Báo cáo chiến lược tháng 10/2023 của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI vừa công bố nhận định, dòng vốn ETF (quỹ hoán đổi danh mục) dù vẫn tiếp tục trong trạng thái rút ròng, nhưng tốc độ cho thấy chậm lại trong nửa cuối tháng 9/2023.
Theo SSI, dòng tiền vào các quỹ ETF có sự phân hóa trong tháng 9, khi rút mạnh trong nửa đầu tháng và một số quỹ ghi nhận sự cân bằng trở lại trong nửa cuối tháng.
Xét về thị trường, nhóm quỹ có tỷ trọng lớn từ nhà đầu tư châu Á như Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, ghi nhận mức rút ròng chậm lại so với tháng 8 hay thậm chí vào ròng nhẹ đối với nhóm quỹ từ Hàn Quốc.
Cụ thể, một số quỹ ghi nhận vào ròng trong tháng 9 đến từ Hàn Quốc như KIM KINDEX (+105 tỷ đồng), Global X MSCI Vietnam (+34,8 tỷ đồng) hay MA VNDIAMOND (+22,2 tỷ). Trong khi đó, VFM VN30 rút ròng 45 tỷ đồng và Fubon (-574 tỷ đồng) cũng thu hẹp tốc độ rút ròng nhờ dòng vốn quay trở lại trong nửa cuối tháng 9.
Ngược lại, nhóm quỹ đến từ thị trường Mỹ chịu áp lực rút vốn lớn hơn với quỹ iShares MSCI FM ETF, khi bị rút 709 tỷ đồng.
Tính chung trong tháng 9/2023, 18 quỹ ETF đầu tư vào thị trường Việt Nam đã bị rút ròng 1.978 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, giá trị dòng vốn đã giảm mạnh về chỉ còn 298 tỷ đồng, trong đó đóng góp tích cực chủ yếu đến từ hai quỹ VanEck (+2.100 tỷ đồng) và Xtrackers FTSE Vietnam (+1.269 tỷ đồng).
Về phía các quỹ đầu tư chủ động lại có phần thận trọng hơn. Theo SSI, dòng vốn từ các quỹ chủ động đầu tư vào Việt Nam rút ròng 710 tỷ đồng trong tháng 9, chiếm khoảng 0,5% tổng tài sản quỹ. Tính trong 9 tháng đầu năm, dòng tiền từ các quỹ chủ động vẫn ghi nhận vào ròng khoảng 3.200 tỷ đồng.
Thống kê của SSI cho thấy, dòng tiền chủ động có sự phân hóa trong tháng 9. Trong đó, một số quỹ từ Châu Á ghi nhận vào ròng nhẹ, tập trung trong nửa cuối tháng 9.
Báo cáo chiến lược quý IV/2023 mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cũng cho thấy, dù khối ngoại vẫn duy trì đà bán ròng, song hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận tăng trở lại, đạt mức cao nhất trong năm.
Theo KIS, hoạt động mua từ nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu giảm sau khi đạt đỉnh cao nhất trong 3 năm vào quý IV/2022, nhưng đã có sự phục hồi trong quý III/2023. Từ quý IV/2022 đến quý II/2023, giá trị mua giảm 47%. Tuy nhiên, giá trị mua trong quý III/2023 chỉ thấp hơn 10% so với mức đỉnh. Cùng với sự gia tăng của hoạt động mua, áp lực bán cũng tăng lên, song giá trị bán trong quý III/2023 thấp hơn 12% so với mức đỉnh 3 năm.
Ngay trong tuần đầu tháng 10/2023, dòng vốn ETF tại Đông Nam Á tiếp tục ghi nhận hoạt động rút ròng, song áp lực rút vốn đã giảm đáng kể trên các quỹ ETF chủ đạo tại Việt Nam. Tuần này thị trường ghi nhận vào ròng khoảng 7 triệu USD, đóng góp chủ yếu bởi lực cầu trên Fubon FTSE Vietnam.
Triển vọng tích cực trong trung - dài hạn
Trước những biến động gần đây của dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán, các chuyên gia của KIS Việt Nam dự báo, lực cầu trên các ETF chủ đạo tại Việt Nam có thể tiếp tục giảm trong những tháng cuối của năm 2023, nhưng áp lực rút vốn sẽ không ở mức cao.
SSI cũng cho rằng, dòng tiền từ các quỹ chủ động thường có xu hướng dài hạn và do vậy phụ thuộc nhiều vào định giá và triển vọng của thị trường. Tuy nhiên, rủi ro cũng cao hơn trong trường hợp tăng trưởng không đạt như kỳ vọng.
Kết quả kinh doanh quý III/2023 sắp công bố sẽ là mốc quan trọng để có các quỹ chủ động có những đánh giá về kết quả hoạt động của doanh nghiệp niêm yết sau các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Về dài hạn, định giá của thị trường vẫn ở mức hấp dẫn và sẽ kích hoạt dòng tiền giải ngân.
Thực tế, trong thư gửi nhà đầu tư mới đây, ông Petri Deryng, người đứng đầu quỹ ngoại Pyn Elite Fund đến từ Phần Lan vẫn có góc nhìn lạc quan về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam, dù trong tháng 9/2023, quỹ này lỗ 7,4%, do VN-Index giảm 5,7%, cộng thêm việc đồng VND suy yếu.
Theo ông Petri Deryng, việc VN-Index sụt giảm mạnh trong thời gian qua đến từ tâm lý lo lắng có phần thái quá của nhà đầu tư cá nhân khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp vào cung tiền để ổn định tỷ giá. Giai đoạn khó khăn nhất đối với thị trường tài chính Việt Nam là vào tháng 11/2022, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng và nguồn vốn trong hệ thống ngân hàng bị thắt chặt. Ở thời điểm hiện tại, thanh khoản trong hệ thống tài chính Việt Nam rất tốt và hoạt động cho vay đang tăng trở lại.
Pyn Elite Fun kỳ vọng thị trường sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng tới cuối năm và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong dài hạn nhờ định giá đang ở mức tương đối thấp. Pyn Elite Fun dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh vào năm 2024 trên nền so sánh thấp và các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng đã được thực hiện trong năm nay; đồng thời dự báo tăng trưởng thu nhập của các công ty niêm yết trong năm tới sẽ đạt mức khoảng 25 - 30%.
Song song đó, Pyn Elite Fun cũng nhấn mạnh đến các sự kiện nổi bật gần đây như việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Việt Nam trong tháng 9 vừa qua và việc ký kết đối tác chiến lược toàn diện; hệ thống giao dịch mới KRX sắp được đưa vào vận hành; triển vọng nâng hạng thị trường… sẽ mang đến những cơ hội tăng trưởng cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
Dù nhận định nền kinh tế đang phải đối mặt với một số khó khăn và biến động ngắn hạn vẫn còn, song ông Andy Ho, Tổng Giám đốc Hội đồng đầu tư Tập đoàn VinaCapital cũng bày tỏ lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Đại diện VinaCapital tin rằng trong dài hạn, GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 6 - 7%/năm. Điều này sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán có thể tăng trưởng lợi nhuận ở mức ổn định 15-25% mỗi năm. Mức định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn đang rất hấp dẫn so với trung bình 10 năm gần nhất và thấp nhất so với các thị trường trong khu vực ASEAN, là mức rất hợp lý cho đầu tư trung và dài hạn./.