Aa

Người thuê chán nản với thực trạng “ngáo giá” nhà trọ

Thảo Bùi
Thảo Bùi Buithao021197@gmail.com
Thứ Tư, 12/10/2022 - 06:18

Nhu cầu thuê nhà trọ tăng liên tục khiến các khu nhà cho thuê đều cháy phòng, những phòng còn trống lại có giá quá cao so với chất lượng. Người đi thuê chán nản vì quá khó để tìm được một căn phòng hợp lý.

Tìm phòng trọ trở thành một gánh nặng

Tháng 9, tháng 10 hàng năm là lúc hàng ngàn tân sinh viên đến với Thủ đô để học tập, đây được coi là thời gian cao điểm của việc tìm thuê trọ. Hầu hết các trường đại học đều có khu kys túc xá dành cho sinh viên, tuy nhiên vẫn chỉ đáp ứng được một phần chứ không thể đảm bảo hết cho tất cả sinh viên. Một mặt khác, không ít sinh viên mong muốn thuê trọ ở ngoài để có thể tự do, thoải mái giờ giấc, có không gian riêng cho bản thân. 

Cùng niềm vui sướng khi trở thành tân sinh viên, Thanh Huyền hào hứng lên Thủ đô chuẩn bị nơi ở cho 4 năm đại học sắp tới. Tuy nhiên, việc tìm được căn phòng trọ ưng ý với giá cả hợp lý là điều không dễ dàng lúc này. Sau nhiều ngày đi từ sáng đến tối khắp các ngõ ngách của những khu vực quanh trường, Huyền đành đăng bài lên nhóm phòng trọ Hà Nội mong được giúp đỡ từ những người quan tâm thuê trọ hoặc có trọ cho thuê với trạng thái gần như tuyệt vọng: “Mọi người ơi thật sự đến giờ phút này thì em sắp gục ngã rồi,...”

Nhiều ngày đi tìm phòng trọ nhưng không được

Phía dưới bình luận bài viết, có rất nhiều người đồng cảm với Thanh Huyền, có người chia sẻ rằng cũng mất thời gian cả tháng trời mới tìm được căn phòng ưng ý cho bản thân. Nhiều bình luận khuyên Huyền nên tìm trọ ra khu vực xa hơn để có được mức giá tốt hoặc là ở ghép cùng người khác để có thể giảm mức phí chi trả.

Cũng bắt đầu tìm phòng ở chuẩn bị cho những năm tháng tự lập sắp tới, Thành Nam quê ở Thái Bình đang đối diện với khó khăn ngay khi đến với Thủ đô chuẩn bị nhập học. Nam được chị gái dẫn đi tìm phòng trọ, nhưng xung quanh trường các nhà cho thuê hầu như hết phòng. Những phòng còn trống giá đều rất cao, Nam chỉ ở 1 mình nêú thuê sẽ rất lãng phí.

“Em vốn không nghĩ việc tìm phòng trọ lại khó thế này, đi cả ngày, đến rất nhiều nhà nhưng đều công cốc, khiến em thấy rất áp lực. Khi nào chưa thuê được phòng thì trong lòng luôn cảm thấy lo lắng, cũng có lúc thấy chán nản. Phòng giá tầm 2 triệu quay lại thì rất cũ, ẩm thấp, không sạch sẽ, còn phòng thoáng mát hơn thì giá lại gần 4 triệu - hoàn toàn nằm ngoài tài chính của em. Em sẽ tìm sang khu xa trường hơn xem sao và cũng đành chấp nhận đi học xa tắc đường thì mới hy vọng có phòng giá rẻ được”, Nam chia sẻ.

Thời điểm này không chỉ có tân sinh viên nhập học mới có nhu cầu tìm phòng trọ, mà còn số lượng lớn sinh viên năm 2, năm 3 sau một thời gian dài học online tại nhà do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 tiếp tục quay trở lại Hà Nội để đi học trực tiếp.

Sinh viên ra trường mỗi năm đa số đều tiếp tục ở lại Thủ đô làm việc, còn cùng thời điểm đó hàng nghìn tân sinh viên đang tìm chỗ ở. Nhu cầu luôn gia tăng gấp nhiều lần, do đó nhiều chủ nhà không ngần ngại tăng giá lên mức bất hợp lý.

Căn phòng chừng 30m², bức tường cũ kỹ ẩm mốc, được đưa ra giá thuê 3,2 triệu đồng/tháng, tiền điện hàng tháng 4 nghìn đồng/số.

“Giờ tìm phòng trọ khó lắm, nếu không đặt cọc sớm là nay mai có người đến thuê liền. Giá cả leo thang nhu cầu lại nhiều nên giá nhà cho thuê tăng lên 5 - 7 trăm nghìn là chuyện hết sức bình thường và hợp lý thôi” - bà Hoa, chủ nhà cho thuê trọ nói.

