Aa

Bất động sản 24h: Nhà đầu tư bất động sản ven đô Hà Nội ôm hận

Chủ Nhật, 18/09/2022 - 10:23

Nhà đầu tư bất động sản ven đô Hà Nội ôm hận; Chung cư mini giá rẻ, người mua nên cẩn trọng... là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Nhà đầu tư bất động sản ven đô Hà Nội ôm hận

Mấy năm trở lại đây, tình trạng sốt đất, thổi giá diễn ra ở nhiều khu vực ăn theo dự án quy hoạch. Thậm chí, chỉ trong thời gian ngắn giá bất động sản đã bị đẩy gấp 2 lần, theo đó không ít nhà đầu tư phải ôm hận khi mua đúng đỉnh.

Thời gian qua, thị trường bất động sản ven Hà Nội liên tục xảy ra các cơn sốt đất ảo. Theo đó, nhiều khu vực giá đất tăng mạnh, thậm chí có nơi đã tăng gấp 2 - 3 lần chỉ so với trước năm 2020.

Tuy nhiên, khi các cơn sốt đất qua đi là lúc thị trường bất động sản chững lại, khiến cho nhiều nhà đầu tư tay ngang chôn vốn và buộc phải cắt lỗ hàng trăm triệu đồng một lô đất.

Đơn cử như giá đất tại nhiều khu vực từng là điểm nóng hồi cuối năm 2021 giờ đã hạ nhiệt, mức giá chững lại. Cụ thể, các lô đất thổ cư Hòa Lạc, giá đất vẫn dao động 10 - 20 triệu đồng/m². Giá khu vực Đồng Mô, Yên Bài (huyện Ba Vì) giá khoảng 6-9 triệu đồng/m² nhưng có diện tích lớn, tương đương giá trị 5 - 10 tỷ đồng/lô.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Chung cư mini giá rẻ, người mua nên cẩn trọng

Dù có mức giá rẻ dưới 1 tỷ đồng và được nhiều người chọn mua, nhưng chung cư mini cũng có rất nhiều nhược điểm và hạn chế mà người mua nên cẩn trọng.

Chung cư mini có nhiều hạn chế, khách hàng nên cẩn trọng

Trên thực tế, nhiều người từng mua căn hộ mini đã phải sống khổ sở vì các tiện ích của dự án không giống như quảng cáo và rất nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười khác. 

Chị Lê Minh Nguyệt (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, cuối năm 2020 chị mua một căn hộ chung cư mini trên đường Xã Đàn, dự án này dù có giá rất rẻ, nhưng chỉ có 1 tầng để xe ở dưới. Ban đầu, khi người dân chưa về ở kín, khu vực tầng 1 này luôn khá rộng rãi, thông thoáng. Nhưng hơn nửa năm sau, khi toàn bộ cư dân chuyển về đây ở đã có hiện tượng quá tải và không có chỗ để xe máy. Do đó, chủ dự án yêu cầu mỗi nhà chỉ được để tối đa 2 xe, nếu có xe thứ 3 phải gửi ở nơi khác.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ứng phó biến đổi khí hậu với thiết kế mới về thành phố nổi chống lũ

Công ty kiến trúc BIG và Sammo cách đây không lâu đã có "cú bắt tay vàng" cùng công ty công nghệ Oceanix khi công bố dự án thiết kế và xây dựng nên một thành phố nổi có khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu.

Được UN-Habitat (cơ quan đồng phát triển dự án cùng chính quyền thành phố Busan, Hàn Quốc) gọi là “thành phố nổi nguyên mẫu đầu tiên trên thế giới”, Oceanix Busan được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình điển hình cho các thành phố ven biển đang phải đối mặt với những mối đe dọa từ lũ lụt và mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu. 

Oceanix Busan sẽ “mở đường” cho sự lấn sân của phát triển đô thị ra đại dương với môi trường sống của cư dân được xây dựng trên các giàn nổi bền vững, có khả năng đàn hồi và chống lũ lụt. 

Dự án bao gồm các khu vực lân cận được kết nối với nhau. Ban đầu có 3 đảo nhỏ với sức chứa lên đến 12.000 người, nhưng với tiềm năng phát triển thì hoàn toàn có thể mở rộng lên hơn 20 đảo nhỏ trong tương lai.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Người nước ngoài sở hữu bất động sản nhiều nhất tại khu vực nào?

Theo Bộ Xây dựng, kể từ khi thực hiện Luật Nhà ở 2014 đến nay, trên phạm vi cả nước có 2.863 tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Tại Luật Nhà ở năm 2014 và văn bản hướng dẫn thi hành có quy định cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại không thuộc khu vực cần bảo đảm an ninh quốc phòng đã thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung, phù hợp với thông lệ quốc tế, thu hút dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam.

Dẫn báo cáo của các địa phương, Bộ Xây dựng cho biết, kể từ khi thực hiện Luật Nhà ở 2014 đến nay, trên phạm vi cả nước có 2.863 tổ chức, cá nhân nước ngoài (trong đó có 253 tổ chức, 2.610 cá nhân) đã mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội (1.709), TP.HCM (780), Bình Dương (202), Bắc Ninh (96), Bà Rịa - Vũng Tàu (41), Đà Nẵng (12),...

Xem thông tin chi tiết tại đây

Phiên họp lần thứ nhất Ban soạn thảo, tổ biên tập Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

Sáng 16/9, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Phiên họp lần thứ nhất Ban soạn thảo, tổ biên tập Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chủ trì Phiên họp.

Tham dự phiên họp có đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Xây dựng, các địa phương và các Bộ, ngành liên quan.

Báo cáo tóm tắt 2 dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Phiên họp, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Bùi Xuân Dũng cho biết: Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có 13 Chương với 234 Điều. Trong đó, một số chính sách cần sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới có liên quan đến các nội dung như: Sở hữu nhà ở; chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; phát triển nhà ở; chính sách nhà ở xã hội; tài chính cho phát triển nhà ở; chính sách chung về quản lý, sử dụng nhà ở; quản lý, sử dụng nhà chung cư và quản lý Nhà nước về nhà ở tại Việt Nam…

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top