Aa

Ngôi nhà để trở về

Thứ Năm, 02/06/2022 - 06:09

Đi chợ Việt bên Mỹ toàn người Việt, nhiều người không cần học tiếng Anh vẫn sống bình thản nhưng để về quê thì không phải ai cũng đủ tiền. Có người Việt thở dài rất sâu, cái nhìn tê dại đi nơi khác khi nhớ cố hương.

Sang thăm con gái ở nước Mỹ, bên kia bờ Thái Bình Dương, được vài năm, nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương gặp đại dịch không thể trở về ngôi nhà của mình. Lần này bay nửa vòng trái đất, chị trở về với một đam mê không thể dứt ra được, đó là thơ. Chị vừa in xong tập thơ “Cánh cửa bên kia trời” viết trong 10 năm. Mười năm chỉ chọn in 90 bài thơ. Cơn cớ trở về với thơ, với cánh đồng chữ là khó dứt ra nhất đối với người viết.

Nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương - Tác giả tập thơ Cánh cửa bên kia trời.

Văn hóa nước Mỹ không giống như văn hóa nước Việt. Đặng Thị Thanh Hương sống với con gái và đứa cháu ngoại ở bang California. Chạm mắt hàng ngày với những ngôi nhà gỗ một tầng, đông đúc dân Việt ngụ cư, nơi đây lại rất hay có động đất nhẹ. Nhà ở thuê, chị học lái xe trên cao tốc để đi làm báo, hai ngày cuối tuần nhận cả việc chăm sóc người già ốm đau. Ở bên đó, dịch vụ này rất khan hiếm người giúp việc. Giúp người cao tuổi, tai biến, chỉ kiếm hơn một trăm đô trong ngày, kiếm thêm tiền chợ rau dưa, Hương vẫn làm. Có cả tháng ngày nhận thêm việc trông nom chó cảnh cho những gia đình đi du lịch, đi thăm thân. Chị làm công việc giống kiểu cách như ông nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh vẫn làm, nơi khách sạn chó mèo duy nhất ở Hà Nội trên đường Trương Định.

Ở bên Mỹ, để làm việc trông nom chó mèo, phải có giấy chứng thực về sức khỏe hẳn hoi: một là không nghiện rượu, hai là không say xỉn, ba là người không nhiễm bệnh, và còn phải là người yêu động vật thực sự mới được cấp giấy phép đàng hoàng để chăm nuôi chúng. Người dân Mỹ rất yêu vật nuôi như chó mèo.

Luật ở bên Mỹ khác lắm, nhà thơ Việt cũng phải lái ô tô đi học, kể cả học tiếng Mỹ hai ngày cuối tuần để có thể giao tiếp được. Bên Mỹ láng giềng gần, nhà lại ở rất xa, mà văn hóa Mỹ có láng giềng gần cũng không giống như bên xứ ta. Họ không “tám” chuyện, không “buôn dưa lê bán cà pháo” kiểu như hàng xóm của người Việt. Sống cứ lủi thủi với vườn rộng nhà rộng, vừa trồng cây, vừa nhận trông chó mèo, vừa làm báo online. Kể cả viết báo và làm báo cũng theo cách của Mỹ nhìn người Mỹ. Nhà thì ở thuê. Tiền thuê nhà, tiền thuê xe, cái gì cũng trả qua online tất. Đặng Thị Thanh Hương phải học lại tất cả.

Ở bên Mỹ, người đàn bà làm thơ thấy thời gian rất ngắn. Công việc như núi chứ không an nhàn ngồi cà phê sáng như ở Việt Nam. Hàng tuần chị lái xe đến chợ Cali mua thức ăn cho cả tuần. Chợ người Việt ở bang California không thiếu bất cứ một thứ gia vị Việt Nam nào (ngoại trừ duy nhất thịt chó). Nhưng không hiểu sao, từ vị lá tía tô đến vị rau răm, trồng ở đất Mỹ nó không dậy mùi và đúng vị như ở đất xôi ruộng mật nơi quê Việt. Hay tại nỗi nhớ xứ sở nó cứ day trở như mưa phùn gió bấc ở ta.

Khi vượt qua Thái Bình Dương, về Việt Nam vào tháng 5, chợt gặp gió bấc và bảng lảng mưa phùn, cả đường phố Hà Nội như tím biếc màu hoa bằng lăng và rực rỡ màu phượng vĩ. Những khu nhà cao tầng đang xích lại nhiều hơn, và con đường cứ như bé lại. Người xa xứ nhìn thấy cây cầu Nhật Tân và Vĩnh Tuy vắt qua sông Hồng, lại nghĩ đến cây cầu Long Biên đi vào thế kỷ, cũ kỹ như người Hà Nội thời bao cấp ấy. Nó đầy ắp ký ức một thời gieo neo, một thời thật vất vả, thật khó khăn, nhưng sống thật đẹp. Cái thuở Hà Nội chỉ có 25 triệu dân, nó vắng hoe vắng hoắt người đi trên phố và chất đầy vẻ đẹp xưa cũ. Nao lòng.

Đặng Thị Thanh Hương trở về Hà Nội với thơ và với bạn yêu văn chương, sau rất nhiều biến cố lớn trong đời.

Tôi còn nhớ tình cờ cách đây hơn ba mươi năm, gặp chị khi còn thuở con gái, chị vốn từ Yên Bái về Hà Nội tìm mua nhà ngụ cư. Chị hỏi thăm tôi: “Trong ngõ Vân Hồ 1 có ai bán nhà không?”. Nhà lúc đó có mấy chỉ vàng một gian nhà 24 mét vuông. Nhà cấp 4, xây từ năm 1954, mỗi gian có tên “khu nhà viện trợ Mỹ”, là vì Mỹ xây trước khi giải phóng Thủ đô 1 năm cho người Mỹ di tản ở tạm. Bố tôi kể lại thế. Tôi nói với Hương, tôi không biết gì về vàng và nhà đất.

