Aa

Người có thu nhập thấp được vay tới 900 triệu đồng để mua nhà

Thứ Năm, 20/06/2019 - 14:01

Người có thu nhập thấp được vay tới 900 triệu đồng để mua nhà; Được rao bán tới 1 tỷ đồng/m2, giá đất Đà Lạt thực tế ra sao?... là một số tin tức nổi bật 24h qua.

Người có thu nhập thấp được vay tới 900 triệu đồng để mua nhà

UBND TP.HCM vừa quyết định điều chỉnh hạn mức, thời hạn cho vay đối với đối tượng có thu nhập thấp vay tiền tại Quỹ Phát triển nhà ở để tạo lập nhà ở.

Cụ thể, hạn mức vốn vay tăng từ 500 triệu đồng/hồ sơ lên 900 triệu đồng/hồ sơ. Thời hạn cho vay tối đa là 20 năm. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 27/6/2019.

Theo chương trình vay vốn ưu đãi tạo lập nhà ở cho người có thu nhập thấp của thành phố, đối tượng được vay gồm cán bộ, công chức, viên chức thuộc các sở, ban, ngành, quận, huyện, cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc khu vực hưởng lương từ ngân sách thành phố; lực lượng vũ trang; cán bộ công đoàn chuyên trách… có hộ khẩu thường trú tại thành phố và có thời gian công tác tại cơ quan, đơn vị từ 3 năm liên tục trở lên.

Tại thời điểm vay tiền, người vay mua nhà không đứng tên sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất; bản thân cũng như vợ/chồng người vay chưa từng được Nhà nước giải quyết chính sách về nhà ở, đất ở.

Xem chi tiết tại đây

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Du lịch Việt Nam sẽ đi về đâu?

Khi được hỏi về triển vọng hiện tại của du lịch Việt Nam, ông Gilles T. Cooper, đồng Tổng Giám đốc Công ty luật Duane Morris Việt Nam trả lời: "Ngành du lịch Việt Nam đang ở trong tình trạng rất tốt. Số lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm Việt Nam tăng đều theo từng năm. Nếu có một điểm mà các bạn cần chú ý hơn thì đó sẽ là việc số lượng khách quay trở lại Việt Nam đáng lẽ ra có thể cao hơn mức hiện nay”.

Đây cũng là ý kiến chung của nhiều nhà quan sát, trong đó có Chính phủ Việt Nam. Nên ngành du lịch của nước ta đã tiến nhiều bước dài kể từ khi đổi mới, và hiện nay, đang đóng góp một phần đáng kể cho nền kinh tế. Cụ thể, trong năm 2018, lợi nhuận thu được từ du lịch đạt mức 620 nghìn tỷ đồng.

Tuy vậy, theo ông Cooper, vẫn còn một số trở ngại ngăn cản khách du lịch quay trở lại Việt nam lần thứ hai, thứ ba...

Lấy ví dụ như thủ tục xin visa. Tại các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, đơn cử như Thái Lan, khách du lịch chỉ cần một buổi sáng để hoàn thành thủ tục và nhận visa. Nếu so sánh thì quá trình xin thị thực tại Việt Nam vẫn còn tốn quá nhiều thời gian, kể cả khi nhà nước đã có chính sách tinh giản thủ tục hành chính và cho đặt quầy cấp visa ở ngay sân bay.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều khả năng Việt Nam sẽ ký kết các hiệp định với các quốc gia khác để mở rộng diện công dân nước ngoài được miễn thị thực.

Xem chi tiết tại đây

Nút thắt tích tụ đất đai

Muốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra hiệu quả thì buộc phải sử dụng diện tích đất lớn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đất nông nghiệp dường như vẫn gắn chặt với người nông dân theo từng “bờ xôi, ruộng mật”, manh mún, nhỏ lẻ.