Những căn phòng cũ kỹ, ẩm mốc cũng được cho thuê với giá rất cao

Năm 2021, Tuấn An (20 tuổi, Hà Tĩnh) thuê phòng trọ gần trường Đại học Thương Mại với giá 1,8 triệu đồng/tháng, sau do đại dịch Covid-19 căng thẳng nên nhà trường tổ chức học online. An quyết định trả phòng về quê đến khi nào đi học trực tiếp thì mới trở lại Hà Nội. Tháng 9 năm nay, An lại xách vali lên bắt đầu tìm trọ mới để tiếp tục cuộc sống sinh viên xa nhà, hỏi qua nhà trọ thuê năm ngoái thì hiện giờ đã không còn phòng trống nữa, giá cho thuê cũng đã tăng lên 2,5 triệu đồng/tháng. Lựa chọn ở tạm cùng bạn vài hôm trong thời gian chưa tìm được phòng mới, An cho biết hàng ngày luôn theo dõi không bỏ sót bài đăng nào tại các hội nhóm thuê trọ ở trên mạng, nhưng vẫn chưa tìm được phòng ưng ý.

“Các phòng gần trường giá đều trong khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng trở lên, tuy nhiên cũng đã cho thuê hết, chỉ còn những phòng xa hơn và diện tích bé hơn, không gian lộn xộn, thậm chí không có ô thoáng trong phòng, phải bật điện liên tục cả ngày với giá tiền điện cũng không rẻ, nhưng vẫn được cho thuê với giá trên trời”, An cho hay. 

Để việc tăng giá “hợp lý” hơn, nhiều chủ nhà đã sắm sửa thêm nội thất trong phòng như tủ lạnh mini, giường, tủ. So với lúc phòng trống không thì mức giá cho thuê sau khi có đồ cơ bản có thể cao lên 30% thậm chí 40%.

Đối với những gia đình ở nông thôn còn nhiều khó khăn, thu nhập vất vả, việc con em mình đỗ đại học vừa là niềm tự hào vừa mang theo nỗi lo canh cánh trong lòng. Các khoản chi phí sinh hoạt hàng tháng tại nơi Thủ đô đều rất đắt đỏ.

Hoài Thu (18 tuổi) ở Hoà Bình đã trải qua kỳ thi vô cùng căng thẳng và đạt được ước mơ trở thành tân sinh viên Học viện Ngoại thương. Vừa mừng vừa lo cho con, bà Nhàn (mẹ của Thu) tâm sự rằng, điều khiến bà lo lắng nhất là nơi ăn chốn ở của con, vì lần đầu tiên xa nhà tự lập, gia đình bà mong muốn con nhanh hoà nhập với môi trường mới và bắt đầu hành trình của mình.

“Tìm phòng trọ cho con mà thấy vất vả quá! Gia đình đã phải lo rất nhiều khoản phí đầu năm học cho con, giờ tiền phòng trọ cao quá tôi thật sự thấy khó có thể đáp ứng được. Dù còn phòng trống nhưng chủ nhà nhất định không giảm giá, giờ ở quê làm lụng dành ra hơn 2 triệu mỗi tháng để trả tiền thuê trọ chưa kể chi phí sinh hoạt ăn uống, đi lại… thì quả thực khó khăn. Nhưng vì tương lai của con, tôi cũng phải cố gắng thôi, hy vọng nhà trường và các cấp lãnh đạo sẽ có những cơ chế tạo điều kiện để cho sinh viên yên tâm học tập thuận lợi nhất, sớm điều chỉnh lại được thực trạng giá cả tăng quá cao như thế này”, bà Nhàn chia sẻ.

Với những gia đình có điều kiện hơn, phụ huynh lựa chọn mua nhà thay vì thuê. Bởi, sau khi tính toán cụ thể, để con mình có thể sống và sinh hoạt tốt ở Hà Nội thì mỗi tháng cần bỏ ra chi phí ít nhất khoảng 8 triệu, số tiền đó quá lãng phí. Nhiều phụ huynh quyết định mua chung cư mini với giá hơn 1 tỷ đồng, sau 4 năm học của con có thể cho thuê lại hoặc bán lại nếu giá hợp lý.

Như trường hợp của 2 anh em Hùng và Mạnh đều là sinh viên đang theo học đại học ở Hà Nội, sau khi tính bài toán lâu dài thay vì thuê trọ trả tiền hàng tháng gia đình đã quyết định mua chung cư mini để hai anh em có thể thoải mái sinh hoạt, hàng tháng gia đình lên thăm cũng có không gian để nghỉ ngơi.

