Aa

Người Việt “cuồng” bất động sản ngay cả trong cơn dịch corona

Thứ Ba, 11/02/2020 - 06:01

Hình ảnh những khách hàng đeo khẩu trang đi xem đất, giao dịch trong ngày ám ảnh bởi dịch Corona càng thấy, mức “cuồng” bất động sản của người Việt.

Thị trường bất động sản 10 năm qua đã trải qua giai đoạn chạm đáy và phát triển rực rỡ. Cũng 10 năm đấy, thị trường ghi nhận không ít những biến động. Nhưng có điều, độ “cuồng” bất động sản của người dân Việt vẫn chưa sụt giảm, dù thị trường bất chấp có những rủi ro.

Chỉ cần nhìn lại trong khoảng thời gian 3 năm trở lại đây, năm 2017 - 2019, thị trường bất động sản chứng kiến những hình ảnh người người, nhà nhà đi mua đất.

Cách đây 2 năm, giai đoạn cuối năm 2017, bước sang năm 2018, khi thông tin về 3 đặc khu kinh tế tương lai xuất hiện, cuộc dịch chuyển và đổ xô về “vùng đất hứa” xuất hiện. Dân đầu tư, môi giới đến cả những người chưa từng có kinh nghiệm buôn bán đất mà chỉ có tiền, hay cả những người độ can đảm thì thừa mà tiền thì thiếu vẫn tấp nập ra vào chốn đặc khu tương lai. Khoản tiền chênh lên tới 9 con số chỉ sau 1 đêm hay ít ngày đã khiến ngay cả người dân tại chính nơi đó cũng phải tham gia buôn đất.

Cò đất vác tiền đi mua đất. (Ảnh: VTC News)

Cơn sốt đặc khu chưa chấm dứt hoàn toàn thì cơn sốt đất nền tỉnh lẻ lại bùng nổ. Câu chuyện mà báo chí đăng tải là hình ảnh cò (Thừa Thiên - Huế) ôm bao tải tiền đi mua đất, là môi giới kiếm tiền tỷ đến ngất ở Vân Đồn (Quảng Ninh).

Thời điểm đó, chân lý “chỉ có kinh doanh bất động sản mới giàu” đã tạo ra hình ảnh, người người, nhà nhà đi buôn đất. Thiếu thì vay ngân hàng. Phải làm liều thì mới có quả lớn. Chỉ có con người sinh ra mà đất không thể nở ra nên chắc chắn sẽ chẳng mất giá. Đó là suy nghĩ gần như “bất di bất dịch” tại thời điểm đó của những người quyết làm giàu từ bất động sản.

Đến năm 2019, dù thị trường xảy ra nhiều biến cố nhưng cơn sốt đất vẫn bùng nổ vào giai đoạn đầu năm. Thị trường năm qua dù có trầm lắng, có sự chuyển dịch nhẹ nhàng hơn nhưng tâm lý sính đất của người dân vẫn chưa thay đổi. Chỉ cần nhìn vào con số lừa hơn 6.700 khách hàng, với số tiền thiệt hại lên tới 2.500 tỷ đồng chỉ bằng dự án đất nền ma mà Công ty Alibaba thực hiện trong 3 năm trôi qua càng cho thấy, người Việt lại mê đất nền đến thế nào.

Công ty Alibaba đã lừa hơn 6.700 khách hàng bị lừa với số tiền thiệt hại lên tới 2.500 tỷ đồng chỉ bằng dự án đất nền ma.

Bởi tâm lý chỉ có thể làm giàu từ đất nền mà họ sẵn sàng không cần nhìn thực tế mảnh đất đó, bỏ qua (hay không biết bỏ qua) hệ thống pháp lý của dự án đấy. Đến nỗi, một dự án ma được bán đi đổi lại tới chục lần.

Cuối năm 2019, thị trường ghi nhận thương vụ phá vỡ cam kết lợi nhuận của Cocobay. Sự việc vỡ lở ra, càng ầm ĩ khi ngay cả ông chủ của một tập đoàn xúc xích sẵn sàng bỏ ra 600 tỷ đồng để đầu tư.

Bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia về rủi ro trên thị trường, sẵn sàng bỏ qua yêu cầu tiên quyết về an toàn trong đầu tư, hay ngay cả khi thị trường đang trầm lắng, xu hướng đầu tư vào bất động sản vẫn không giảm. Bởi càng ngày, người ta càng tin rằng bất động sản là kênh đầu tư tốt nhất.

Thứ nhất, trải qua cả giai đoạn trầm lắng của thị trường đến khi khởi sắc, bất động sản đang chứng minh một điều vẫn là kênh đầu tư “hái ra tiền” khi không ít những người giàu lên nhờ đón đúng sóng. Hơn nữa, chu kỳ của thị trường bất động sản đang cho thấy, dù có chạm đáy sâu thì đến một ngày, thị trường vẫn lên.

Thứ hai, tâm lý chỉ có con người sinh ra mà đất không nở, nên các nhà đầu tư cho rằng, bất động sản đặc biệt là đất nền, cứ đầu tư là không bao giờ lỗ và vấn đề quan trọng là thời gian đợi chờ.

Thứ ba, những hình ảnh các tỷ phú giàu lên nhờ bất động sản và không ít người Việt lướt sóng thành công nhờ kinh doanh trong lĩnh vực này khiến xu hướng đổ vào kinh doanh bất động sản không có dấu hiệu ngừng. Có chăng, đó là hoạt động “án binh bất động”, thăm dò thị trường.

Thế nên, chẳng ngoa khi cho rằng, dẫu thị trường có chạm đáy thì người Việt vẫn nhất quyết phải có trong tay “một mảnh đất cắm dùi”.

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top