Tôi sống trong căn nhà nhỏ trong một ngõ nhỏ. Người ta bảo dửng dưng như người thành phố, là không đúng với những cư dân sống trong ngõ nhỏ này. Có thể đa phần chúng tôi là dân ngụ cư nên sớm tối đùm bọc nhau. Nhưng ba nhà là người Hà Nội gốc thì cũng sống chan hòa như chúng tôi vậy.
Tôi có thể kể chi tiết về ba nhà Hà Nội gốc. Nhà thứ nhất là một gia đình làm nghề y. Cả nhà sáu người thì có đến bốn người theo nghề y. Người đầu tiên phải kể ngay là ông bố, là một bác sỹ đã nghỉ hưu. Theo gương ông, hai người con trai cũng là bác sỹ, thêm một cô con dâu cũng là bác sỹ nữa. Từ ngày về hưu, ông không mở phòng khám, nhưng cả ngõ có ai ho he gì, đều đến nhà ông nhờ khám và kê đơn.
Nhà thứ hai là nhà ông bà giáo già. Họ đã già và chỉ có hai vợ chồng sống với nhau. Con cái ông bà thành đạt, làm ăn ở nước ngoài, thi thoảng mới về thăm cha mẹ. Nhà ông bà giáo già có nhiều kẹo và sách. Bọn trẻ con trong ngõ hay được ông bà giáo mời vào nhà cho kẹo và cho sách.
Nhà thứ ba là một nhà lao động. Họ có năm người sống trong một căn nhà hơn 20m2. Khi tôi bắt đầu về ở trong ngõ nhỏ này thì đã mê ngay món xôi ngô do bà già bán ở đầu ngõ. Xôi của bà ngon lắm. Không chỉ cư dân trong ngõ mà còn những người ngõ phố bên, người đi đường ăn quen, cứ phải đến "Xôi ngô bà gù" mới mua để ăn. Bà gù có tên hẳn hoi, tên là Hiên, vậy mà chả ai gọi xôi ngô bà Hiên. Người ta cứ gọi "Xôi ngô bà gù".
Một lần tôi hỏi bà, vì sao người ta lại gọi là "Xôi ngô bà gù"? Bà Hiên bảo rằng: "Tôi bán xôi ngô ở ngõ này đã gần 50 năm rồi. Từ cái hồi tôi về làm dâu ở đây. Ông lão nhà tôi là thầy giáo tiểu học. Tôi với ông đẻ luôn một mạch năm đứa con. Lương ông ấy sao đủ nuôi năm đứa. Tôi mới học cái nghề làm xôi ngô này đây. Vậy mà cũng nuôi được năm đứa con nên người. Bốn đứa con lớn nhà tôi có nghề nghiệp tốt, mua được nhà cửa ở nơi khác rồi, còn có thằng út ít, vợ chồng nó chỉ làm công nhân thôi. Tôi thương vợ chồng nó, tôi ở với nó.
Nói thật với cô chứ, tiền tôi không thiếu, các con tôi nó cho, nhưng tôi vẫn bán xôi ngô để phụ giúp cho vợ chồng thằng út. Chúng nó khái tính lắm, không lấy tiền cho của anh chị nó. Tôi bán xôi từ trẻ đến giờ, từ lúc cái lưng còn thẳng thớm, rồi gù lúc nào không hay. Trước thì người ta gọi là "Xôi ngô ngõ Trăng", gọi theo tên ngõ nhà mình đây cô ạ, rồi từ lúc tôi gù thì họ chuyển sang gọi "Xôi ngô bà gù"".
Bẵng đi một thời gian, không thấy bà gù bán xôi nữa, mà là cô con dâu. Bà gù chỉ ngồi bên cạnh lau lá sen cho cô con dâu gói xôi cho khách. Hỏi ra mới biết vợ chồng cô về một cục. Nhà máy hết việc làm, giảm biên, cả hai vợ chồng một lúc. Hai đứa con soai soai đang tuổi ăn tuổi lớn. Trông vào một cục đó mấy nả thì hết. Vậy là cô con dâu thì thay chân mẹ chồng bán xôi, còn anh chồng thì làm xe ôm đứng ở đầu ngõ.
Xôi ngô chuyển qua tay cô con dâu vẫn đắt hàng vì bà gù vẫn ngồi bên cạnh. Bà ngồi không chỉ để đảm bảo thương hiệu quán của bà mà còn để chỉ bảo cho cô con dâu từng ly từng tý. Có bận, cô con dâu không lau sạch nước trên lá sen mà bà đã bắt cô ngồi sang bên cạnh, để bà bán. Bà không muốn cô con dâu học theo cái cách người đời bây giờ làm ăn kiểu chụp giật, mất thương hiệu của bà. Với lại, nó sẽ đánh mất nồi cơm nhà nó trước, khách không đến ăn nữa thì bán cho ai.
