Aa

Người dân vui mừng thoát cảnh canh tác, cư trú “chui” trên đất lâm nghiệp

Thứ Năm, 11/11/2021 - 10:20

HĐND tỉnh Đắk Nông đã thông qua nghị quyết về việc cập nhật, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng, đây được xem là việc gỡ nút thắt cho giấc mơ an cư của người dân địa phương.

Mặc dù, đã được cấp đất để tái định canh, định cư, nhưng hơn 2 thập niên qua, nhiều khu vực nằm trên địa bàn huyện Đắk G’Long (tỉnh Đắk Nông) vẫn nằm trong diện quy hoạch ba loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất) khiến hàng trăm hộ dân phải canh tác, cư trú “bất đắc dĩ” trên đất lâm nghiệp.

 huyện Đắk G’Long
Một khu đất tại khu vực huyện Đắk G’Long, nơi đây đất thuộc quy hoạch ba loại rừng chiếm gần 70% diện tích tự nhiên.

Điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng

Thực tế hiện nay, nhiều diện tích đất lâm nghiệp đã được UBND tỉnh Đắk Nông có quyết định, chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án, công trình từ nhiều năm trước hoặc nhiều diện tích người dân đã cư trú ổn định từ rất lâu nhưng các cơ quan Nhà nước chưa kịp thời đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch ba loại rừng.

Vì vậy, HĐND tỉnh Đắk Nông khóa IV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua Nghị quyết về việc cập nhật, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Theo đó, HĐND tỉnh Đắk Nông quyết định điều chỉnh, đưa ra khỏi quy hoạch ba loại rừng của tỉnh với tổng diện tích hơn 568ha nằm tại địa giới hành chính các huyện: Đắk G’Long, Tuy Đức, Krông Nô, Đắk Song và TP. Gia Nghĩa. Như vậy, tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh Đắk Nông hiện nay hơn 293.039ha.

Việc điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng đối với một số diện tích nằm tại các địa bàn nêu trên nhằm giải quyết những bất cập giữa quy hoạch ba loại rừng và quy hoạch ngành, lĩnh vực của tỉnh Đắk Nông trong thời gian qua. Ngoài ra, việc điều chỉnh đợt này nhằm phục vụ cho quá trình triển khai các dự án đường giao thông, các công trình phục vụ mục đích quốc phòng - an ninh. Bên cạnh đó, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân ổn định cuộc sống theo các chủ trương, quyết định của UBND tỉnh trước đó…

huyện Tuy Đức
Khu vực tại huyện Tuy Đức cũng nằm trong quyết định điều chỉnh, đưa ra khỏi quy hoạch ba loại rừng của tỉnh.

Trong quá trình thực hiện, việc quy hoạch ba loại rừng cần được điều chỉnh cho phù hợp các quy định pháp luật liên quan, quy hoạch chung tổng thể và thực tế đời sống người dân trên địa bàn. Từ đó, tạo nền tảng song hành để hai bên cùng có lợi: Việc quản lý dân cư được các ngành chức năng, cơ quan chính quyền thực hiện khoa học hơn, giữ được quyền lợi chính đáng cho người dân địa phương và việc quản lý, bảo vệ rừng cũng được cụ thể, minh bạch.

Qua trao đổi cùng phóng viên Reatimes, ông Lê Công Trường, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông, cho biết hiện nay tỉnh đang làm công tác lập quy hoạch cho toàn tỉnh trong đó có quy hoạch lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm sẽ kết hợp với chính quyền địa phương rà soát diện tích quy hoạch lâm nghiệp, chọn khu vực nào ở đâu cho hợp lý sau đó có văn bản kiến nghị về diện tích đất nông nghiệp để giao lại cho địa phương thực hiện công tác quản lý, người dân căn cứ sử dụng theo quy định. Điều này, sẽ giúp Chi cục Kiểm lâm có cái nhìn tổng quan, chính xác hơn về diện tích rừng, cũng như độ che phủ rừng thực tế của tỉnh Đắk Nông hiện nay.

