Người tiếp nối cơ nghiệp Quốc Cường Gia Lai

Người tiếp nối cơ nghiệp Quốc Cường Gia Lai

Diệu Phan
Diệu Phan phandieu.mtg@gmail.com
Thứ Năm, 15/08/2024 - 06:17

Từ hình ảnh "thiếu gia phố núi" gắn liền với siêu xe và người đẹp, doanh nhân Nguyễn Quốc Cường đã tách khỏi công ty của mẹ để tạo lập sự nghiệp riêng với thương hiệu C-Holdings. Tuy nhiên, biến cố của Quốc Cường Gia Lai một lần nữa buộc vị doanh nhân này phải trở lại điều hành thay mẹ.

Ngày 30/7/2024, Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) đã tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Quốc Cường được bổ nhiệm thay thế bà Nguyễn Thị Như Loan làm Tổng Giám đốc, kiêm người đại diện pháp luật Quốc Cường Gia Lai. Ông Nguyễn Quốc Cường cũng được đề cử làm Thành viên HĐQT công ty, nhiệm kỳ 2022-2027.

Lợi nhuận liên tục giảm sút dưới thời bà Nguyễn Thị Như Loan

Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai có tiền thân là Xí nghiệp Tư doanh Quốc Cường được thành lập năm 1994. Công ty hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, phát triển, kinh doanh bất động sản, thủy điện và trồng cây cao su.

Đến ngày 21/3/2007, Xí nghiệp Tư doanh Quốc Cường chính thức chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai với vốn điều lệ là 259 tỷ đồng. Từ thời điểm này, Quốc Cường Gia Lai được biết đến như một doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề, trong đó bất động sản vẫn là lĩnh vực chủ lực. Sau khi chuyển hướng sang bất động sản, Quốc Cường Gia Lai liên tục tăng vốn để đổ vào lĩnh vực này.

Ngày 27/10/2010, Quốc Cường Gia Lai chính thức niêm yết cổ phiếu lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với mã chứng khoán QCG. Doanh nghiệp cũng tăng vốn điều lệ lên hơn 1.215 tỷ đồng.

Những năm sau đó, Quốc Cường Gia Lai tiếp tục thực hiện các dự án bất động sản thuộc nhiều phân khúc khác nhau như dự án Central Premium (quận 8, TP.HCM); The Easter City (huyện Bình Chánh, TP.HCM); Quốc Cường Gia Lai 1 (quận 7, TP.HCM); Lavida Plus (quận 7, TP.HCM); De Capella (TP Thủ Đức)…

Người tiếp nối cơ nghiệp Quốc Cường Gia Lai- Ảnh 1.

Những năm gần đây, kết quả kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai liên tục giảm sút

Dưới thời lãnh đạo của bà Nguyễn Thị Như Loan, kết quả kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai suy giảm trong nhiều năm qua. Năm 2023, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận 432 tỷ đồng doanh thu, giảm 66% so với cùng kỳ 2022. Lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 3,2 tỷ đồng, tương đương 1/10 kết quả đạt được năm trước đó. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2023 âm gần 33 tỷ đồng, trong khi năm 2022 cũng âm hơn 121 tỷ đồng.

Công ty giải trình nguyên nhân lợi nhuận suy giảm là do thị trường bất động sản đối mặt nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý chưa được giải quyết. Nguồn vốn vào bất động sản bị thu hẹp, các khoản giải ngân cho khách hàng và doanh nghiệp còn rất hạn chế. Lãi suất ngân hàng tăng gây áp lực lớn cho khách hàng và doanh nghiệp. Với những yếu tố không thuận lợi trên, nhu cầu giao dịch bất động sản giảm kéo theo doanh thu và lợi nhuận giảm so với năm trước.

Quý 1/2024, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận gần 39 tỷ đồng doanh thu, giảm 77% so với cùng kỳ và lãi ròng chỉ đạt gần 1,4 tỷ đồng. Tại thời điểm ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Quốc Cường Gia Lai đạt 9.515 tỷ đồng.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này ghi nhận hơn 5.161 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó 4.300 tỷ đồng nằm ở mục vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này có hơn 7.033 tỷ đồng hàng tồn kho, trong đó hơn 6.525 tỷ đồng là bất động sản dở dang và hơn 465 tỷ đồng bất động sản hàng hóa.

