Sau rà soát, cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị giảm hơn 3.000 tỷ đồng
Văn bản do ông Nguyễn Công Trưởng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ký gửi Chính phủ cho biết, tháng 2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung tuyến cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị dài 43km vào dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và giao UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Sau khi tiếp nhận dự án từ nhà đầu tư cũ (VEC), nhà đầu tư mới đã rà soát, tính toán phân kỳ đầu tư tiết giảm được hơn 3.000 tỷ đồng (từ 8.743 tỷ đồng xuống còn 5.675 tỷ đồng) để ưu tiên đầu tư đoạn kết nối từ cửa khẩu Hữu Nghị đến cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam (bổ sung thêm đoạn từ Hữu Nghị - Tân Thanh dài 17,5km) làm tăng hiệu quả của dự án.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Cao Bằng, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài 115km, điểm đầu tại nút giao đường nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam (Lạng Sơn), điểm cuối tại ngã ba đường vào khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh và TL205 (tỉnh Cao Bằng). Tuyến đường được thiết kế theo quy mô đường cao tốc 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80km/h, trên tuyến sẽ xây dựng 6 hầm xuyên núi (dài 2.550m), 18 cầu… tổng vốn đầu tư khoảng 20.939 tỷ đồng. Dự án sẽ được phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1 thực hiện từ 2019 - 2022 thực hiện trước từ Tân Thanh (Lạng Sơn) đến TP Cao Bằng dài khoảng 80km (TMĐT: 10.000 tỷ đồng), giai đoạn 2 đầu tư sau năm 2022.
Đến ngày 15/10, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành quyết định phê duyệt bổ sung đoạn Hữu Nghị - Tân Thanh vào dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và ký phụ lục hợp đồng BOT với nhà đầu tư đáp ứng các yêu cầu của ngân hàng tài trợ vốn. Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn đã cơ bản hoàn thành xong công tác kiểm đếm phê duyệt phương án bồi thường GPMB và nhà đầu tư đã sử dụng vốn chủ sở hữu hơn 300 tỷ đồng để phục vụ chi trả GPMB.
Theo ông Trưởng, tại Thông báo 395 ngày 15/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo giải quyết các vướng mắc tín dụng của nhà đầu tư, đảm bảo một đầu mối thu xếp vốn để khẩn trương thực hiện đoạn cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, bao gồm 17,5km đoạn kết nối đến các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam. Mục tiêu là hoàn thành và đưa vào khai thác toàn tuyến đường cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu nghị Quan vào năm 2020… nhằm kết nối với tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Tuy nhiên, đến nay, công tác thu xếp vốn tín dụng cho dự án vẫn chưa hoàn thành, dẫn đến nguy cơ không hoàn thành dự án cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị vào năm 2020 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội hóa XIV.
Để đảm bảo tiến độ dự án, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo ngân hàng tài trợ vốn hoàn thành việc thu xếp vốn tín dụng cho dự án Chi Lăng - Hữu Nghị (bao gồm đoạn 17,5km kết nối đến các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam) trong tháng 12/2018 theo đúng chỉ đạo tại Thông báo 395 ngày 15/10 của Văn phòng Chính phủ.
Đường Chi Lăng - Hữu Nghị quyết định cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Bên cạnh kiến nghị tháo nút thắt về nguồn vốn tín dụng cho tuyến cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị - Tân Thanh, trong văn bản gửi đến Chính phủ, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng thống nhất với UBND tỉnh Cao Bằng về phương án đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng). “UBND tỉnh Lạng Sơn cam kết thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh Lạng Sơn theo quy định và phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng để giải quyết các công việc liên quan trong quá trình đầu tư và khai thác dự án”, ông Trưởng cho biết.
Cũng liên quan đến tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, tại buổi làm việc với tỉnh Cao Bằng mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương đầu tư tuyến cao tốc này theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng mức đầu tư khoảng 20.939 tỷ đồng. Dự án sẽ được phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1 thực hiện từ 2019 - 2022 thực hiện trước từ Tân Thanh (Lạng Sơn) đến TP Cao Bằng dài khoảng 80km, tổng mức đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng A2Z (đơn vị tư vấn được tỉnh Cao Bằng mời tham gia nghiên cứu dự án) cho biết, theo quy hoạch trước đây, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được nghiên cứu đài 144km (TMĐT: 47.000 tỷ đồng). Sau khi tham gia nghiên cứu dự án, tư vấn A2Z đã rà soát và tối ưu phương án tuyến bằng cách điều chỉnh hướng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh kết nối với tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng kéo dài đến hai cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam để phát huy hiệu quả kết nối các cửa khẩu của hai tỉnh Cao Bằng - Lạng Sơn.
“Dự án được nghiên cứu áp dụng các công trình hầm xuyên núi, cầu cạn vượt địa hình, qua đó giảm 29km chiều dài tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh từ 144km xuống 115km, kéo giảm tổng mức đầu tư từ 47.000 tỷ đồng xuống khoảng 20.939 tỷ đồng”, ông Dũng nói và cho biết, các thông số về chiều dài và tổng mức đầu tư của dự án mới chỉ dựa trên tính toán sơ bộ, số liệu chính xác sẽ được thể hiện trong bước nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi.
Ông Dũng cho biết thêm, để đảm bảo dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh triển khai xây dựng từ năm 2019 và hoàn thành vào năm 2022 sẽ phụ thuộc rất lớn vào tiến độ triển khai tuyến cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị - cửa khẩu Tân Thanh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
“Nếu tuyến Chi Lăng - Hữu Nghị không hoàn thành vào năm 2020 và tuyến Hữu Nghị - Tân Thanh không xong vào năm 2021 sẽ không thể đảm bảo tiến độ đầu tư đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh hoàn thành vào năm 2022”, ông Dũng khẳng định.
Sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh Trả lời Báo Giao thông về việc một số phương tiện truyền thông đăng tải thông tin Tập đoàn Đèo Cả được UBND tỉnh Cao Bằng lựa chọn làm nhà đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, ông Vũ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Hữu Nghị - Chi Lăng nói: “Thông tin đó chưa chính xác. Hiện nay, chúng tôi được tỉnh Cao Bằng mời tham gia vào Ban chỉ đạo dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh với vai trò là nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu dự án, không phải được chỉ định làm nhà đầu tư. Theo đề xuất của tỉnh Cao Bằng, sau khi dự án được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành đấu thầu trong nước để lựa chọn nhà đầu tư cho dự án”. |