Aa

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài “tạo lực” cho tăng trưởng kinh tế

Chủ Nhật, 02/02/2025 - 09:20

Tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các doanh nghiệp, đối tác, nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất thế giới.

Trong bối cảnh đầu tư thế giới đều suy giảm, Việt Nam lại "ngược dòng" trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các doanh nghiệp, đối tác, nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới.

Những kết quả này tiếp nối thành tựu nổi bật của hành trình gần 40 năm thu hút FDI theo đường lối đổi mới của Đảng, nguồn vốn FDI được coi là động lực “tạo lực” cho tăng trưởng kinh tế.

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài “tạo lực” cho tăng trưởng kinh tế- Ảnh 1.

Hoạt động sản xuất tại Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toyoda Gosei Hải Phòng, Khu công nghiệp Tiền Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Những thành tựu nổi bật

Thực hiện đường lối đổi mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế.

Trước tình hình mới với những yêu cầu và đòi hỏi mới; đặc biệt đối với chất lượng của dòng vốn đầu tư nước ngoài, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đầu tư vào nước ta; quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách Nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Hiện nay, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không chỉ là một trụ cột quan trọng cho sự phát triển kinh tế mà còn là động lực thúc đẩy cải cách, đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Đặc biệt, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không chỉ góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đa dạng hóa cơ cấu sản xuất, mà còn tạo sự lan tỏa về công nghệ, kinh nghiệm quản lý hiện đại, góp phần đưa Việt Nam tham gia nhiều công đoạn của chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài “tạo lực” cho tăng trưởng kinh tế- Ảnh 2.

Khu công nghiệp VSIP 2 mở rộng tại xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Theo đó, năm 2024, thu hút vốn FDI đạt gần 38,23 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; với vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay.

Dù tổng vốn đăng ký giảm nhẹ 3%, sự gia tăng đáng kể ở vốn điều chỉnh (tăng 50,4%) và số lượng dự án mới (tăng 1,8%) trong năm 2024 cho thấy niềm tin mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài khi tình hình chính trị, kinh tế-xã hội của Việt Nam ổn định. Những dự án lớn trong lĩnh vực bán dẫn, năng lượng và công nghệ cao đã được triển khai, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước với khoảng 20,49 tỷ USD và tiếp tục là bệ đỡ quan trọng cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024. Khu vực này cũng xuất siêu gần 49,2 tỷ USD nếu tính cả dầu thô và 47,5 tỷ USD không kể dầu thô, giúp bù đắp phần nhập siêu hơn 25,4 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, đưa cả nước đạt mức xuất siêu 23,8 tỷ USD.

“Những đóng góp của khu vực FDI cũng đã tạo ra những nền tảng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy kinh tế đối ngoại, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam trong nhiều năm vừa qua,” Giáo sư-Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho hay một bước tiến quan trọng trong chiến lược thu hút vốn FDI của Việt Nam; đó là thay vì chỉ tập trung vào số lượng, Việt Nam đang hướng tới thu hút những dòng vốn FDI chất lượng cao, xuất phát từ các công ty đa quốc gia thuộc top 500 và những nền kinh tế phát triển.

“Điều này cho thấy sự thay đổi trong tư duy chiến lược, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 50 khi mục tiêu phát triển bền vững và ổn định được đặt lên hàng đầu. Đây là minh chứng cho cam kết của Việt Nam trong việc sàng lọc và lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, công nghệ tiên tiến, đồng thời có khả năng đóng góp vào tăng trưởng dài hạn và bảo vệ môi trường,” Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Mặc dù, khu vực FDI có nhiều đóng góp đối với nền kinh tế Việt Nam nhưng các chuyên gia kinh tế vẫn nhấn mạnh về những hạn chế trong thu hút FDI.

Theo Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Mại, xét về lợi ích - một tiêu chí quan trọng trong hoạt động đầu tư FDI, Việt Nam vẫn bị thua thiệt vì nhà đầu tư nước ngoài chuyển về quốc gia của họ “những khoản lợi nhuận khổng lồ.”

