Nếu không nắm được thông tin, người dân, nhà đầu tư không nên chạy theo “cơn sốt” mà đổ xô đi đầu cơ, trữ đất, dễ chịu rủi ro lớn...
Dù Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội chỉ mới giao nhiệm vụ lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư cầu Trần Hưng Đạo và chưa chính thức được duyệt nhưng giá đất nền tại khu vực quận Long Biên đã tăng "nóng."
Hàng loạt tin rao bán nhà đất ăn theo thông tin quy hoạch tại khu vực này đã khiến thị trường dậy sóng.
Theo khảo sát thực tế của PV cũng như trên các website và hội nhóm rao bán nhà đất, lượng tin rao bán nhà ở khu vực đường Hồng Tiến, Cổ Linh có sự gia tăng mạnh. Điển hình là một lô đất thổ cư có "sổ đỏ" rộng 473m2 (mặt tiền 20m) ở mặt phố Hồng Tiến đang được rao bán với giá 97 tỉ đồng (tương đương 205 triệu đồng/m2). Người bán mời chào, ô đất nằm ở mặt phố mới, tương lai đẹp nhất quận Long Biên vì ngay điểm giao với đường dẫn lên cầu Trần Hưng Đạo.
Tình trạng này thường xuyên xảy ra mỗi khi các địa phương có quy hoạch mới và từng để lại rất nhiều hệ lụy tiêu cực. Tuy nhiên, những "trái đắng" thu được sau sốt đất vẫn không giúp các nhà đầu tư tỉnh táo khi nhập cuộc đua. Bởi vậy, các chuyên gia vẫn đưa ra cảnh báo, nhà đầu tư bất động sản cần cân nhắc khi "đón sóng" hạ tầng.
Chia sẻ với Lao Động, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cao cấp Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội - cho biết, việc có thêm một cây cầu nữa sẽ thúc đẩy thêm quá trình di dân, đồng thời hỗ trợ giao thông từ các khu vực khác, đặc biệt là khu vực nội đô. Qua các bước thẩm định, phê duyệt, thực tế là cầu còn cần thời gian để xây dựng. "Do đó, tại thời điểm hiện nay, mức độ ảnh hưởng của thông tin này đang chưa rõ nét hoặc nếu có cũng cần tùy thuộc vào tiến độ thực hiện của dự án" - bà Hằng nói.
Cũng theo bà Hằng, khi cầu xây dựng xong, diện mạo đô thị khu vực phía Đông, nhất là khu lân cận sẽ khang trang, đẹp mắt hơn. Từ đó, gia tăng sức hấp dẫn dịch chuyển của người dân khu vực nội đô sang khu vực này cũng như thu hút thêm nguồn cầu từ các tỉnh tiếp cận Hà Nội từ phía đông.
"Việc đón sóng đầu tư thường được các nhà đầu tư tính đến khi xuất hiện công trình hạ tầng quan trọng. Nhưng việc ra quyết định vào thời điểm nào còn tùy thuộc vào kỳ vọng cũng như tiềm lực tài chính của mỗi nhà đầu tư trong tương quan cạnh tranh với các khu vực khác cũng như tiến độ triển khai, xây dựng cầu trên nền mặt bằng giá bất động sản đã điều chỉnh tăng thời gian gần đây" - vị chuyên gia Savills khuyến cáo.
Trong khi đó, một số chuyên gia bất động sản khuyến cáo rằng, khi đưa ra quyết định đầu tư cho bất kỳ bất động sản nào, các nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ lưỡng về khả năng tài chính của mình, liệu họ có thể nắm giữ bất động sản đó hay không, thay vì đầu tư theo lối đặt cược.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - cho rằng, giá cả thị trường được quyết định bởi 3 quy luật: Quy luật giá trị, quy luật cung-cầu và quy luật cạnh tranh. Đối với giá cả thực tế còn chịu sự tác động của tiện ích, dịch vụ, trong đó có hạ tầng giao thông.
Khi xác định "đón sóng" hạ tầng, nhà đầu tư cần chú trọng tính chuẩn xác của thông tin, xác định là đầu tư dài hạn và không phải dự án nào cũng đúng tiến độ. Nếu không nắm được thông tin, người dân, nhà đầu tư không nên chạy theo “cơn sốt” mà đổ xô đi đầu cơ, trữ đất, dễ chịu rủi ro lớn, ông Châu khuyến cáo.