Aa

Người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam: Nên quản chặt hay nới lỏng?

Thứ Tư, 19/02/2020 - 13:30

Các chuyên gia bất động sản đều cho rằng, Chính phủ cùng các cơ quan ban ngành quản lý đất đai nên nới lỏng một số quy định cấp chứng nhận sở hữu nhà cho người nước ngoài.

Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã công bố danh sách một số tổ chức và cá nhân người nước được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cấp chứng nhận sở hữu nhà tại một số chung cư trong thành phố.

Trong danh sách này, có 6 tổ chức là các công ty và 35 cá nhân nước ngoài đã được cấp chứng nhận sở hữu nhà tại một số chung cư trên địa bàn Hà Nội. Đa số các cá nhân là người Hàn Quốc.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, động thái mới của Sở TN&MT Hà Nội khi cấp chứng nhận sở hữu nhà cho người nước ngoài là một tín hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, ông Đính kiến nghị các Bộ, ban, ngành có liên quan nên nới lỏng hơn việc cấp chứng nhận sở hữu nhà cho người nước ngoài hơn nữa.

Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã công bố danh sách một số tổ chức và cá nhân người nước được Sở TN&MT cấp chứng nhận sở hữu nhà tại một số chung cư trong thành phố.

Ông Đính cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay không hạn chế người nước ngoài mua nhà. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề người nước ngoài sở hữu nhà ở, chung cư đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều.

“Vấn đề người nước ngoài sở hữu đất đai, nhà cửa tại Việt Nam rất nhạy cảm. Một số quan điểm không đồng tình cho rằng, nếu để người nước ngoài mua bất động sản số lượng lớn, công tác quản lý, kiểm soát quỹ đất sẽ rất khó khăn. Trong trường hợp, cơ quan chức năng không kiểm soát, giám sát được sẽ gây ra nhiều hệ lụy về an ninh trật tự, an ninh quốc phòng...”, ông Đính nói.

Với quan điểm cá nhân, ông Đính cho rằng, các nhà làm luật tại Việt Nam vẫn còn khá cứng nhắc trong vấn đề này. Bởi theo ông Đính, hiện nay, người nước ngoài chỉ mua hoặc có giao dịch với các dự án bất động sản từ tầm trung tới cao cấp. Trong khi đó, các dự án nhà ở xã hội, chung cư giá rẻ hầu hết là khác nội địa giao dịch.

“Hiện nay, các dự án bất động sản cao cấp được phát triển khá mạnh tại Việt Nam, tạo ra nguồn cung khá dồi dào. Tuy nhiên, so với mặt bằng thu nhập chung, rất ít người Việt Nam có đủ tài chính để mua các dự án này. Trong khi đó, người nước ngoài có nhu cầu mua lại hạn chế họ mua. Như vậy sẽ khiến lãng phí nguồn cung bất động sản”, ông Đính nói.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cũng sẽ có một số văn bản, kiến nghị tới Chính phủ, cùng một số Bộ, ban, ngành có liên quan nên nới lỏng một số điều khoản, quy định về việc cấp chứng nhận sử dụng nhà cho người nước ngoài.

Nhu cầu người nước ngoài mua đất tại Việt Nam đang tăng rất mạnh, trong 5 năm trở lại đây. Ảnh: Vũ Đức Anh

Đơn cử, ở các dự án bất động sản, các khu chung cư nên tăng tỷ lệ bán cho người nước ngoài từ 30% lên 50%, nếu các dự án đó không nằm trong khu vực an ninh, quốc phòng.

Đồng thời, Chính phủ và các cơ quan ban ngành nên nghiên cứu một số quy định khung để hạn chế người nước ngoài cùng quốc tịch tập chung tại một địa điểm.

Giải thích về kiến nghị này, ông Đính nói: “Có thể trong một dự án bất động sản, với tỷ lệ 50% nhà được bán có thể phân chia 10% cho người Nhật, 10% cho người Hàn, 10% cho người Mỹ,...”.

Trao đổi với phóng viên, bà Thu Giang, một chuyên viên tư vấn động sản tại Hà Nội cũng cho rằng, nhu cầu người nước ngoài mua đất tại Việt Nam đang tăng rất mạnh, trong 5 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, do rào cản về Luật Đất đai, nhiều người nước ngoài chỉ được mua một số dự án bất động sản, chung cư được luật pháp cho phép và không được phép mua đất đai, nhà cửa trong khu dân cư. Điều này đã khiến cho một số người nước ngoài đã tìm cách mua nhà một cách hợp pháp như nhờ người quen đứng tên hộ, hoặc lấy chồng, lấy vợ Việt Nam,...

“Đa phần, người nước ngoài nhờ người quen đứng tên chủ sở hữu bất động sản là Việt Kiều. Họ mua bất động sản với nhiều mục đích khác nhau, ví dụ, có người mua nhà để xây dựng nhà thờ họ, có người mua nhà để về Việt Nam sống,... tuy nhiên, nhiều trường hợp sau khi nhờ đứng tên bị lừa và mất trắng, sinh ra kiện tụng, tranh chấp nhà ở rất phức tạp”, bà Giang nói.

Chính vì lý do đó, bà Giang mong muốn, Chính phủ và các cơ quan ban ngành nên cởi mở hơn trong việc cấp chứng nhận nhà ở, thậm chí là quyền sử dụng đất (sổ đỏ) khi người nước ngoài có nhu cầu.

Trước đó, 6 tổ chức là các công ty và 35 cá nhân nước ngoài đã được Sở TN&MT Hà Nội cấp chứng nhận sở hữu nhà tại một số chung cư như Chung cư Vinhomes Sky Lake, phường Mỹ Đình 1, Vinhomes Green Bay, phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm); tòa nhà Sapphire 1, Ruby 1 thuộc Dự án khu nhà ở, văn phòng, dịch vụ tại số 136 Hồ Tùng Mậu (quận Bắc Từ Liêm); khu chung cư quốc tế Booyoung - Khu đô thị mới Mỗ Lao, tòa nhà CT01 - Khu nhà ở và trung tâm thương mại, phường Hà Cầu (quận Hà Đông); Vinhomes Metropolis (số 29 Liễu Giai, quận Ba Đình); Eco Lakeview (số 32 Đại Từ, quận Hoàng Mai), nhà R5 - Vinhomes Royal City (số 72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân).

Theo quy định hiện hành, người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua 2 hình thức: Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam; mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top