Năm 2024, Ban lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai đặt mục tiêu tiếp tục hoàn thành điều chỉnh quy hoạch 1/500 dự án Marina Đà Nẵng và triển khai thủ tục, kịp bán hàng trong quý 4. Đồng thời, Công ty đưa vào khai thác 6 tầng thương mại dự án Giai Việt (quận 8, TP.HCM) vào quý 3/2024; tiếp tục khai thác mặt bằng khu thương mại tại các dự án.

Quốc Cường Gia Lai còn lên kế hoạch có nguồn thu từ mủ cao su; hoàn tất chuyển nhượng 3 nhà máy thủy điện; hoàn tất thoái vốn tại Công ty liên kết - Công ty cổ phần Quốc Cường Liên Á. Công ty cũng sẽ hoàn thiện pháp lý các dự án dở dang, có tính khả thi cao và chuyển nhượng hàng tồn kho tại các dự án.

Những dự án vướng "lùm xùm" gắn với cái tên Quốc Cường Gia Lai

Dưới thời lãnh đạo của Nguyễn Thị Như Loan, tên tuổi của Quốc Cường Gia Lai gắn với các dự án bất động sản vướng phải "lùm xùm", chuyển nhượng đất công với giá rẻ bèo. Dự án trực tiếp khiến Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai Nguyễn Thị Như Loan vướng vòng lao lý là dự án 39-39B Bến Vân Đồn thuộc quận 4, TP.HCM, diện tích 6.202 m2, có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước.

Khu đất này do Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam quản lý và hai doanh nghiệp này đã góp vốn để lập ra Công ty Phú Việt Tín để kinh doanh. Sau đó, Quốc Cường Gia Lai đã mua đứt khu đất do Công ty Phú Việt Tín làm chủ đầu tư, dù đây là đất công. Với thương vụ này, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã chuyển nhượng lại khu đất cho Quốc Cường Gia Lai, tức là đất công đã về tay tư nhân mà không qua đấu giá. Trước khi bị khởi tố, bà Nguyễn Thị Như Loan khẳng định dự án đủ pháp lý nên mới mua lại, còn việc có đấu giá hay không là do chính quyền và UBND TP.HCM quyết định.

Ngoài dự án trên, Quốc Cường Gia Lai còn từng vướng "lùm xùm" đối với vụ sai phạm chuyển nhượng 32 ha đất dự án Khu dân Phước Kiển, huyện Nhà Bè và dự án Khu dân cư Ven Sông, quận 7. Đây là 2 dự án của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận - doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, do Văn phòng Thành ủy TP.HCM làm chủ sở hữu.

Theo kết quả điều tra, lãnh đạo Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng đất công 32ha đất dự án Khu dân Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho Quốc Cường Gia Lai. Hợp đồng chuyển nhượng nêu: "Công ty Tân Thuận đồng ý bán và Công ty Quốc Cường Gia Lai đồng ý mua toàn bộ diện tích đất". Hợp đồng chuyển nhượng còn thể hiện diện tích đất chuyển nhượng là 423,971m2, giá chuyển nhượng 1,29 triệu đồng/m2. Tổng giá trị chuyển nhượng khu đất vào thời điểm đó là 419 tỷ đồng (1,29 triệu đồng/m2), nhưng giá trị thị trường được xác định khoảng 2.000 tỷ đồng. Sau vụ việc, ngành chức năng đã hủy hợp đồng chuyển nhượng và Công ty Quốc Cường Gia Lai đã trả lại đất.

Người tiếp nối cơ nghiệp Quốc Cường Gia Lai- Ảnh 2.

