Aa

Nhớ một vị đại biểu không phát biểu...

Thứ Ba, 16/07/2019 - 07:00

Không nói, nghĩa là không cần phải dành thời gian cho việc ngẫm nghĩ những điều mình phải cố nói. Hãy dành thời gian ấy để suy ngẫm cho kỹ...

Không phải lúc nào tôi cũng nhớ về ông, một vị đại biểu Quốc hội. Nhưng cứ mỗi khi có một vị đại biểu của dân nào đó phát biểu về một vấn đề gì đó làm dư luận ‘’dậy sóng’’, là tôi lại nhớ về ông. Tôi nhớ ông là vì ông đã không phát biểu lần nào ở Quốc hội...

Mấy hôm nay, tôi lại nhớ ông. Là do một đại biểu của Hội đồng Nhân dân, chị Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dân tộc học - Nhân học TP.HCM, đã đề xuất trang bị lu cho người dân để chống ngập. Tôi không bàn gì về phát biểu của nữ đại biểu, một người vừa có bằng cấp vừa có chức vụ này. Tôi chỉ nhớ vị đại biểu Quốc hội người xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội (Hà Tây cũ) của tôi mà thôi.

Xã Sơn Công của tôi là một trong những nơi đầu tiên "làm chui" khoán quản. May là làm thành công, và thế là được công nhận, trở thành xã điển hình. Trên báo Nhân Dân hồi đó có bài của nhà báo Đắc Hữu, Tổng biên tập báo Hà Sơn Bình, có nhan đề: "Sơn Công, câu trả lời cho vấn đề nông nghiệp hiện nay’’.

Người đẻ ra lý thuyết về khoán quản, còn gọi là khoán 10, là ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Những người nông dân xã tôi đã thực hiện thành công trong "bí mật". Hồi đó, lý thuyết về khoán của ông Kim Ngọc chưa được công khai phổ biến. Xã tôi thấy hay thì làm và trùng với lý thuyết đó. Có lẽ đó là con đường mà một đất nước muốn phát triển phải đi theo như một lẽ tự nhiên, nên người thực hiện và cha đẻ của lý thuyết cuối cùng đã gặp nhau.

Người đứng đầu hợp tác xã nông nghiệp xã tôi hồi làm "khoán chui" là ông Ấn.

Cần cán bộ biết phát động quần chúng chứ không cần

Cần cán bộ biết phát động quần chúng chứ không cần "nói giỏi" trên diễn đàn

Ông Ấn chỉ mới học hết lớp 5 trường làng nhưng là người nhiệt tình số một trong mọi công việc, làm việc gì ông cũng đi đầu. Vì thế nên người ta bầu ông làm chủ nhiệm hợp tác xã. Ông chính là người đã liều mạng, chỉ đạo nông dân cả xã làm khoán quản "chui". Sau khi xã tôi thành công trong khoán quản, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã về thăm, như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó Thủ tướng Tố Hữu, bà Nguyễn Thị Định... Sau đó là tấp nập các đoàn đại biểu trong cả nước tìm đến. Ông Ấn và một số người trong ban chủ nhiệm hợp tác xã được mời đi dự nhiều hội nghị, đến nhiều địa phương để nói chuyện. Rồi sau đó, ông Ấn đã được bầu làm đại biểu Quốc hội.