Những giải pháp tối ưu được thực hiện

Nắm bắt thực trạng nhu cầu thuê trọ ngày càng tăng cao và để tiết kiệm tối đa chi phí, có nhiều nhóm trẻ đã đứng ra kết nối những người có nhu cầu thuê trọ giống mình để cùng nhau thuê nhà nguyên căn sau đó chia phòng ra ở. Rủ nhau ở ghép là phương án được đa số các bạn sinh viên lựa chọn để giảm thiểu tối đa chi phí sinh hoạt.

Bên cạnh đó, những căn nhà thiết kế theo mô hình giường ký túc xá đã được hình thành và nhanh chóng “full giường”. Mô hình này thiết kế rất hợp lý với ngân sách sinh viên mà vẫn đầy đủ tiện nghi.

Anh Tuấn Anh (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, anh cùng người bạn của mình bỏ vốn thuê lại nhà nguyên căn sau đó tu sửa, mua thêm đồ nội thất. Trong phòng ở, anh kê giường tầng, có che rèm mỗi giường để người ở có không gian riêng tư. Chi phí mỗi người ở là 1,5 triệu đồng/tháng, đã bao gồm tất cả phí sinh hoạt điện, nước - đây là mức chi trả hoàn toàn phù hợp đối với ngân sách của các bạn sinh viên.

Thuỳ Linh, sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền, người thuê trọ chia sẻ: “Em tình cờ biết đến nhà ở này, lúc đầu em nghĩ rằng sẽ khá bất tiện vì ở đông người nên dự định là ở tạm cho đến khi tìm được phòng ưng ý thôi. Nhưng sau 2 tháng ở đây em thấy mình vẫn có được không gian riêng tư, lại vừa có được mối quan hệ gắn kết vui vẻ với những người cùng phòng, đặc biệt chi phí hợp lý mà vẫn có đầy đủ điều hoà, nóng lạnh, mạng internet để sử dụng. Giờ giấc tại đây cũng rất thoải mái, không bị mặc định giờ đi về như ở ký túc xá sinh viên trong trường. Em mong sẽ có nhiều căn nhà như thế này nữa để hỗ trợ được nhiều sinh viên có nhu cầu, vì ở ngoài kia tìm nhà trọ khó quá”. 

Mô hình nhà ở giường ký túc xá nhanh chóng hết chỗ ngay sau khi hoàn thiện

Đối với công nhân, người lao động, họ có nhu cầu về nơi ở đơn giản hơn, chỉ cần sau một ngày dài làm việc tối về có nơi nằm ngả lưng. Từ nhu cầu đó, nhà trọ “tổ ong” đã xuất hiện tại các quận nội thành Hà Nội như Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa,…

Trong mỗi căn phòng rộng khoảng 20 - 25m² được chia thành 6 - 8 phòng nhỏ riêng biệt có diện tích khoảng 3 - 4m², xung quanh được ngăn cách bởi tấm gỗ ép. Bên trong được trang bị bóng điện, ổ cắm, thanh treo để đồ,… Các phòng nhỏ sẽ sử dụng chung điều hoà, nhà vệ sinh, nhà tắm, mỗi tầng chỉ có một khu vực chung, vấn đề này là một trong những điều bất tiện nhất đối với người thuê, vì vào buổi sáng hoặc tối ai cũng có nhu cầu tắm, giặt, vệ sinh cá nhân.

Khu nấu ăn cũng được sử dụng chung và có sẵn bếp, kệ để bát, bàn ngồi ăn và có tủ lạnh. Chi phí để thuê một căn phòng nhỏ này dao động từ 1,3 - 1,7 triệu đồng/tháng.

Phòng có cửa sổ, ô thoáng có giá cao hơn vài trăm ngàn đồng

H.T.Hoàn (22 tuổi, Cầu Giấy) chia sẻ: “Em là sinh viên mới ra trường, không có đủ khả năng tài chính để thuê phòng trọ rộng rãi nên đành ở đây, cả ngày đi làm em cũng chỉ cần một chỗ để ngủ vào buổi tối mà thôi”.

Hoàn cũng cho biết thêm, đa số người ở đây đều là người lao động từ các tỉnh lẻ, họ cũng đều đi làm hầu hết thời gian trong một ngày.

Vì sống trong không gian vừa chật chội vừa đông người, nên có rất nhiều bất tiện, ý thức của mỗi cá nhân là rất quan trọng. Nhiều người ra vào thường xuyên nên không gian ở đây rất ồn, tình trạng mất đồ, dùng chung đồ cũng rất dễ xảy ra.

“Em cố gắng đi làm chăm chỉ, có được nguồn thu nhập ổn định để có thể chuyển ra ngoài thuê một căn phòng rộng rãi, thoải mái hơn. Hiện giờ giá thuê trọ ở ngoài cũng cao quá nên em càng phải cố gắng nhiều hơn”, Hoàn chia sẻ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top