Về công nghệ và quản trị, Việt Nam vẫn chưa thực sự thu được nhiều kỹ năng quản trị và gần như chưa nhận được tác động chuyển giao công nghệ từ các dự án FDI.

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài “tạo lực” cho tăng trưởng kinh tế- Ảnh 3.

Năm 2024, thu hút vốn FDI đạt gần 38,23 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Hiện nay, có khoảng 68,5% các doanh nghiệp FDI đánh giá Việt Nam có thuận lợi hơn về địa điểm đầu tư so với những quốc gia khác mà doanh nghiệp cân nhắc đầu tư như các vấn đề chi phí và chất lượng lao động, thuế và khả năng ứng phó của Chính phủ Việt Nam đối với các tình thế khẩn cấp được cho là tích cực hơn các quốc gia khác.

“Đầu tư nước ngoài trong tình hình mới còn nhiều vấn đề cần giải quyết; đặc biệt, liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước còn yếu, thiếu gắn kết, chưa thúc đẩy chuyển giao công nghệ và cải thiện vị trí của nước ta trong các chuỗi giá trị toàn cầu…,” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Nắm bắt cơ hội và thời cơ

Sức mạnh của kinh tế Việt Nam đã thể hiện qua các chỉ số kinh tế vĩ mô được kiểm soát và Việt Nam ngày càng khẳng định, củng cố vai trò quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. Năm 2025 sẽ là thời điểm để các nhà đầu tư nước ngoài nắm bắt cơ hội, triển khai các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) công nghệ cao tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho biết Việt Nam đã và đang thu hút được những luồng vốn FDI một cách có chất lượng. Thực hiện chiến lược thu hút FDI trong giai đoạn mới, Việt Nam đặt mục tiêu không chỉ thu về số lượng và hướng đến FDI chất lượng từ các công ty đa quốc gia nằm trong top 500, từ những nước phát triển.

Các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý, để đón đầu các dự án FDI thế hệ mới, các khu công nghiệp cần chú trọng phát triển môi trường xanh, quan tâm đến ESG (đo lường tính bền vững và trách nhiệm của doanh nghiệp về môi trường, xã hội và quản trị), giảm phát thải carbon… Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra là việc phát triển khu công nghiệp xanh, hạ tầng xanh không chỉ để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường mà còn trở thành lợi thế cạnh tranh.

Các nhà đầu tư nhìn thấy rõ Việt Nam có những động thái hết sức cụ thể trong việc chuẩn bị, sẵn sàng thu hút các dự án của các nhà đầu tư. Các điều kiện cơ bản như đất đai, năng lượng, nguồn nhân lực đã có rất nhiều đổi mới trong năm 2024, nhất là nguồn nhân lực có sự đào tạo 50.000 kỹ sư, người lao động chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ và chip bán dẫn.

“Khi tham gia các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, rõ ràng Việt Nam đã cải thiện được vị thế trên trường quốc tế trong công tác đối ngoại, sẽ là tiền đề cơ bản để tham gia vào các chuỗi trong kinh tế và sản xuất kinh doanh,” Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương nhận định.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh thu hút FDI, Việt Nam cần có một chiến lược rõ ràng hơn trong việc thu hút FDI; đặc biệt, cần sàng lọc các dự án FDI. Ví dụ như yêu cầu các doanh nghiệp FDI đầu tư vào việc phát triển chuỗi cung ứng nội địa, tạo cơ hội cho các công ty Việt Nam tham gia vào quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ. Cùng với đó, các địa phương yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải xây dựng nhà máy, tuyển dụng lao động địa phương và tham gia vào chuỗi cung ứng nội địa. Chỉ khi doanh nghiệp tuân thủ các điều kiện này, họ mới được hưởng các ưu đãi.

Theo dự báo, thu hút FDI toàn cầu năm 2025 còn nhiều thách thức; đặc biệt là các chính sách giữ chân các nhà đầu tư của các quốc gia lớn. Điều này cũng đòi hỏi Việt Nam phải tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các rào cản về thủ tục hành chính và phát triển hạ tầng để thu hút dòng vốn đầy tiềm năng này, đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top