Aa

Nhà đầu tư cấp tập đến, Việt Nam sẵn sàng đón chờ

Thứ Sáu, 27/09/2024 - 10:48

Việt Nam đang chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để có thể đón các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI).

Nhà đầu tư cấp tập đến, Việt Nam sẵn sàng đón chờ- Ảnh 1.

Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử của Foxconn tại Bắc Ninh. Ảnh: Đức Thanh

Cấp tập nhà đầu tư tìm đến

Trong vòng chưa đến 1 tuần, liên tiếp có tới 3 địa phương tổ chức hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư năm 2024 là Bắc Ninh, Đồng Nai và Bình Dương. Không nằm ngoài dự đoán, nhiều dự án của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đã được trao chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư hoặc thỏa thuận đầu tư. Điều này là dễ hiểu bởi đây đều là những địa phương đi đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài những năm qua.

Chẳng hạn, tại Bắc Ninh, đã có 18 dự án được trao chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư và biên bản ghi nhớ (MOU) trong dịp này, với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 5,6 tỷ USD. Trong đó, có nhiều dự án quy mô lớn như Dự án Nhà máy FCPV Foxconn Bắc Ninh của Tập đoàn Foxconn, vốn đầu tư 383,3 triệu USD; Dự án Nhà máy Chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện Goertek Nam Sơn - Hạp Lĩnh, vốn đầu tư 280 triệu USD; Dự án bảng mạch in (PCB) công nghệ chính xác cao Victory Giant Việt Nam, vốn đầu tư 260 triệu USD; hay Dự án tăng vốn thêm 1,07 tỷ USD của Tập đoàn Amkor…

Đáng chú ý, Công ty cổ phần Đầu tư Công đoàn Ngân hàng Công thương (thuộc Công ty Phú Mỹ Hưng) đã nhận chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị sinh thái Hồng Hạc - Xuân Lâm, thị xã Thuận Thành, vốn đầu tư 1,066 tỷ USD (gồm vốn tăng thêm 998 triệu USD); Công ty Samsung Display ký MOU phát triển Dự án  Samsung Display 1,8 tỷ USD; còn AEON ký MOU về Dự án AEON MALL 190 triệu USD.

“Với dự án đầu tư lần này, ngoài sản phẩm OLED dành cho điện thoại di động (đang sản xuất), Samsung sẽ triển khai dây chuyền sản xuất sản phẩm OLED dành cho thiết bị IT, ô tô . Đây là các mặt hàng được dự đoán sẽ chiếm khoảng 30% thị phần toàn cầu trong 5 năm tới”, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết như vậy trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ ngay sau đó.

Cũng theo ông Choi Joo Ho, với kế hoạch trên, doanh thu của Samsung Display dự kiến từ 17 tỷ USD trong năm nay tăng lên gấp đôi sau 5 năm. Cũng với kế hoạch này, Samsung Display đã tăng vốn đầu tư lên tới 8,3 tỷ USD và trở thành cứ điểm sản xuất các loại màn hình lớn nhất trên toàn cầu của Samsung.

Trong khi đó, ông Gary Tseng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng rất vui mừng khi nhận chủ trương đầu tư dự án hơn 1 tỷ USD ở Bắc Ninh, sau một thời gian dài tập trung đầu tư ở khu vực phía Nam.

Không chỉ Bắc Ninh, nhiều dự án ở Đồng Nai cũng được trao chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư với quy mô 6 tỷ USD. Bình Dương cũng đón nhận nhiều dự án.

Trong khi đó, Thái Bình vừa đón Tập đoàn Geely Auto và Công ty cổ phần Tasco đến tìm kiếm cơ hội đầu tư. Liên danh này dự định phát triển một nhà máy chuyên sản xuất, lắp ráp ô tô với tổng mức đầu tư gần 170 triệu USD tại Khu công nghiệp Tiền Hải.

Cùng thời điểm, ở bên kia bán cầu, nhân dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 và làm việc tại New York (Hoa Kỳ), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn và quỹ đầu tư lớn của Hoa Kỳ, như Apple, Meta, Super Micro, Blackstone, Warburg Pincus… Các tập đoàn này đều khẳng định mối quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Việt Nam sẵn sàng đón chờ

Nhà đầu tư nước ngoài đang cấp tập tìm đến, đó là một thông tin tích cực. Nhưng liệu Việt Nam có thể đón nhận và hiện thực hóa các cơ hội này, nhất là trong thu hút đầu tư các doanh nghiệp đầu đàn về chip, bán dẫn?

Chia sẻ tại Phiên Đối thoại chính sách của Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực cải thiện thể chế, chính sách, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về đất đai, nguồn nhân lực, năng lượng… để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Theo Phó chủ tịch Apple Nick Ammann, Việt Nam không chỉ là “thị trường tuyệt vời” đối với Tập đoàn, mà còn là một “cứ điểm sản xuất” của Apple để cung cấp hàng hóa cho thế giới. Các dự án của Goertek, Foxconn ở Bắc Ninh cũng đều sản xuất linh phụ kiện cho Apple.

Cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, các cơ chế, chính sách này sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ mới, như bán dẫn, hydrogen xanh…

“Chính phủ cũng vừa ban hành hai quyết định quan trọng là Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Đề án Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công nghiệp bán dẫn. Đây là hai quyết định mang tính then chốt để chúng ta bước sang giai đoạn mới, thúc đẩy sự chuyển đổi nền kinh tế mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Hai văn bản quan trọng trên sẽ là tiền đề để Việt Nam có thể thu hút mạnh mẽ hơn nữa vào các lĩnh vực công nghệ tiên phong, như bán dẫn và AI - những lĩnh vực mà Việt Nam xác định sẽ tạo đột phá cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Tại Phiên Đối thoại chính sách, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cũng cho biết một thông tin quan trọng. Đó là thời gian qua, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Viễn thông sửa đổi. Trong luật này, lần đầu tiên, dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây được đưa vào, vừa để quản lý, nhưng chủ yếu là để xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển, thu hút các nhà đầu tư đối với các trung tâm dữ liệu lớn, rất lớn.

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, trong Luật Viễn thông sửa đổi có 2 điểm mấu chốt, đó là các nhà đầu tư nước ngoài không bị giới hạn về tỷ lệ góp vốn khi tham gia đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu và quan trọng, các trung tâm dữ liệu cũng không phải bị cấp phép, thay vào đó là thực hiện nguyên tắc hậu kiểm, để đảm bảo các quy định, tiêu chuẩn xanh, tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm an toàn, an ninh mạng…

Phát biểu tại Phiên Đối thoại chính sách, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam rằng, nguồn lực đầu tư nước ngoài là “quan trọng và đột phá”. Theo Thủ tướng, để thu hút đầu tư nước ngoài, phải quan tâm 3 yếu tố: thể chế thông thoáng; hạ tầng thuận tiện, thông suốt; phải đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao có các ngành mới nổi như chip bán dẫn, hydrogen, AI, điện toán đám mây…

Tại Phiên Đối thoại chính sách, Thủ tướng Chính phủ cũng đã cam kết, Việt Nam bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự. “Tôi tin Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn hiện nay và tương lai”, người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh như vậy./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top