Rồi ít lâu sau nghe nói Hương mua nhà ở Yên Phụ hay Tây Hồ. Hương lấy chồng Hà Nội, rồi ly hôn. Sau đổ vỡ cũng có tập “Trà nguội”, “Người đàn bà chơi dao sắc”. Rồi nghe phong phanh Hương mua miếng đất, dính đến bất động sản mà có lãi ngay. May mắn mỉm cười với Hương, rồi nàng mở cửa hàng thẩm mỹ, cũng ăn khách. Hương giàu có lên, có cả ô tô lái đi làm khi mà nhiều người thời đó chỉ mơ có chiếc xe máy. Số phận đã cho Hương khá giả rất nhanh.

Đặng Thị Thanh Hương trở về Hà Nội với thơ và với bạn yêu văn chương, sau rất nhiều biến cố lớn trong đời. (Ảnh minh họa: Internet)

Ở một cô gái nhỏ nhắn có 49 cân, cao 1m52, gương mặt tròn và đôi mắt đen, luôn ánh lên vui vẻ kể cả khi bị “xù nợ”. Tôi gặp, nhìn chị vẫn hồn nhiên, bình thản như không, có vẻ như chị biết cách tha thứ, biết trả vay, vay trả của kiếp người. Khi rời Hà Nội bay vào phương Nam làm báo, chị đi lại như con thoi giữa hai miền.

Chị là người xốc vác, lanh lợi, nên khi gửi nhà cho người bạn để sang Mỹ với cô con gái yêu, chị bắt nhịp ngay với việc tự học tiếng, cũng làm vườn, trồng cây như nông dân. Đi chợ Việt bên Mỹ toàn người Việt, có nhiều người không cần học tiếng Anh vẫn sống bình thản, nhưng để về quê thì không phải ai cũng đủ tiền mua vé về. Có người Việt thở dài rất sâu, những cái nhìn tê dại đi nơi khác khi nhớ cố hương.

Cũng có người Việt chạy được tiền vé khứ hồi thì không đủ tiền mua quà khi mang cái danh ảo “Việt kiều”, về, chả lẽ đi tay không. Bên Mỹ, người Việt phải làm việc quần quật cả tuần, hiếm có ngày nghỉ cuối tuần. Bên Mỹ, người Việt không chỉ làm nail, buôn bán chạy chợ, mà còn có cả nghề viết thư tay dán tem như thời chiến tranh ở nước ta. Nhà nào cũng có hòm thư, thư dán tem và viết tay. Bên đó vẫn có dịch vụ viết thư tay, nhưng tiền công rất rẻ mạt, phải chịu khó mới kiếm đủ để mua bánh mỳ và gạo tẻ.

Tập thơ Cánh cửa bên kia trời, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2022

Chị la cà ở chợ Mỹ, lắng nghe những lát cắt, khoảnh khắc tâm trạng người Việt tha hương, với những ước mơ bình dị như được về thăm quê một lần, như được ra Hà Nội đón gió mùa một lần và ăn chiếc kem Tràng Tiền ở gần rạp công nhân. Đặng Thị Thanh Hương vừa lao động chân tay, vừa ghi chép tư liệu để viết một cuốn tiểu thuyết khác. Trong tập thơ mới nhất vừa ra khỏi nhà in không lâu, chị vẫn còn có nhiều day dứt khác, không đơn giản/ lịch sử đúng sai giờ hóa vô thường/ chỉ nước mắt chạy dọc đường số phận/ chiều nay nắng Cali buồn không tưởng…

Đặng Thị Thanh Hương, không che giấu nỗi buồn hôn nhân sau đổ vỡ, cũng không thảng thốt khi bị "xù nợ", cũng biết bỏ qua tình nhân thế, độ lượng với đời. Chị kể, từng đi du lịch qua các châu lục, sang Bắc Âu, Đông Âu, rồi Nam Phi. Đi được nhiều nên nhìn nhận con người cũng khác xưa, chậm hơn và bình thản hơn. Hiện giờ, vừa mới khoác trên mình chiếc áo “Việt kiều”, “vội vã trở về” in thơ rồi “vội vã ra đi”. Chị vẫn không từ bỏ được ngôi nhà của mình, nơi có sự ấm áp, cưu mang khi chị lỡ bước, khi chị vấp ngã trong hôn nhân và trong cả thương trường. Nhà thơ đã ngộ ra/ đã đành cau điếc trầu hôi/ nợ ta kiếp trước trả người đã xong.

Không tính đến vay trả tiền tình, không tính đến sinh mệnh mình được xê dịch nhiều nơi, Đặng Thị Thanh Hương cũng khá giàu có trong cánh đồng chữ dành cho riêng mình. Chị bay nửa vòng trái đất và đi qua nhiều châu lục, vẫn còn giữ một đam mê, làm thơ và sẽ viết tiểu thuyết người Việt ở bang California sau đại dịch trên đất Mỹ. Đó cũng là cách thấu hiểu sự sống, cách yêu Tổ quốc mình trên một cánh cửa bên kia đại dương, không phải nhà của mình, mà là nhà đi thuê. Chỉ có trở về với quê nhà, với ngôi nhà của mình, chị mới có thể nhìn xa rộng hơn, tình yêu Tổ quốc sâu đậm ở nhiều lý do từng trải khác./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top