Canh tác, cư trú “bất đắc dĩ” trên đất lâm nghiệp

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có gần 330.000ha rừng và đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp, chiếm hơn 50% diện tích tự nhiên; trong đó, diện tích đất có rừng đạt gần 248.000ha, diện tích đất chưa có rừng đạt gần 82.000ha.

Đắk Nông
Đắk Nông có gần 330.000 ha rừng và đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp, chiếm hơn 50% diện tích tự nhiên.

Trước đây, trải qua hơn 20 năm canh tác và cư trú, người dân các thôn Đắk Snao, Đắk Snao 2 (xã Quảng Sơn) và một số khu vực thuộc xã Đắk R’Măng, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông vẫn đang cư trú, canh tác khu vực đất nằm trong quy hoạch ba loại rừng của tỉnh. Vì vậy, dẫn đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xác lập quyền sở hữu hợp pháp, đầy đủ đối với đất đai, tài sản, từ đó có các thủ tục hợp pháp để người dân thực hiện việc thế chấp, vay vốn ngân hàng hoặc mua bán, cho tặng đất đai, nhà cửa… cũng là điều không thể.

Theo tìm hiểu của PV Reatimes, toàn huyện Đắk G’Long có tổng diện tích tự nhiên hơn 144.000ha, trong đó, đất thuộc quy hoạch ba loại rừng hơn 100.000ha, chiếm gần 70% diện tích tự nhiên. Riêng tại xã Đắk Plao (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông), toàn xã hiện nay có 181ha đất định canh được Nhà nước cấp cho dân từ năm 2011 - 2012, tuy nhiên vẫn nằm trong quy hoạch ba loại rừng. Tại đây, có khoảng 300 hộ dân cư trú, canh tác bất đắc dĩ trên đất lâm nghiệp từ lâu nay. Thời gian trôi qua, giấc mơ định cư của người dân vẫn còn dang dở, luôn ấp ủ mong muốn diện tích này được đưa khỏi quy hoạch ba loại rừng để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trao đổi với PV Reatimes, ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đăk G’Long, chia sẻ: “Trước đây, người dân sinh sống và sản xuất trong khu vực đất lâm nghiệp quy hoạch ba loại rừng tương đối lớn, có những hộ dân sống đến nay đã hơn 20 năm. Vì còn nằm trong quy hoạch ba loại rừng nên rất khó xử lý được các hồ sơ, pháp lý về đất đai cũng như giải quyết được những chính sách hỗ trợ để đảm bảo đời sống cho người dân. Nơi đây đa phần là người đồng bào thiểu số, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn… Trong những năm qua, có rất nhiều kiến nghị của người dân đến chính quyền xung quanh vấn đề này và được xem là nội dung chính trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, tựu trung lại là mong muốn có sổ đỏ an tâm sản xuất, vay vốn ngân hàng... Còn nếu cứ để như hiện nay thì không khác gì canh tác trái phép trên đất của Nhà nước, trong khi đó dân đã được cấp đất để tái định cư”.

“Nghị quyết này được HĐND tỉnh thông qua là tín hiệu vui cho hàng trăm hộ dân địa phương, cũng như việc quản lý trên địa bàn cũng sẽ thuận lợi hơn. Bởi nếu tình trạng này càng kéo dài sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp về an ninh trật tự”, ông Trần Nam Thuần, thông tin thêm.

Theo tìm hiểu, không chỉ là đất canh tác mà một số khu vực đất đai người dân đã xây nhà ở kiên cố, cư trú ổn định, hay đất của các doanh nghiệp làm dự án trên địa bàn huyện vẫn nằm trong quy hoạch ba loại rừng.

Vì vậy, trong thực hiện điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng thì việc tiến hành rà soát đất lâm nghiệp cần các cấp có thẩm quyền điều chỉnh tổng thể và phù hợp với các quy định của Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Quy hoạch và các văn bản pháp luật liên quan để phù hợp với quy định của Nhà nước và định hướng phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn, gắn với thực tế đời sống dân sinh nhằm đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của người dân./

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top