Theo Chỉ số Phát triển Thế giới (WDI), tỷ lệ đất nông nghiệp chia theo đầu người ở Việt Nam rất nhỏ và chỉ đạt bình quân 0,07ha/người, thấp hơn nhiều so với mức 0,27ha/người tại Thái Lan. Trong khi đó, số lượng mảnh đất bình quân mỗi hộ nông dân ở mức cao, đặc biệt là đất trồng cây hằng năm, ở mức 3,1 mảnh đất/hộ. Điều này làm tăng chi phí giao dịch thuê và chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Do vậy, để có thể tích tụ được một quỹ đất sạch như ý muốn, doanh nghiệp có thể phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để đàm phán với người nông dân, trong khi chính sách hiện nay chưa hỗ trợ nhiều cho họ.

“Hiện không có diện tích đất đủ lớn, xứng đáng để doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư. Bởi đất nông nghiệp vốn được phân theo hộ gia đình nên rất manh mún. Hiện cũng chưa có sở hữu tư nhân về đất nông nghiệp. Các doanh nghiệp chỉ còn cách đi thuê đất. Nhưng gian nan ở chỗ hiểu biết của nông dân về thị trường còn hạn chế, dẫn đến tâm lý lo sợ mất đất nếu cho thuê dài hạn, nhà này cho thuê, nhà kia lại không muốn, do đó rất khó trong việc thu hút đầu tư và tạo ra chuỗi sản xuất lớn”, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Xem chi tiết tại đây

Mặc dù có vị trí đắc địa nhưng con đường Phan Bội Châu được đánh giá là khó có thể đầu tư kinh doanh lớn do hạ tầng xuống cấp. Ảnh: Quỳnh Trang.

Mặc dù có vị trí đắc địa nhưng con đường Phan Bội Châu được đánh giá là khó có thể đầu tư kinh doanh lớn do hạ tầng xuống cấp. Ảnh: Quỳnh Trang.

Được rao bán tới 1 tỷ đồng/m2, giá đất Đà Lạt thực tế ra sao?

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, giá đất xung quanh khu Hòa Bình, TP Đà Lạt được rao tăng 400-500 triệu đồng/m2. So với 5 năm trước, các lô đất thuộc khu vực nằm trong đồ án “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt” thậm chí cao gấp 10 lần.

Đó là chia sẻ của những người đang tham gia vào làn sóng đầu tư bất động sản Đà Lạt sôi động thời gian qua.

Xác nhận cơn sốt đất tại Đà Lạt từ đầu tháng 3 đến nay, chị Linh Chi, đại diện một doanh nghiệp giao dịch bất động sản trên địa bàn, cho hay lượng giao dịch công ty thực hiện trong 3 tháng gần nhất đã tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Rất nhiều người đến tìm mua đất ở Đà Lạt, đặc biệt là những người đến từ thành phố khác đến mua đất để đầu tư hoặc nghỉ dưỡng", chị thông tin.

Theo các sàn giao dịch bất động sản địa phương, hoạt động mua đi bán lại rất sôi động, nhờ biên lợi nhuận lớn, tăng ít nhất là 20% so với giá mua ban đầu.

Xem chi tiết tại đây

Nhiều doanh nghiệp đóng cửa do phải chịu sức ép lớn

Trong 5 tháng đầu năm 2019, cả nước có hơn 44.000 doanh nghiệp rút lui do năng lực nội tại còn yếu, chịu sức ép cạnh tranh dẫn tới sự thanh lọc và đào thải.

Đó là nội dung được đưa ra tại Diễn đàn “Đổi mới và phát triển doanh nghiệp”, do Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức ngày 18/6 tại Hà Nội.

Năm 2018, tổng số doanh nghiệp tư nhân đã đạt đến 700.000, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của cả nước. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong môi trường toàn cầu còn hạn chế.

Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, mức độ năng động của khu vực doanh nghiệp phụ thuộc vào chất lượng môi trường pháp quy. Nếu có các quy định thực sự chất lượng, hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí và tham gia thị trường một cách công bằng thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top