trong lần gặp gỡ và trò chuyện, tôi đã chia sẻ cùng thầy Thích Nhất Hạnh khi ngài về Việt Nam. Lúc đó Thầy đang tổ chức khóa tu tại chùa Bằng. Thầy dạy: “Không để điệp quy y, nên để là điệp hộ giới, bởi khi mình quy y tức là mình phát nguyện hộ trì năm giới. Điệp hộ giới như một lời nhắc nhở người đã phát nguyện nương theo ba sự quay về..”. Câu chuyện về quy y và năm giới bắt đầu với cái hiểu ấy và cũng từ đó về sau, mỗi khi gieo duyên quy y cho mọi người, tôi thường chỉ dùng điệp hộ giới như lời dặn của Thầy, thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Mãi cho tới những năm gần đây, do yêu cầu của nghiên cứu, việc điền dã khắp các vùng xứ Đoài và trấn Sơn Nam Hạ giúp tôi có dịp gần gũi nhiều hơn để tham vấn và chia sẻ những phát kiến của mình với thiền sư Lê Mạnh Thát. Các văn bia ghi lại công hạnh vị thiền sư, rất nhiều nơi, trên bia ghi đầy đủ thông tin của những vị thiền sư tu hành đạt đạo nhưng có thê (vợ), và những bia ghi hòa thượng nhưng là: sa di hòa thượng. "Thiền uyển tập anh", cuốn sách được cho là chính sử của phật giáo có chép câu chuyện và bài kệ của thiền sư Trí bảo như sau: 

Một hôm Sư thăng đường, Tăng tục đông nghẹt, có người hỏi: "Thế nào là tri túc?" Sư đáp: "Người xuất gia [32a1] tại gia đều dừng lại ở tri túc. Nếu tri túc thì ngoài chẳng lấn người, ttrong không tổn mình. Vật nhỏ nhặt như lá rau ngọn cỏ, người không cho, mình chẳng nên lấy. Huống gì những vật khác thuộc của người. Hãy dấy lên cái ý tưởng đó là vật của người thì mình rút cuộc không vì chúng mà sinh lòng trộm cắp. Cho đến thê thiếp của người, hãy dấy lên cái ý tưởng đó là thê thiếp của người, thì mình cũng không vì thế mà sinh lòng dâm.

Các người nghe ta nói kệ:

"Bồ tát của mình biết đủ thôi,

Của người chẳng muốn chỉ thương yêu 

Lá rau không biếu, ta không lấy,

Không tưởng của người, đức ngọc treo,

Bồ tát vợ mình biết đủ thôi.

Sao còn ham muốn vợ con người,

Thiếp thê ai nấy lo gìn giữ,

Sao nỡ lòng mình nghĩ lả lơi".

Bài kệ của thiền sư dựa trên ý từ kinh Hoa Nghiêm, chương Ly cấu của phẩm thập địa[1]. Xuôi dòng lịch sử về triều đại nhà Lý cùng với các vị thiền sư Không Lộ, Minh Không, Đạo Hạnh, đây là thời kỳ đạo Phật được cho là quốc đạo. Các vị thiền sư vừa là quốc sư giúp vua giữ yên triều chính, lo việc nước, vừa tu hành liễu ngộ. Chư vị thiền sư thời kỳ này đã dùng các phương tiện thiện xảo để khéo léo đưa Đạo Phật lan tỏa và thấm sâu vào lòng dân tộc. Tinh thần nhập thế và tư tưởng “Cư trần lạc đạo” không phải đến Trần Nhân Tông mới khởi xướng mà đã được hình thành ngay từ giai đoạn này. Đó là tinh thần hoàn toàn có thể “lạc đạo” khi còn “cư trần”. 

Thiền học thời kỳ này chịu ảnh hưởng từ phái thiền học của Lục tổ Huệ Năng với Pháp Bảo đàn kinh nổi tiếng và chú trọng đến phương pháp Đốn Ngộ (giác ngộ đột ngột). Trong khi đó, giác ngộ từ từ, tiệm ngộ, được đạt tới một cách cố ý, dần dần, tuần tự, từng giai đoạn một, và cần đến một sự cố gắng tập luyện lâu dài và liên tục. Chính vì có những sự giác ngộ bất ngờ chỉ nhờ một cái nhìn, một công án, một bài kệ[2]...