Ông Ấn người làng Nghi Lộc, còn gọi là làng Sóc. Xã tôi có bốn làng và người ta gọi bốn làng đó bằng bốn cái tên dân gian: Kẻ Sóc (Nghi Lộc), Kẻ Vĩnh (gồm Vĩnh Hạ và Vĩnh Thượng) và làng tôi là Kẻ Chùa (Hoàng Dương hay còn gọi là làng Chùa). Gia đình ông Ấn có nghề phụ là làm bánh tẻ, người Hà Nội gọi là bánh giò. Cứ chiều chiều, tôi thấy ông Ấn đội một thúng bánh tẻ còn nóng, bốc hơi nghi ngút, đi dọc đường làng rao bán bánh. Ông đội thúng bánh trên đầu mà không cần lấy tay giữ, đi nhịp nhàng, hai tay vung vẩy như đang múa. Miệng ông lúc nào cũng nhai trầu. Bánh tẻ của gia đình ông Ấn nổi tiếng ngon. Khi tôi ốm, bà hoặc mẹ tôi mới mua cho tôi một chiếc bánh tẻ. Ngày ấy, có lẽ chẳng gì ngon bằng một chiếc bánh tẻ nóng hôi hổi vào cuối chiều của những tháng năm đói rét triền miên.

Sau khi ông Ấn thành đại biểu Quốc hội, thi thoảng người ta lại thấy một chiếc com măng ca đít vuông chạy trên đê sông Đáy qua làng tôi về làng Nghi Lộc của ông Ấn, là biết xe của Quốc hội về đón ông đi họp. Sau này, thành nhà báo, tôi đã tìm gặp ông Ấn hỏi chuyện về những ngày ông đi họp Quốc hội. Tôi hỏi, ông đã từng phát biểu những gì trong những kỳ họp Quốc hội quan trọng ngày ấy. Nghe tôi hỏi, ông im lặng rất lâu, miệng vẫn nhai trầu. Sau đó, ông nói với tôi với gương mặt lúng túng, có vẻ ngượng ngùng, rằng ông chẳng phát biểu gì trong những ngày họp Quốc hội suốt nhiệm kỳ của mình. Ông bảo có rất nhiều người giỏi giang trong Quốc hội nói rồi, mình học hành chưa hết cấp 2, nói họ cười cho...

Tôi hỏi ông đi họp Quốc hội có bỏ được thói quen ăn trầu không? Ông cười và nói, bỏ Quốc hội thì dễ chứ bỏ trầu làm sao được? Tôi tính ra, trong 5 năm làm đại biểu Quốc hội, ông Ấn ăn hết khoảng 5.000 quả cau và cũng chừng đó, khoảng 5.000 lá trầu, chưa kể vôi và rễ chay ăn kèm. Mỗi khi đi họp Quốc hội, trong cặp của ông Ấn chỉ có hai bộ quần áo, một cuốn tài liệu được phát trước, còn đâu là chỗ để chứa cau, lá trầu, vỏ chay và vôi…

Theo tôi, một đại biểu Quốc hội hay là một người đại diện cho người dân ở một hình thức nào đó, nên không nói còn tốt hơn nói ra những điều hài hước và không mang lại điều gì cho sự phát triển chung. Không nói, nghĩa là không cần phải dành thời gian cho việc ngẫm nghĩ những điều mình phải cố nói. Hãy dành thời gian ấy để suy ngẫm cho kỹ, kết hợp với thực tế của mình, mà thẩm thấu những điều người khác đã nói, đã tranh luận, rồi từ đó định hướng cho đúng lá phiếu hay biểu quyết của mình về những quyết sách. Vậy mà, hiện nay, trên nhiều diễn đàn dân cử, trên nghị trường, vẫn cứ có nhiều những người phát ngôn không những không đại diện cho quyền lợi của người dân (cử tri) mà có khi còn đi ngược lại lợi ích của dân. Có lẽ vì chính điều ấy mà tôi thường nhớ tới ông Ấn. 

Và lúc này đây, tôi lại nhớ tới ông Ấn với một lòng yêu quý và kính trọng sự chân thành của ông. Ông là một trong những người đã thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp của xã tôi và đã thực sự thay đổi đời sống của họ. Công đó thật lớn. Chỉ vậy thôi cũng đủ để sau hơn 30 năm, ít nhất có một người là tôi, nhớ về ông với những cảm xúc thật gần gũi và yêu quý. Ông là một đại biểu Quốc hội xứng đáng... 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top