Từ 15/1/2018, dự án chậm bàn giao bị phạt 50 triệu đồng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng là 1 tỷ đồng; trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở là 300 triệu đồng.
Nghị định quy định phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thực hiện đầu tư phát triển khu đô thị không tuân theo kế hoạch hoặc chậm so với tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chậm bàn giao dự án theo tiến độ đã được phê duyệt.
Phát triển nhà ở bền vững giúp châu Á tăng trưởng
Tốc độ đô thị hoá ở Châu Á đang trong mức cao nhất thế giới. Từ năm 1980 đến năm 2010, châu Á đã bổ sung hơn một tỷ người vào các đô thị, chủ yếu ở thành phố lớn của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Indonesia và Bangladesh. Với áp lực gia tăng dân số này, nhà ở trở thành nhu cầu bức thiết. Và thiết kế bền vững là xu hướng tất yếu. Nhu cầu ngày càng tăng về thiết kế bền vững trong khu vực đã thúc đẩy sự phát triển của Công trình Xanh để hướng tới sự thân thiện, bền vững với môi trường.
Tuy nhiên, xây dựng đô thị bền vững đi kèm với các tiêu chuẩn và thách thức. Vật liệu xây dựng xanh, pin năng lượng mặt trời, công nghệ tiết kiệm năng lượng, bảo vệ nguồn nước và quản lý chất thải là những tiêu chí rất cần thiết để đáp ứng sự phát triển nhà ở bền vững. Ở cấp chính phủ, việc thiếu các hành động, các chính sách thúc đẩy nhà ở bền vững cũng cản trở sự phát triển của đô thị trong khu vực.
Singapore là một ví dụ điển hình ở châu Á về việc hoạch định các chính sách phát triển Công trình Xanh. Trong một cuộc hội thảo, ông Cheong Koon Hean, Tổng giám đốc của Công ty CP Phát triển Nhà ở (HDB), đã ca ngợi sự lãnh đạo của chính quyền các thành phố trong việc giúp Singapore đạt được sự bền vững về môi trường và nhà ở giá rẻ bất chấp mật độ dân số, diện tích đất hạn chế.
Nhà giá rẻ thiết lập mặt bằng giá mới
Khi nói đến nhà giá rẻ, giới đầu tư kinh doanh bất động sản thường lấy ngưỡng những căn hộ có giá từ 14 -18 triệu đồng/m2. Tuy nhiên nếu 4 năm trước vẫn có thể tìm được nhà với giá 12 triệu đồng/m2 thì nay hiếm còn dự án nào có mức giá dưới 20 triệu/m2.
Bà Trần Thị Cẩm Tú - Tổng giám đốc CTCP bất động sản Eximrs cho biết, thời gian qua các doanh nghiệp chú trọng phát triển dự án cao cấp nhiều hơn, dẫn đến lệch pha giữa hai phân khúc ngày càng nhiều. Ngoài ra, quỹ đất có vị trí tốt, thuận lợi ngày càng khan hiếm, chi phí vật liệu xây dựng tăng, nếu doanh nghiệp phát triển dự án ở phân khúc giá trung bình thì lợi nhuận không cao. Đó là lý do vì sao các doanh nghiệp không mặn mà với phân khúc này.
Nói về nguồn cung căn hộ bình dân trong thời gian tới, ông Nguyễn Duy Minh - Tổng giám đốc L&L Group cho rằng, sự khan hiếm sẽ tiếp diễn. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Duy Minh, căn hộ bình dân thường có mức tăng giá từ 10 - 15%, song năm 2018, tỷ lệ này có thể là 20%.
Dự án số 1 Trần Thủ Độ: Tổ chức thi công khi chưa có quyết định giao đất?
Mặc dù đã bị cơ quan chức năng “tuýt còi” về việc tổ chức thi công khi chưa có giấy phép xây dựng (GPXD) và cung cấp không đầy đủ thủ tục pháp lý nhưng chủ đầu tư dự án số 1 Trần Thủ Độ, Hoàng Mai, Hà Nội vẫn tiếp tục vi phạm trong một thời gian dài.
Ngày 20/2/2017, UBND quận Hoàng Mai cũng ban hành quyết định số 510 QĐ/XPVPHC xử phạt hành chính 80 triệu đồng đối với chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đầu tư Phương Đông. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng yêu cầu chủ đầu tư chỉ được phép thi công khi có đầy đủ thủ tục pháp lý và GPXD theo quy định.
Tại văn bản số 2425/UBND – QLĐT ngày 18/8/2017, UBND quận Hoàng Mai tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư bổ sung đầy đủ hồ sơ theo các biên bản chỉ đạo của quận và phường Hoàng Liệt trước đó. “Liên hệ với Sở Xây dựng để được giải đáp các nội dung liên quan đến GPXD dựng công trình theo thẩm quyền”, nội dung văn bản chỉ đạo của ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó chủ tịch UBND quận Hoàng Mai.
Thế nhưng, chủ đầu tư vẫn cố tình thi công dự án một cách rầm rộ với nhiều công nhân, máy móc hoạt động ngày đêm. Theo ghi nhận, tháng 11/2017, dự án đã thi công phần hầm, có 2 khối được xây tới cốt nền 0.0 và không có biển thông tin, vi phạm quy định của Luật Xây dựng.
Bất động sản TP.HCM được mùa vốn FDI
Theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong 11 tháng qua, TP.HCM đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 757 dự án đầu tư nước ngoài vào địa bàn Thành phố, với tổng vốn đầu tư 1,94 tỷ USD. Có 203 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đầu tư là 0,9 tỷ USD. Ngoài ra, Thành phố cũng chấp thuận cho 2.031 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký 2,64 tỷ USD.
Tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút qua hình thức góp vốn, mua cổ phần các doanh nghiệp trong nước trong 11 tháng đầu năm của TP.HCM đạt 5,57 tỷ USD, tăng 96,6% lần so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, lĩnh vực thu hút FDI nhiều nhất là bất động sản, với 984,4 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước và chiếm 50,8% tổng lượng vốn FDI. Nhà đầu tư rót vốn FDI nhiều nhất là Hàn Quốc (với 1,03 tỷ USD); tiếp theo là Mỹ (253,04 triệu USD), Nhật Bản (141,92 triệu USD)…