Phân tích sơ lược như vậy để thấy, ngay từ thời Lý, các vị xuất gia chỉ thọ ngũ giới tam quy, bên cạnh phương pháp Đốn ngộ là một điển hình. Toàn bộ đời Lê các tháp các vị tổ sư đến nay vẫn còn đều ghi Sa di Hòa thượng. Trong cuốn "Quốc âm sa di thập giới", phần lời tựa, thiền sư Như Trừng viết:“Nước Nam ta từ xưa đến nay, người xuất gia đều thọ tam quy ngũ giới”. Dẫn ra những chi tiết trên để hiểu vì sao ở những làng quê Bắc bộ thường có câu: "Trẻ vui nhà, già vui chùa" và Quy y đơn thuần như các cụ vẫn gọi là đi quy, quy Phật chứ không bao gồm có thọ năm giới. Đó chính là tâm thức thấm sâu từ thuở xa xưa của cha ông để lại. Người ta sinh ra đã là con Phật con Trời. Về già thì họ Quy y theo Phật để vui nơi cửa chùa với câu niệm A di đà mà nương theo sự gia hộ của chư Phật để cầu sinh về Tây Phương.. Quy y đơn thuần là quay về nương tựa ba ngôi Tam Bảo (Phật – Pháp – Tăng), còn việc thọ năm giới là thuộc về người xuất gia. Ai xuất gia thì mới cần thọ Tam quy – ngũ giới. 

Khác biệt đó so với ngày nay là một điều bình thường trong tiến trình lịch sử. Không có nghĩa là các vị ngày xưa không phải những bậc chân tu. Ngược lại, chúng ta đã có một thời đại được cho là thuần từ và tươi đẹp nhất trong lịch sử khi đạo Phật được xem là quốc đạo và số lượng các vị thiền sư liễu ngộ trong tu hành, có công giúp nước giúp dân rất lớn..


[1] Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh(35 tờ 185a25-b2), Chương Ly cấu của phẩm Thập địa viết:

"Bồ tát ư tự tư tài, thường tri chỉ túc, ư tha từ thứ, bất dục xâm tổn. Nhược vật thuộc tha, khởi tha vật tưởng, chung bất ư thử, nhi sanh đạo tâm. Nãi trí thảo diệp, bất dự bất thủ, hà huống kỳ dư, tư sinh chi cụ. Tính bất tà dâm. Bồ tát ư tự thê tri túc, bất cần tha thê. Ư tha thê thiếp tha sở hộ nữ, thân tộc môi định, cập vi pháp sở hộ, thượng bất sinh ư tham nhim chi tâm, hà huống tùng sự, huống ư phi đạo".

Dịch: Bồ tát đối với của cải mình, biết vừa đủ, đối với của người, thì thương yêu tha thứ, không muốn lấn hại. Nếu vật thuộc của người mình dấy lên cái ý tưởng là vật của người thì rốt cuộc không sinh lòng trộm cắp. Cho đến ngọn cỏ, lá cây, người không cho, mình không lấy, huống nữa là những vật dùng cho đời sống khác. Bồ tát biết đủ đối với vợ mình, mà không vợ người. Đối với thê thiếp của người, con gái do người bảo hộ, mình còn không móng lòng tham nhim, huống nữa là tùng sự dâm dục, huống nữa là nơi phi đạo.

Cần hiểu các giới ngày xưa nêu Bồ tát biết đủ đối với vợ mình có nghĩa giới thứ 4: Không tà dâm có nghĩa là không có lòng tham với vợ người, không tùng sự dâm dục và nơi phi đạo.

[2] Tham khảo thêm những câu chuyện giác ngộ về các vị thiền sư thời kỳ này: Từ Đạo Hạnh, Trí Bảo, tăng thống Khánh Hỷ, thiền sư Tĩnh Lự, thiền sư Chân Nguyên..

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top