Một số chủ nhà trọ thực hiện giảm giá để khắc phục tình trạng trống phòng, song hoạt động kinh doanh chuyển biến tương đối chậm.
Nhộn nhịp sau dịp Tết
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, hầu hết trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trên địa bàn Thủ đô cho phép sinh viên trở lại trường học trực tiếp thay vì học trực tuyến. Kéo theo đó, thị trường nhà trọ cho thuê đã trở nên nhộn nhịp hơn ở những khu vực tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng.
Nguyễn Hiếu Nghĩa (quê Hưng Yên) sinh viên năm thứ 2 Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, em mới từ quê trở lại Hà Nội để học trực tiếp, có thuê được một căn phòng trọ rộng 13m2 khép kín, điều hòa và nóng lạnh đầy đủ tại ngõ 123 phố Kim Ngưu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) với giá 900.000 đồng/tháng (chưa tính tiền điện, nước, internet, vệ sinh).
“Cũng một căn phòng trọ như thế ở khu vực này vào năm 2020, khi nhập học năm thứ nhất, em phải trả tiền thuê gần 2 triệu đồng/tháng”, Nguyễn Hiếu Nghĩa nói.
Khảo sát thực tế trên thị trường, phân khúc nhà trọ cho thuê hiện được chia thành 2 nhóm: Nhà trọ giá rẻ và nhà trọ cao cấp. Trong đó nhóm nhà trọ giá rẻ mức thuê từ 900.000 - 2,5 triệu đồng/tháng, diện tích khoảng 10 - 20m2/căn. Tại một số khu vực tập trung đông hệ thống trường đào tạo như Cầu Giấy, Đống Đa... việc săn lùng dòng sản phẩm này thời điểm hiện tại không dễ dàng mà phải đi ra khu vực xa hơn như Hoàng Mai, Thanh Trì, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm.
"Nhà tôi có 6 phòng trọ cho thuê 1,5 triệu đồng/tháng, trước Tết còn 5 phòng trống nhưng giờ đã kín hết, một tuần nay ngày nào cũng có người đến hỏi thuê”, chị Trương Thu Thủy, chủ nhà trọ khu vực ngõ Giếng Chùa, phố Trần Bình (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay.
Đối với nhóm nhà trọ cao cấp, chung cư mini giá thuê từ 2,7 triệu đồng đến dưới 6 triệu đồng/tháng, diện tích 20 - 30m2/căn, việc tìm kiếm dễ dàng hơn nhưng lại “kén” khách, vì sinh viên và lao động tự do không nhiều người đủ khả năng chi trả mức thuê này.
“Tôi có 10 phòng trọ mới sử dụng được hơn một năm, đầy đủ tiện nghi, bố trí cả chỗ nấu ăn, gần trường Đại học Ngoại Thương, Đại học Luật, Đại học Giao thông Vận tải... đang báo giá trên “chợ sinh viên” (fanpage cho thuê phòng trọ sinh viên - PV) và thuê cả môi giới đăng tin giá từ 4 - 4,5 triệu đồng/tháng (chưa tính tiền điện, nước...) nhưng không nhiều người đến hỏi. Bên môi giới trao đổi lại là mức giá như vậy hơi cao nên khó cho thuê vào thời điểm này”, anh Ngô Mạnh Đạt, chủ nhà trọ phố Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.
Sẽ sớm khởi sắc trở lại
Theo đánh giá, đại dịch Covid-19 diễn biến kéo dài phức tạp hơn 2 năm qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường nhà trọ cho thuê, đặc biệt ở đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, do khách hàng của phân khúc này chủ yếu là nhóm người thu nhập thấp gồm sinh viên, lao động tự do. Trong các đợt giãn cách xã hội, phân khúc nhà trọ chứng kiến làn sóng trả phòng diễn ra với số lượng lớn, do sinh viên học trực tuyến, người lao động tự do cũng lựa chọn giải pháp “bỏ phố về quê” để tiết giảm chi phí.