Dưới thời lãnh đạo của Nguyễn Thị Như Loan, tên tuổi của Quốc Cường Gia Lai gắn với các dự án bất động sản vướng phải "lùm xùm", chuyển nhượng đất công với giá rẻ bèo

Ngoài ra, trong quá trình xét xử đại án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan, Quốc Cường Gia Lai cũng có liên quan khi hội đồng xét xử xác định bà Trương Mỹ Lan dùng Công ty cổ phần đầu tư Sunny Island ký hợp đồng hứa mua, hứa bán dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển với Quốc Cường Gia Lai, giá là 14.800 tỷ đồng.

Phía bà Trương Mỹ Lan đã thanh toán cho Quốc Cường Gia Lai số tiền 2.882,8 tỷ đồng, song do Sunny Island vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên Quốc Cường Gia Lai chỉ đồng ý trả lại cho Sunny Island 1.444,1 tỷ đồng. Theo bản án hình sự sơ thẩm vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm, Hội đồng xét xử buộc Công ty Quốc Cường Gia Lai hoàn trả lại toàn bộ 2.883 tỷ đồng đã nhận từ bà Trương Mỹ Lan.

Hội đồng xét xử cũng kê biên 475 bất động sản liên quan đến Quốc Cường Gia Lai. Nếu Công ty Quốc Cường Gia Lai hoàn đủ 2.883 tỷ đồng sẽ được nhận lại toàn bộ các bất động sản cùng giấy tờ liên quan. Quốc Cường Gia Lai cho rằng, mình là bên "ngay tình" khi không biết dòng tiền thanh toán là từ bà Trương Mỹ Lan và phán quyết của Tòa án "gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Quốc Cường Gia Lai". 

Nhiều nghi ngại khi dân chơi Cường đô la trở thành doanh nhân Nguyễn Quốc Cường

Ông Nguyễn Quốc Cường hay còn gọi là "Cường đô la" sinh năm 1982, được giới thiệu có trình độ Cử nhân Quản trị Kinh doanh. Từ năm 2004 đến 2006, ông Cường làm Phó giám đốc Xí nghiệp Tư doanh Quốc Cường (tiền thân của Quốc Cường Gia Lai).

Năm 2006, ông Nguyễn Quốc Cường được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai và có mặt trong HĐQT 2 năm sau đó. Trong giai đoạn này, tên tuổi ông Cường được chú ý nhiều liên quan vấn đề đời tư hơn là sự nghiệp kinh doanh. Trong suốt nhiều năm, "thiếu gia phố núi" luôn khiến công chúng nhớ đến bởi cuộc sống giàu sang, luôn xuất hiện trên những siêu xe đắt tiền và người đẹp.

Đến tháng 11/2018, Quốc Cường Gia Lai bất ngờ công bố thông tin về việc miễn nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Quốc Cường. Công ty này cũng miễn nhiệm ông Nguyễn Quốc Cường khỏi chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT). Cả hai quyết định miễn nhiệm này đều dựa trên đơn từ nhiệm của chính ông Cường với lý do cá nhân. Ông rút khỏi công ty đúng thời điểm tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này không mấy khả quan.

Theo báo cáo tài chính của Quốc Cường Gia Lai, tính tới ngày 31/12/2023, bà Nguyễn Thị Như Loan sở hữu gần 102 triệu cổ phiếu QCG, tương đương tỷ lệ 37,05% vốn. Bà Nguyễn Ngọc Huyền My (con gái bà Loan) sở hữu gần 39,4 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 14,3% vốn. Cùng với đó, ông Lầu Đức Huy (con rể bà Loan) nắm hơn 10,5 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 3,8%.

Ông Nguyễn Quốc Cường (con trai bà Loan) chỉ nắm 537.500 cổ phiếu cùng một số thành viên khác có liên quan cũng sở hữu cổ phần QCG.

Người tiếp nối cơ nghiệp Quốc Cường Gia Lai- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Quốc Cường phát biểu tại lễ ra mắt thương hiệu C-Luxury và C-Construction (Ảnh: C-Holdings)

Từ năm 2018 đến nay, ông Cường là Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần C-Holdings. Ngoài Công ty trên, ông Cường còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần C-Construction; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần C-Luxury.

