Video: Làng Đọi Tam rộn ràng tiếng trống những ngày giáp Tết
Làng Đọi Tam, Duy Tiên, Hà Nam quanh năm rộn ràng tiếng trống. Càng gần những ngày Tết, không khí lễ hội ở nơi đây càng nhộn nhịp. Theo ghi nhận của PV Reatimes, những ngày giáp Tết Tân Sửu, các xưởng làm trống đều hoạt động hết công suất để hoàn thành những đơn hàng cuối cùng của năm sắp qua.
Căn cứ vào sử sách, hồ sơ di tích cấp quốc gia đình Đọi Tam, dấu tích khảo cổ và các truyền thuyết ở địa phương, nghề làm trống Đọi Tam đã tồn tại hơn một nghìn năm.
Truyền thuyết kể rằng năm 986, vua Lê Đại Hành về làng cày ruộng tịch điền khuyến nông nên hai anh em ông Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản đã làm một cái trống để đón vua. Khi lễ tịch điền diễn ra, hai ông cùng dân làng ra cổ vũ và đánh trống vang rền một góc trời. Vì tiếng trống vang như sấm rền nên về sau, hai anh em được dân làng tôn là Trạng Sấm.
Anh Lê Ngọc Tiến, thợ làm trống làng Đọi Tam cho biết: "Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid nên đơn đặt hàng trống cũng giảm sút đáng kể. Riêng nhà tôi số đơn đặt hàng giảm khoảng 50%".
Anh cũng cho biết quy trình sản xuất một quả trống trải qua các công đoạn: Làm da, làm tang và bưng trống. Để có một sản phẩm tốt, việc chọn nguyên liệu phải rất công phu, tỉ mỉ.
Những người thợ trống ở Đọi Tam đã đúc kết được kinh nghiệm làm trống qua câu ca: “Da trâu tang mít, đánh ít kêu nhiều".
Tang trống phải là loại gỗ mít già, vừa nhẹ, không bị ngót và quan trọng nhất là giữ được "tiếng". Mỗi cây gỗ được chia làm nhiều dăm. Người thợ làm trống sẽ làm cho các dăm gắn kết lại với nhau bằng keo sữa, tạo thành trống kín, khít, tròn. Dăm trống không được phép nối vì sẽ ảnh hưởng tới âm thanh.
Người dân Đọi Tam chỉ dùng da trâu cái để bưng mặt trống, da được chọn thường là da của những con trâu già có độ bền, dẻo và dai. Công đoạn căng mặt trống hết sức quan trọng, sao cho vừa căng lại vừa kín, khi đánh tạo tiếng kêu giòn, vang.
Bưng trống là công đoạn quan trọng nhất, quyết định tiếng trống. Người thợ sẽ căng tròn da trâu trên mặt trống rồi dùng đinh bằng vâu hoặc tre đóng cố định vào thân trống.
Ngày nay, nhiều làng nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một, nhưng những nghệ nhân làng nghề làm trống Đọi Tam vẫn quyết tâm bám trụ, giữ gìn và bảo tồn những giá trị văn hóa to lớn của "trống" truyền lại cho thế hệ sau.
Chia sẻ với báo chí, ông Lê Ngọc Minh - Trưởng thôn Đọi Tam cho biết: “Hiện nay, xóm Đọi Tam có 710 hộ, trong đó có 300 hộ làm trống. Thu nhập từ nghề làm trống chiếm 60% tổng thu của thôn. Đây không chỉ là nghề kiếm sống của một bộ phận người lao động mà còn lưu giữ nét đẹp văn hoá truyền thống lâu đời”./.