Anh con trai làm xe ôm cũng đắt khách vì cư dân trong ngõ nếu đi xe ôm thì chỉ đi của anh. Tôi cũng là khách thường xuyên của anh. Anh này tính tình điềm đạm nên ngồi sau xe của anh rất yên tâm. Giao thông ở đây rất tệ. Người và xe ken nhau. Đã thế, không ai chịu nhường ai, cứ như đàn kiến vỡ tổ. Thấy bóng công an thì họ mới chấp hành luật lệ. Mà cũng lạ, người ở đây họ có thể ngồi cả ngày ở quán bia, quán cà phê, để tán dóc chuyện trên trời dưới bể. Rồi khi ngồi lên xe máy là họ phóng như thể chỉ chậm vài giây là không thể cứu được trái đất nổ tung.
Tôi yên tâm ngồi sau xe con trai út của bà gù phần nữa vì một lần anh đã dạy cho tôi một bài học.
Trời nắng chang chang, nhiệt độ ngoài trời theo dự báo thời tiết là 40 độ C nhưng khói xe, nhiệt độ cơ thể và nhiệt độ tức tối của đám kẹt xe phải tăng thêm vài độ nữa. Xe nhúc nhích từng cen-ti-mét. Tiếng thở dài ngán ngẩm. Tôi ngồi sau xe anh con út nhà bà gù, lòng dạ rối bời. Chỉ còn nửa giờ nữa là cuộc họp bắt đầu, cuộc họp với đối tác nước ngoài để xin kinh phí cho dự án khoa học tôi đang làm chủ nhiệm. Tôi thở dài ngán ngẩm. Anh con trai út nhà bà gù bảo tôi: “Chị hít thật sâu và thở đều. Đừng tức tối làm gì. Tôi sẽ cố gắng để chị không muộn giờ”. Tôi nghe theo anh, hít thật sâu một luồng khí vào lồng ngực rồi nhắm chặt mắt lại chờ đợi. Xe chầm chậm tiến, dù nhắm mắt tôi vẫn nhận biết được điều đó. Bỗng nhiên xe phanh gấp, tôi mở choàng mắt ra. Lối rẽ vào ngõ nhỏ có một thanh niên đi sau rồ ga tạt vào mũi xe của chúng tôi. Nếu không có cú phanh gấp đó, chắc là chúng tôi đã ngã lăn ra đường.
Tôi tức quá không thể kìm được bèn hét lên:
- Đi kiểu khốn nạn như vậy à?
Lập tức thanh niên kia quay xe chắn trước mặt xe chúng tôi, sừng sộ:
- Bà nói cái gì đấy? Đây thích đi kiểu ấy đấy. Thích gì?
Máu nóng dồn lên mặt, tôi không biết sợ là gì. Tôi nhảy khỏi yên xe đến trước mặt gã thanh niên. Tôi bỏ khăn chùm mặt, trợn tròn đôi mắt dữ tợn để bắn những tia nhìn tức giận vào mặt gã:
- Tao nói mày ấy. Không ai dạy mày đi đứng tử tế à?
- Á à, con mụ này ghê nhỉ. Mày dám không?
Gã thanh niên thoi một quả đấm về phía tôi. Tôi né người và thoi một quả đấm về mặt gã. Gã hứng trọn quả đấm của tôi. Hàng phố tụ lại xem. Người hô kẻ hét.
Người con út của bà gù sau khi đờ ra mất mấy phút vì không thể ngờ tôi, một người đàn bà có học thức đã trung tuổi mà lại đi đánh nhau giữa phố như vậy, bèn kéo tôi lên xe, rồ ga phóng đi. Chưa khi nào, từ ngày tôi ngồi sau xe anh, anh đi nhanh như vậy.
Tôi đến chỗ họp muộn mất nửa giờ. Đối tác của tôi vẫn chờ nhưng chỉ để thông báo với tôi rằng, họ sẽ không hợp tác với dự án của chúng tôi nữa, vấn đề giao thông ở đây rất khó khăn cho việc đi lại của họ đã đành, còn nguy hiểm đến tính mạng của họ. Họ còn nói rõ thêm rằng, không những kẹt xe mà còn đánh nhau nữa. Tôi giật mình đánh thột, lẽ nào họ đã chứng kiến vụ tôi đánh gã thanh niên kia.
Tôi buồn bã ra về. Người con út bà gù vẫn đợi tôi. Tôi kể chuyện của tôi cho anh nghe. Nghe xong anh không bình luận câu nào. Anh chỉ thở dài nói, như bâng quơ cho chính mình nghe, hoặc ai nghe được thì nghe:
- Mẹ tôi luôn dạy tôi rằng, người ta hơn thì mình kém, người ta tiến thì mình lùi. Hôm nay tôi đã phanh được rồi mà...
Đêm đó, tôi đã nghĩ ngợi rất nhiều về điều mà bà gù bán xôi đã dạy con trai mình. Người ta tiến thì mình lùi, người ta hơn thì mình kém. Thế có phải là mình không tiến lên không? Như nhà anh con út đó, hai vợ chồng về một cục, vợ bán xôi ngô, chồng làm xe ôm, mà hai đứa con anh chị đều đã cùng thi đỗ vào đại học. A, thì ra là vậy. Tôi đã hiểu ra chân lý đơn giản của một người mẹ gần suốt cuộc đời bán xôi ngô dạy cho con. Một chân lý mà quý bà tiến sĩ như tôi, đọc trăm cuốn sách, vẫn chưa tìm ra.