Khi Cường đô la ra riêng, rất nhiều sự nghi ngờ kiểu "nếu Cường đô la làm thương hiệu về ô tô hay làm gì đó phục vụ dân chơi thì sẽ có lợi thế". Còn làm bất động sản thì không biết cái tiếng dân chơi mà anh mang trước đây có thể khiến người ta lo ngại anh có nghiêm túc và quyết tâm lập nghiệp tạo dựng thương hiệu, hình ảnh mới trong lĩnh vực nhiều thử thách vậy không.

Từng bước khẳng định thương hiệu bằng sản phẩm thật bàn giao đến tay khách hàng

Tháng 9/2018, Công ty cổ phần Chánh Nghĩa Quốc Cường được thành lập, có địa chỉ trụ sở chính tại số 9 đường D5, khu dân cư Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương (trước thời gian từ nhiệm Quốc Cường Gia Lai 2 tháng). Giai đoạn mới thành lập, bà Nguyễn Thị Như Loan là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Công ty này.

Ban đầu, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 1.169 tỷ đồng. Trong đó, Quốc Cường Gia Lai sở hữu 74,68% vốn, phần còn lại của hai cá nhân. Sau 4 tháng thành lập Chánh Nghĩa Quốc Cường, Quốc Cường Gia Lai giảm tỷ lệ góp vốn xuống còn 30,84%. Vốn điều lệ của Chánh Nghĩa Quốc Cường cũng giảm xuống còn 428 tỷ đồng.

Đến tháng 2/2019, ông Nguyễn Quốc Cường trở thành người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc Chánh Nghĩa Quốc Cường. Ngày 21/8/2020, Chánh Nghĩa Quốc Cường chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần C-Holdings và có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê… Từ đây, cái tên doanh nhân Nguyễn Quốc Cường gắn liền với hình ảnh của C-Holdings.

Người tiếp nối cơ nghiệp Quốc Cường Gia Lai- Ảnh 4.
Người tiếp nối cơ nghiệp Quốc Cường Gia Lai- Ảnh 5.
Người tiếp nối cơ nghiệp Quốc Cường Gia Lai- Ảnh 6.

Dưới sự điều hành của ông Nguyễn Quốc Cường, C-Holdings ra đời và lớn mạnh, tạo tiếng vang tại thị trường bất động sản Bình Dương thời gian qua

4 tháng sau đổi tên, C-Holdings ra mắt dự án đầu tay mang tên C-Sky View tại trung tâm TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Dù là dự án đầu tay của doanh nhân Nguyễn Quốc Cường, song C-Sky View được đánh giá cao từ chất lượng công trình đến tiện ích nội khu. Tất cả trang thiết bị của căn hộ được chủ đầu tư bàn giao rất chỉn chu.

Đặc biệt, chỉ 6 tháng bàn giao nhà (cuối năm 2022), dự án C-Sky View của C-Holdings là một trong số ít dự án có tốc độ bàn giao sổ hồng nhanh cho cư dân. Việc bàn giao sổ hồng sớm là minh chứng cho uy tín, năng lực và sự cố gắng không ngừng của C-Holdings cũng như doanh nhân Nguyễn Quốc Cường. "Với các dự án của C-Holdings, khách hàng không phải lo lắng quá nhiều về tính pháp lý vì chúng tôi luôn hoàn chỉnh pháp lý đầy đủ trước khi mở bán", đại diện C-Holdings nhấn mạnh.

Người tiếp nối cơ nghiệp Quốc Cường Gia Lai- Ảnh 7.
Người tiếp nối cơ nghiệp Quốc Cường Gia Lai- Ảnh 8.

