Vấn đề về nhà ở xã hội đã được đề cập rất nhiều, nhưng đến nay vẫn là một bài toán không dễ tìm ra lời giải. Ngoài việc doanh nghiệp không mặn mà tham gia vì lợi nhuận thấp, thì nguồn tài chính hỗ trợ thiếu là một trong những nguyên nhân chính khiến nguồn cung nhà ở xã hội khan hiếm. Trong khi đó, các cơ quan chức năng đang lúng túng trong việc sử dụng nguồn tiền đầu tư cho nhà ở xã hội.
Cụ thể, theo báo cáo mới đây của Sở Xây dựng TP.HCM, từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 41 dự án nhà ở xã hội với quy mô lên tới 41.414 căn hộ, tổng diện tích đất hơn 133ha được phê duyệt. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 14 dự án với số lượng 8.419 căn hộ được nhà đầu tư hoàn thành; 9 dự án đang trong giai đoạn xây dựng với quy mô 7.581 căn hộ và còn đến 18 dự án, quy mô lên đến 25.414 căn hộ đang trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư.
Ngoài ra, trong 5 năm qua, thành phố đã cấp chủ trương đầu tư cho 35 dự án nhà ở thương mại, các dự án này đều dành 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có 4 dự án hoàn thành phần xây dựng với quy mô 4.967 căn hộ, 1 dự án với quy mô 1.210 căn hộ đang được hoàn thành.
Những dự án còn lại, một số bị vướng khâu giải phóng mặt bằng hoặc vướng phần diện tích đất công cộng trong dự án, một số thì bị chủ đầu tư ngó lơ. Hiện nay, không có chế tài nào buộc chủ dự án phải triển khai làm nhà ở xã hội trước khi làm nhà ở thương mại.
Cũng trong thời gian này, TP.HCM đã cấp phép cho 243 dự án nhà ở thương mại, mỗi dự án có diện tích dưới 10ha. Các dự án này đều thực hiện nghĩa vụ dành quỹ đất làm nhà ở xã hội bằng cách nộp 20% tiền sử dụng đất vào Quỹ phát triển nhà ở thành phố. Tuy nhiên, số tiền rất lớn này lâu nay đang bị nằm “bất động” trong Quỹ, chưa được đầu tư lại cho việc phát triển nhà ở xã hội, bởi chưa được Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng hướng dẫn quy chế quản lý sử dụng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 20/2/2019, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 2017/BTC-QLCS gửi Bộ Xây dựng để xin ý kiến về khoản thu tương đương giá trị quỹ đất 20% mà chủ đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Tại văn bản trả lời số 426/BXD-QLN ngày 7/3/2019, Bộ Xây dựng cho rằng, đây là nguồn thu từ tiền sử dụng đất vào ngân sách địa phương dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn. Do đó, đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, hướng dẫn việc thu và quản lý, sử dụng khoản kinh phí này theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Phát, đại diện một doanh nghiệp chuyên đầu tư dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM kiến nghị, nên sử dụng nguồn tiền này để giải quyết vấn đề vốn vay ưu đãi cho người mua. Bởi đây là khoản tiền rất lớn do quỹ phát triển nhà ở các địa phương quản lý dành cho nhà ở xã hội, nên cần tạo cơ chế để công nhân, người thu nhập thấp được vay dài hạn.
Đồng thời, ngoài việc tăng nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc gói vốn từ Chính phủ, các địa phương cần dành khoản tiền phần trăm được Chính phủ cho phép trích lại khi tiến hành đấu giá đất công để hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội. Bởi nếu Nhà nước không có cơ chế hỗ trợ về vốn và lãi vay, công nhân và người thu nhập thấp sẽ khó có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội.
Để phát triển nhanh quỹ nhà ở xã hội tại TP.HCM những năm tới, ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, cần đa dạng hóa sản phẩm để bán, cho thuê, thuê mua. Trong đó, cần phát triển loại hình nhà ở xã hội có diện tích từ 25 - 35 m2 để cho thuê; sản phẩm có diện tích từ 25 - 77m2 để bán, cho thuê, thuê mua với giá trị từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/căn để phù hợp với khả năng của nhiều đối tượng.
Vế vốn, giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM cần đến 21.834 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội, trong đó 90% là vốn tự có của doanh nghiệp hoặc vốn doanh nghiệp đi vay ngân hàng, nên cần có chính sách ưu đãi nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án nhà ở xã hội.