Aa

Nhà ngang

Thứ Năm, 06/02/2020 - 06:00

Gọi nhà ngang vì nó nằm vuông góc với nhà chính, ở phía mắt phải đưa ngang nhìn sang mỗi khi bước vào nhà chính hoặc mỗi khi từ nhà chính bước ra, có tính chất phụ...

Không phải gia đình nào ở nhà quê Bắc bộ cũng có nhà ngang. Nhưng những gia đình có nhà ngang nhất định là phong lưu hoặc cũng thuộc loại khá giả.

Trong quan niệm về không gian có phần cảm tính của người nhà quê, chính diện là chiều dọc, cũng là chiều của nề nếp, quyền lực. Vì thế, gọi nhà ngang vì nó nằm vuông góc với nhà chính, ở phía mắt phải đưa ngang nhìn sang mỗi khi bước vào nhà chính hoặc mỗi khi từ nhà chính bước ra, có tính chất phụ, chứ không phải căn cứ theo chiều khổ đất hay phương hướng quy ước nào? Điều chắc chắn là nhà ngang luôn phải thấp, nhỏ hơn nhà chính, thường chỉ ba gian mà rất ít khi có thêm hai chái.

Nhà ngang, một khi xuất hiện, lập tức đảm nhiệm gần như mọi chức năng. Nó thay vai trò một cái kho khi là nơi chứa tất tật mọi thứ mà một gia đình làm nghề nông phải có như dụng cụ sản xuất, dụng cụ chế biến lương thực như cối xay lúa, cối xay bột, nồi lớn, chảo đại… Tất tật đều cất ở nhà ngang. Rồi nào là cỏ dự trữ cho trâu bò, cám cho lợn, khoai sắn chưa dùng đến… cũng đều để tạm ở nhà ngang. Nhà nhiều thóc lúa thì một phần sẽ cất ở nhà ngang.

Ảnh: Internet

Nó, căn nhà ngang, cũng chia bớt nhiệm vụ với cái bếp khi nhà có khách hoặc khi có đánh chén, cần phải nấu nướng nhiều thức ăn. Bình thường nhiều gia đình dùng ngay nhà ngang làm nơi ăn cơm, nhất là vào mùa đông tháng giá.

Thậm chí, lúc cần thiết, nhà ngang còn có thể là nơi nhốt tạm thời gà, vịt, ngan, ngỗng khi chúng còn nhỏ, trước khi đem ra chợ bán hoặc mỗi khi có dịch, cần một nơi sạch sẽ để cách ly giữa con mắc bệnh và con chưa bị mắc bệnh.

Tuy thế nhà ngang dứt khoát không phải là cái kho, không phải là cái bếp phụ, càng không bao giờ là chuồng trại. Nó là một ngôi nhà thực sự, ngôi nhà dành cho việc ở, sinh hoạt của con người. Từ kết cấu không gian đến vị trí sinh thái trong cái tổng thể kiến trúc, trật tự của một gia đình đều toát lên cái chức phận to lớn ấy. Nhà ngang không bao giờ là nhà tạm (thêm, khác xa với tạm), vì thế nó thường là được chuẩn bị công phu về vật liệu để xây kiên cố, y như nhà chính.

Vì thế, nhà ngang thực chất là không gian mở rộng, nối dài của ngôi nhà chính. Chỉ có một thứ không bao giờ được đặt ở nhà ngang, ấy là chiếc bàn thờ. Chính sự khác nhau này mà nhà ngang vĩnh viễn chỉ là ngôi nhà thêm nếm, đóng vai trò phụ trợ.

Ảnh: Internet

Tuy nhiên, mọi thứ không cố định trong cái trật tự mang tính quy ước ấy: Có hai trường hợp xảy ra biến nhà ngang trở thành hoàn toàn là một ngôi nhà.

Thứ nhất: Khi người con trai trưởng lấy vợ mà chưa thể tách khỏi bố mẹ, hoặc trong thời gian chờ để thay vào vị trí của bố mẹ (trước khi hai cụ về giời), thì nhà ngang là nơi ở, sinh hoạt của đôi vợ chồng trẻ. Thời gian có thể kéo dài nhiều năm, hoặc nhiều chục năm nếu vẫn không có điều kiện tách hộ sang một không gian khác biệt lập.

Thứ hai, điều này ngày nay hầu như đã chấm dứt, ông gia trưởng muốn cưới thêm một bà vợ lẽ. Khi đó nhà ngang là nơi ở của người đến sau. Khi bà ta sinh con, đẻ cái thì chúng cũng ở luôn cùng mẹ, trừ một số trường hợp đứa con nào đó được gia trưởng đặc cách cho ở nhà chính. Dù với bất cứ lợi thế nào, thì việc phân chia lãnh địa vẫn không mấy khi thay đổi. Nhà chính của bà cả, còn nhà ngang của bà vợ lẽ. Nó xác định dứt khoát vai vế chính - phụ trong đại gia đình.

Một gia đình nhà quê truyền thống xưa kia ở vùng Bắc bộ nhất định phải có nhà ngang sau căn nhà chính, nếu muốn khép kín một không gian sinh tồn mơ ước, nơi mà tính biểu tượng luôn được đề cao hơn mọi giá trị thật.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top