Thành công của dự án C-Sky View và The Maison giúp C-Holdings xây dựng nền móng vững chắc cho các dự án tiếp sau (Ảnh: C-Holdings)

Sau C-Skyview, The Maison (tên trước đây là C-River View) tiếp tục là một sản phẩm tâm huyết mà C-Holdings giới thiệu ra thị trường. The Maison có quy mô 1.165 căn hộ, 2 block, cao 29 tầng, tọa lạc trên khu đất có diện tích gần 8.600m2, tại đường Trần Phú, phường Chánh Nghĩa, tỉnh Bình Dương. Cũng như C-Sky View, The Maison được C-Holdings đầu tư kỹ lưỡng và trau chuốt từng chi tiết để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng. Dự án cũng có giá cả hợp lý, chất lượng và thiết kế tối ưu, sang trọng, độ an toàn và bảo mật cũng như tiện ích và dịch vụ đầy đủ, phương thức thanh toán ưu đãi. Dự án đã cất nóc vào ngày 20/4/2024, sớm hơn 2 tháng so với tiến độ cam kết.

"Phát triển C-Sky View hay The Maison, tôi không nghĩ nhiều về lợi nhuận mà thông qua dự án, tôi muốn chứng minh rằng, sản phẩm của tôi xứng đáng để khách hàng đặt niềm tin", doanh nhân Nguyễn Quốc Cường chia sẻ.

Tiếp đó, ngày 1/8, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã cấp phép xây dựng cho Khu chung cư Hạnh Phúc (tên thương mại là The Felix), tọa lạc tại phường Bình Hòa, thành phố Thuận An, do Công ty Cổ phần C-Holdings làm chủ đầu tư. The Felix có quy mô 1.206 căn với đa dạng loại hình sản phẩm: penthouse, shophouse, căn hộ và duplex với đầy đủ các tiện ích nội ngoại khu, đáp ứng đa dạng các nhu cầu của cư dân.

Trong giai đoạn 2023 – 2024, C-Holdings đặt mục tiêu sẽ khởi động động dự án tại cụm thấp tầng và 1.700 căn hộ tại Hồ Tràm; hơn 1.500 căn hộ tại Vũng Tàu (Long Cung Resort), sẵn sàng cung ứng ra thị trường hàng nghìn sản phẩm căn hộ vừa tầm nhưng nằm ở vị trí trung tâm với chất lượng cao cấp vượt trội, tiện ích đẳng cấp.

Dưới sự điều hành của ông Nguyễn Quốc Cường, C-Holdings từng bước tạo dựng uy tín tại thị trường bất động sản Bình Dương thời gian qua. Chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu của C-Holdings đã tạo dựng là hình ảnh khác hẳn với các dự án trước đây của Quốc Cường Gia Lai, dưới thời bà Nguyễn Thị Như Loan điều hành.

"Cường đô la" từ hình ảnh một "thiếu giá phố núi", "người thừa kế" giàu có, chịu chơi, gắn liền với siêu xe đang chứng tỏ mình là một doanh nhân thực sự, khi thoát khỏi "cái bóng" của mẹ để tạo lập sự nghiệp riêng. 

Quay lại với vai trò mới của ông Nguyễn Quốc Cường tại Quốc Cường Gia Lai, đây là thời điểm nhiều khó khăn của tập đoàn, do nhiều dự án đang vướng mắc pháp lý, theo tình trạng chung của thị trường. Điểm sáng trong bức tranh tổng thể của doanh nghiệp này là những quỹ đất có vị trí đắc địa và tỉ lệ nợ vay ngân hàng trên tổng tài sản khá thấp so với mặt bằng chung các doanh nghiệp cùng ngành. 

Liệu doanh nhân Nguyễn Quốc Cường có tạo nên sinh khí mới tại Quốc Cường Gia Lai như những gì ông đã minh chứng về uy tín, chất lượng tại các dự án của C-Holdings? Thử thách lớn này sẽ là câu chuyện cần nhiều thời gian để minh chứng.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Quốc Cường cho biết, ở C-Holdings, ông và cộng sự tập trung phát triển dự án trong lĩnh vực bất động sản nhà ở trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Mọi hoạt động đều tách biệt và có con đường, chiến lược phát triển riêng biệt. Trong quá trình phát triển công ty cũng không có mối liên hệ hay ràng buộc gì với Quốc Cường Gia Lai.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top