Bộ Tài nguyên và Môi trường rốt ráo xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai của 132 đơn vị hành chính cấp huyện trên phạm vi 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Với mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới triển khai các dịch vụ công trực tuyến về đất đai, trong thời gian vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ. Việc triển khai hiện đại hóa hồ sơ địa chính, xây dựng hệ thống thông tin đất đai đã phát huy hiệu quả trong công tác quản lý đất đai, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng trình Chính phủ Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai và Nghị định quy định về xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác sử dụng hệ thống thông tin đất đai.
Xem thêm tại đây.
TP.HCM: Bất động sản đứng thứ 2 trong thu hút FDI
10 tháng đầu năm, riêng TP.HCM đã thu hút được 5,03 tỷ USD nguồn vốn FDI, đứng đầu cả nước, tăng gấp 2 lần so với 10 tháng đầu năm 2016, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu, chiếm 34,5%; lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng 32,9%, đứng thứ 2.
Số liệu trên được Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đưa ra trong báo cáo về thị trường bất động sản thành phố 10 tháng đầu năm 2017.
Xem thêm tại đây.
HoREA đề xuất phát triển đô thị chủ đạo của TP.HCM về hướng Tây Bắc
TP.HCM có cao độ thấp, chỉ từ 0,5m (Nhà Bè, Cần Giờ) đến khoảng 32m (đồi Long Bình, quận 9). Vùng trũng thấp của thành phố ở phía Nam - Tây Nam - Đông Nam thuộc các quận, huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, quận 7, quận 8, quận 2, một phần quận 9; Vùng cao nằm ở phía Bắc - Đông Bắc - Tây Bắc thuộc các quận, huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, Gò Vấp, một phần quận Thủ Đức, quận 9.
Trước đây, các nhà quy hoạch đã đưa ra ý tưởng về định hướng phát triển đô thị chủ đạo của Sài Gòn – TP.HCM về khu vực có địa hình cao, về hướng Tây Bắc của thành phố.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), trong tình hình hiện nay, sự điều chỉnh hướng quy hoạch phát triển đô thị này còn nhằm để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng trong tương lai gần, mà thành phố là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong điều kiện phần lớn diện tích thành phố nằm trên khu vực thấp.
Cụ thể, địa hình của thành phố thấp dần từ Bắc - Tây Bắc xuống Nam - Đông Nam - Tây Nam; hệ thống sông Sài Gòn theo chế độ bán nhật triều làm tăng thêm khó khăn cho việc thoát nước. Theo kịch bản, nếu nước biển dâng chỉ 0,5m thì TP.HCM sẽ bị ngập rất nhiều khu vực.
Trong khi đó, thời gian qua, thành phố đã phát triển rất mạnh về hướng biển, hướng Nam - Tây Nam - Đông Nam, điều này vô hình chung đã tác động đến hướng thoát nước tự nhiên.
Mặt khác, việc quản lý chưa thật chặt chẽ hệ thống mốc cao độ, cốt san nền cũng là một hạn chế, theo lãnh đạo HoREA cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước.
Xem thêm tại đây.
Chung cư CT1B, CT2B - Khu đô thị mới Nghĩa Đô hoạt động khi chưa đủ điều kiện về PCCC
Chung cư cao tầng CT1B, CT2B nằm trong Khu đô thị mới Nghĩa Đô, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 1 Hà Nội làm chủ đầu tư, được Cục Cảnh sát PCCC&CNCH - Bộ Công an (C66) thẩm duyệt thiết kế về PCCC với quy mô cao lần lượt là 17 tầng và 19 tầng nổi, 01 tầng hầm riêng biệt cho mỗi tòa nhà.
Qua kết quả kiểm tra nghiệm thu về PCCC ngày 26/9/2017, công trình còn tồn tại nhiều nội dung không đảm bảo an toàn về PCCC để cấp văn bản nghiệm thu theo quy định.
Tuy nhiên chủ đầu tư đã cho các hộ vào ở, sinh hoạt vi phạm quy định về PCCC theo Điều 17 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ. Trước đó, cơ quan Cảnh sát PC&CC đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về PCCC đối với chủ đầu tư hành vi “đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC” theo quy định tại khoản 6 điều 36 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Xem thêm tại đây.
Từ tháng 12/2017, người dân TP.HCM có thể xem quy hoạch qua internet và smartphone
UBND Thành phố vừa giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Quản lý các khu chức năng đô thị và UBND các quận-huyện hoàn thành trong tháng 11/2017 việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý quy hoạch và công khai thông tin quy hoạch qua mạng internet và điện thoại di động thông minh (smartphone).
Với ứng dụng này, thay vì phải lên UBND phường, xã xin cung cấp thông tin như hiện nay, người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng điện thoại thông minh để tra cứu các thông tin liên quan đến tình hình quy hoạch từng thửa đất, căn nhà.
Hiện một số quận trên địa bàn TPHCM đã đưa vào ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin giúp người dân tự xem quy hoạch như các quận 9 , Thủ Đức, Bình Thạnh…
Xem thêm tại đây.