Nhà đầu tư căn hộ tìm cách đẩy hàng
Khu vực Thành phố Thủ Đức hiện nay mặt bằng giá bán vẫn neo rất cao từ sau cơn sốt thành lập thành phố mới. Tuy nhiên, kể từ sau khi đại dịch bùng phát đợt mới đây và kéo dài tình trạng giãn cách xã hội, trên các trang rao bán bất động sản hay các sàn giao dịch bắt đầu có những nhà đầu tư đăng thông tin bán chung cư hay nhà phố dự án với mức giá giảm nhiều hơn so với đầu năm.
Anh Nguyễn Hoàng - nhân viên môi giới chuyên các sản phẩm nhà phố dự án khu vực Cát Lái - cho biết, trước đây, mức giá cho một căn nhà phố thuộc các dự án ở khu vực này như Phố Đông Village, Khu dân cư Kiến Á… có mức giá bán vào khoảng 9 - 10 tỷ đồng một căn có diện tích 100m2. Đây là mức giá đã tăng khoảng 40% so với thời điểm bắt đầu có thông tin thành lập Thành phố Thủ Đức và hầu như không có ai bán. Tuy nhiên, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, anh bắt đầu nhận được thông tin gửi bán sản phẩm với mức giá giảm khoảng 400 - 500 triệu đồng một căn tuỳ vị trí.
Nhiều nhà đầu tư căn hộ cũng đang tìm cách đẩy hàng để giảm áp lực tài chính, nhất là tại các dự án chủ đầu tư chuẩn bị bàn giao nhà. Anh Cường là một nhà đầu tư chuyên các dự án chung cư ở khu vực Thành phố Thủ Đức giáp ranh với Bình Dương cho biết, hiện nay, một số dự án anh đầu tư đang trong giai đoạn phải nhận nhà. Tính đến hiện tại, anh đã thanh toán cho chủ đầu tư 70% giá trị căn hộ và chỉ còn khoảng 25% nữa là nhận bàn giao nhà. Tuy nhiên, anh chỉ còn cách bán non căn hộ này để thu hồi vốn vì tài chính cạn kiệt.
Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư chọn tham gia phân khúc cao cấp cũng đang thật sự cảm thấy ngộp thở trong bối cảnh dòng tài chính không thể xoay vòng như trước đây. Một nhà đầu tư căn hộ cao cấp cho biết, ông đầu tư một số căn hộ cao cấp khu vực quận 2 trước đây để cho chuyên gia người nước ngoài thuê từ năm 2018. Sau khi dịch liên tiếp bùng phát, các chuyên gia liên tiếp trả nhà vì công việc.
Nguồn thu từ cho thuê nhà sụt giảm mạnh, trong khi đó chi phí lãi vay không giảm khiến gánh nặng tài chính ngày càng lớn. Chính vì vậy, nhà đầu tư này đang phải rao bán một số căn hộ, có căn phải bán bằng giá mua vào để thu hồi vốn, tuy nhiên, bán mãi không tìm được khách.
Nhà ở sẽ là phân khúc sôi động nhất
Các chuyên gia bất động sản cho hay, có nhiều lý do khiến chủ nhà phải bán cắt lỗ căn hộ nhưng nhiều nhất vẫn là không đủ tài chính để tiếp tục duy trì thanh toán cho chủ đầu tư. Nhiều người kẹt tiền hoặc không muốn vay ngân hàng sẽ phải chấp nhận bán hòa vốn, thậm chí chịu lỗ. Với một khoản đầu tư mà bỏ ra hơn cả tỷ trong 1 - 2 năm mà không thu được đồng lời nào thì rõ ràng chính là đầu tư lỗ vốn.
Giai đoạn 6 tháng cuối năm nếu thị trường hồi phục, bất động sản nhà ở sẽ là phân khúc sôi động nhất vì nhu cầu thực về nhà ở vẫn là nhu cầu bức thiết của người dân. Song, mức độ hấp thụ của thị trường sẽ không cao bằng những năm trước đây vì người dân mua nhà để ở thường phải sử dụng một phần vốn vay ngân hàng như là vốn chủ sở hữu. Với tình hình hiện tại, khi nhiều người bị hạn chế về thu nhập, mất việc hoặc giảm lương, không có nhiều nguồn tích lũy, sức mua trên thị trường sẽ khiêm tốn hơn so với các năm trước, chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở có giá trị vừa phải tại các đô thị lớn trên toàn quốc.