Aa

Ứng phó biến đổi khí hậu với thiết kế mới về thành phố nổi chống lũ

Hà Trang
Hà Trang changha1605@gmail.com
Thứ Bảy, 17/09/2022 - 06:33

Công ty kiến trúc BIG và Sammo cách đây không lâu đã có "cú bắt tay vàng" cùng công ty công nghệ Oceanix khi công bố dự án thiết kế và xây dựng nên một thành phố nổi có khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu.

Được UN-Habitat (cơ quan đồng phát triển dự án cùng chính quyền thành phố Busan, Hàn Quốc) gọi là “thành phố nổi nguyên mẫu đầu tiên trên thế giới”, Oceanix Busan được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình điển hình cho các thành phố ven biển đang phải đối mặt với những mối đe dọa từ lũ lụt và mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu. 

Oceanix Busan là dự án phát triển thành phố nổi đầu tiên ở Hàn Quốc.

Oceanix Busan sẽ “mở đường” cho sự lấn sân của phát triển đô thị ra đại dương với môi trường sống của cư dân được xây dựng trên các giàn nổi bền vững, có khả năng đàn hồi và chống lũ lụt. 

Dự án bao gồm các khu vực lân cận được kết nối với nhau. Ban đầu có 3 đảo nhỏ với sức chứa lên đến 12.000 người, nhưng với tiềm năng phát triển thì hoàn toàn có thể mở rộng lên hơn 20 đảo nhỏ trong tương lai.

Oceanix, BIG và các đối tác của họ đã thiết kế dự án theo địa điểm cụ thể ở Busan, đồng thời mô phỏng các đặc điểm của thành phố để tăng thêm sự hòa hợp với kiến ​​trúc và văn hóa địa phương.

Thành phố được hình thành sẽ dựa trên kết cấu giàn nổi bền vững cùng với những tòa nhà thấp tầng.

"Với việc thiết kế giải pháp nhà ở cho các địa điểm có vị trí địa lý ven biển dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, các khu dân cư với cấu trúc mô-đun mới như Oceanix sẽ là nguyên mẫu cho các cộng đồng bền vững được kết hợp độc đáo giữa cái cũ và cái mới của Busan", Bjarke Ingels - người sáng lập và giám đốc sáng tạo của BIG cho biết.

Mỗi khu phố rộng khoảng từ 30.000 - 40.000m2 sẽ được sử dụng cho nhiều mục đích hoặc cũng có thể thiết kế để phục vụ riêng biệt cho một mục đích cụ thể. Sẽ có khu vực sinh sống, khu vực nghiên cứu và khu vực dành riêng cho du khách nghỉ chân khi ghé thăm.

Kiến trúc thành phố sẽ là sự kết hợp hài hòa giữa những nét đặc trưng cũ và mới của Busan.

Cư dân sinh sống ở thành phố nổi có sự lựa chọn nhà ở đa dạng, thông thường sẽ ưu tiên khả năng di chuyển tới các cửa hàng mua bán và nơi cung cấp thực phẩm địa phương.

Khu nghiên cứu sẽ là trung tâm hàng hải, với các việc làm gắn liền với phát triển kinh tế xanh. Khu vực du lịch sẽ có chỗ ở sinh thái, dịch vụ cung cấp thực phẩm hữu cơ và các tiện nghi khác cho du khách đến thành phố nổi.

Các đảo nổi được kết nối với nhau bằng những cây cầu. Được biết, dự án xây dựng thành phố sẽ tập trung vào các tòa nhà thấp tầng để chịu được sức gió. Bên cạnh đó, thiết kế sân thượng làm nơi giao thoa giữa cuộc sống trong nhà và ngoài trời, đi kèm với đó là các khu vườn lớn, nhà kính để trồng thực phẩm và phần nào kiểm soát sự ảnh hưởng của nhiệt độ môi trường.

Khu dân cư sẽ bao gồm những con hẻm nhỏ nhưng tấp nập các hoạt động mua sắm và ăn uống.

Thành phố nổi được thiết kế có cả các khu vực riêng để giải trí hay biểu diễn nghệ thuật. Bên cạnh đó là những nơi dành riêng cho sản xuất năng lượng sạch với các tấm quang điện và nhà kính để trồng thực phẩm.

Oceanix Busan được thiết kế để tự tạo ra 100% năng lượng hoạt động cần thiết và có các hệ thống riêng biệt tự xử lý nước, tái chế và phát triển nông nghiệp đô thị.

Dự án sẽ được đặt tại Cảng Bắc Busan và giai đoạn đầu khai thác xây dựng trên diện tích 6,3ha. Công trình dự kiến khởi công vào năm 2023. 

Mỗi khu phố sẽ tự cung tự cấp lương thực từ chính các dự án nông nghiệp đô thị của riêng mình.

UN-Habitat, cơ quan của Liên hợp quốc về phát triển khu dân cư và đô thị bền vững ước tính, 90% siêu đô thị trên toàn thế giới dễ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng, điều này sẽ làm trầm trọng thêm áp lực hiện có đối với nguồn cung nhà ở.

Thành phố nổi chống lũ để bảo vệ người dân khỏi tác động của mực nước biển dâng.

Giám đốc điều hành UN-Habitat Maimunah Mohd Sharif cho biết: “Chúng ta không thể giải quyết vấn đề của ngày hôm nay bằng các công cụ của ngày hôm qua. Cần đổi mới các giải pháp cho những thách thức toàn cầu. Tuy nhiên, trong những nỗ lực đổi mới này, chúng ta hãy hòa nhập và bình đẳng, đảm bảo rằng không bỏ sót ai cũng như không ai bị bỏ lại phía sau"./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top