Thời điểm hiện tại, hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường nhưng nhiều nhà hàng, quán ăn vẫn đóng cửa do thiếu vốn duy trì kinh doanh, một số ngành nghề dịch vụ chưa được mở cửa trở lại khiến lượng lao động tự do đổ về đô thị còn hạn chế. Trong khi đó, tại một số ký túc xá sinh viên, lượng sinh viên đăng ký nội trú sau Tết cũng ít hơn so với cùng thời điểm những năm trước, do một số trường vẫn tổ chức học trực tuyến.
“Từ ngày 7/2 đến nay, khu ký túc xá của trường chủ yếu đón nhận khối học sinh chuyên THPT, khối đại học rất ít, lượng sinh viên nội trú thời điểm này mới chỉ đạt khoảng trên 50% công suất” - đại diện Trung tâm Hỗ trợ sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội thông tin.
Qua tìm hiểu cho thấy, những khu vực tập trung đông nhà trọ cho người lao động tự do, sinh viên thuê, như: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai... tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 50 - 80%, giá thuê cũng giảm phổ biến từ 20 - 30%, một số khu vực xa các trường đào tạo ghi nhận giảm tối đa 50% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Đáng chú ý, nhiều chủ nhà trọ phải giảm giá tương đối sâu nhưng cũng không còn được kén khách như trước.
“Trước đây, tôi chỉ cho sinh viên hoặc vợ chồng trẻ thuê nhưng sau một thời gian dài trống phòng giờ tôi phải cho cả người chạy xe ôm, thợ hồ xây dựng... Trước chỉ 1 - 2 người/phòng, giờ có phòng từ 4 - 5 người cùng ở” - bà Lê Thị Gái, chủ nhà trọ ngõ 858 phố Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.
Mặc dù chưa thực sự phục hồi, nhưng theo Phó Giám đốc IP Land Trần Quốc Việt, phân khúc nhà trọ cho thuê được kỳ vọng sẽ sớm khởi sắc trở lại, vì hiện nay hầu hết hoạt động kinh tế - xã hội đã hoạt động bình thường sau khi Chính phủ đẩy nhanh chương trình phổ cập vắc-xin. Đặc biệt từ giữ tháng 3 tới đây, dự kiến Việt Nam mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế sẽ kéo theo sự phục hồi của hàng loạt ngành nghề dịch vụ, lực lượng lao động tư do, nông nhàn sẽ đổ về đô thị tìm kiếm việc làm, lúc đó nhu cầu về chỗ ở sẽ tăng nhanh.
“Tôi cho rằng, mô hình kinh doanh nhà trọ ở các đô thị sẽ không bị lỗi thời vì lực lượng lao động tự do và sinh viên đến tìm kế sinh nhai, học tập rất lớn nhưng không phải ai cũng có điều kiện để mua nhà mà buộc phải đi thuê. Khó khăn do dịch bệnh chỉ là ngắn hạn, dự báo đến giữa năm thị trường sẽ trở lại bình thường”, ông Trần Quốc Việt nhận định.
TP. Hà Nội hiện có trên 300.000 sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp nhưng hệ thống ký túc xá chỉ đáp ứng chưa đầy 20%, trên 80% sinh viên ngoại tỉnh đang phải thuê trọ trong khu dân cư. Chỉ tính riêng Đại học Quốc gia Hà Nội có tới 25.000 sinh viên, nhưng ký túc xá của trường mới đáp ứng được 4.000 chỗ ở, chiếm 12,5%.
"Phân khúc nhà trọ cho thuê mang đặc thù riêng, mặc dù thời điểm hiện nay gặp khó khăn nhưng về lâu dài mô hình này có rất nhiều lợi thế, vì rủi ro đầu tư thấp do nhà đầu tư kiểm soát được doanh thu, lợi nhuận với tính ổn định cao. Hơn nữa, việc vận hành không mất quá nhiều công sức hay chi phí tài chính và đầu tư phòng trọ cho thuê là một kênh rất tốt để nhà đầu tư tích lũy, gia tăng giá trị tài sản của mình."
- Chuyên gia tài chính Nguyễn Huy Thành