Savills nhận thấy, quý cuối năm nay sẽ có gần 16.000 căn hộ chung cư được tung ra thị trường. Trong đó, số căn hộ chung cư chủ yếu là phân khúc hạng B; phân khúc cao cấp cũng sẽ có khoảng 3.000 căn được tung ra thị trường. Đây là điểm khác biệt so với các năm, khi phân khúc hạng A được chào bán ra thị trường nhiều hơn.
Chuyên gia từ CBRE cũng dự báo quý cuối 2019 và năm 2020, nguồn cung căn hộ sẽ tăng trưởng trở lại. Bởi nhiều dự án sẽ được đưa ra thị trường sau một thời gian tạm ngưng. Cùng với nguồn cung mới chào bán ra thị trường tăng thì giá bán cũng tăng.
Song ghi nhận thực tế cho thấy, suốt từ đầu năm đến nay, thị trường nhà giá rẻ Hà Nội và TP.HCM vô cùng hiu hắt. Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, phân khúc nhà ở giá trung bình thấp ở Việt Nam chiếm tới 80% cầu về nhà ở nhưng nguồn cung lại khan hiếm.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội cho biết: “Đến nay, phân khúc căn hộ bình dân đang đứng đầu về lượt tìm kiếm ở Hà Nội. Tỷ trọng tìm kiếm căn hộ bình dân ở Hà Nội dao động từ 45 - 46%, người tìm kiếm quan tâm nhiều nhất tới căn hộ 60 - 70m2, giá thấp hơn 20 triệu đồng/m2”.
Ghi nhận thực tế cũng cho thấy, tầm 5 năm trước, Hà Nội vẫn xuất hiện những dự án thương mại giá rẻ có khoảng giá từ 13 - 15 triệu đồng/m2, thì khoảng 3 năm gần đây, mức giá này chỉ còn xuất hiện ở một số rất ít dự án nhà ở xã hội. Những dự án thương mại được quảng cáo là giá rẻ hiện nay có giá dao động từ 17 - 20 triệu đồng/m2. Biến động giá của phân khúc bình dân cũng được thể hiện rõ trên hàng triệu lượt tin rao trong 3 năm qua.
Nguồn cung mới khan hiếm lại hiện diện ở những vị trí không thuận lợi, trong khi nhu cầu thị trường cao nên khoảng 1 năm gần đây, thay vì chọn mua các dự án giá rẻ mới, một bộ phận không nhỏ khách hàng có xu hướng tìm mua nhà giá rẻ dự án cũ có vị trí gần trung tâm hơn.
Ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai nhận định: “Đa số doanh nghiệp không mặn mà làm nhà ở xã hội vì dù được hỗ trợ nhiều về đất và vốn nhưng rào cản xây dựng 20% để lại cho thuê trong 5 năm là vấn đề lớn”.
Ông Sơn phân tích, mỗi doanh nghiệp đều muốn làm dự án để quyết toán nhanh, đặc biệt là với các công ty cổ phần.
Về vốn trung hạn thì các ngân hàng không muốn tài trợ các dự án như vậy vì sau 5 năm mới quyết toán được, lợi nhuận chỉ có 10%.
Khi xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp phải tính toán rất kỹ các vấn đề công nghệ, vật liệu xây dựng và có trình độ quản lý thật tốt vì chi phí phải tiết kiệm để cho ra giá thành sản phẩm hợp lý.
“Khảo sát một số địa phương, chúng tôi thấy họ đều có nhu cầu làm nhà ở xã hội cho công nhân, cho khu công nghiệp. Tuy nhiên, nếu có đất thì chúng tôi mong muốn làm nhà ở thương mại, giá bán khoảng 12 - 13 triệu đồng/m2 với tiện ích đầy đủ. Câu chuyện để có giá nhà tốt thì cơ chế là vấn đề quan trọng, cơ chế tạo ra nhưng chưa chắc đã phù hợp với thị trường. Ví dụ như quy định quỹ nhà 5 năm cho thuê nhưng thực tế không biết cho thuê thế nào? Với mức giá ra sao vì khi khấu hao tính ra chi phí, lãi vay thì không thể đủ, không quyết toán được”, ông Sơn chia sẻ.
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nhận định: “Nguồn cung nhà ở giá rẻ đang thiếu. Phân khúc nhà có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 rất thiếu, nguồn cung nhà ở xã hội thì lại “dậm chân tại chỗ", trong khi nguồn cung nhà khoảng hơn 1 tỷ đồng/căn thì nhiều hơn”.
Giải pháp cho câu chuyện này, ông Khởi cho rằng, phải nhanh chóng rà soát lại các dự án. Đối với các doanh nghiệp, cần xác định đây là cơ hội để cơ cấu lại sản phẩm, điều chỉnh lại thiết kế căn hộ để phù hợp với nhu cầu.
“Ở góc độ Bộ Xây dựng, Bộ luôn đề xuất khuyến khích doanh nghiệp. Chúng tôi nghiên cứu đề xuất có ưu đãi cho loại nhà ở thương mại giá thấp để thúc đẩy nguồn cung. Tôi cho rằng đây là yếu tố cần thiết để thúc đẩy thị trường. Về phía doanh nghiệp, đây là thời điểm cần thay đổi cơ cấu sản phẩm. Nếu doanh nghiệp phát triển theo hướng này, tôi tin là ra đến đâu hết hàng đến đó”, ông Khởi cho biết thêm.