Aa

Gốc của tốt đẹp

Thứ Tư, 05/06/2019 - 06:00

Thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách, nhường nhịn người già, trẻ nhỏ… chỉ có thể được thực hiện bằng ứng xử văn hóa, bởi vì không ai có quyền bắt người khác phải làm như vậy...

Trời mưa khiến đường ngập nước, chắc chắn là chả ai muốn. Cũng chẳng ai có lỗi trong việc tạo ra những vũng nước đọng trên đường. Có lẽ đó là ý nghĩ chung của mọi người. Vì thế, một tài xế cứ cho phép chiếc ô tô của mình lao ầm ầm, làm tóe nước sang hai bên, chụp lên những người đi xe hai bánh hoặc đi bộ. Hậu quả nhẹ nhất là nhiều người bị ướt, đến mức có thể phải quay về thay quần áo nếu muốn tiếp tục đến công sở, vào hội nghị. Nặng hơn chút là có ai đó giật mình kêu ré lên rồi ngã ra đường, quần áo tất nhiên là bê bết bùn đất, trong khi chân tay có thể bị chấn thương, tàn tật suốt đời. Nặng nhất là gây tai nạn chết người. Chuyện kinh khủng này đã từng xảy ra. Về lý, truy đến cùng kì lý, kẻ gián tiếp gây tai nạn có thể vô tội, chỉ bị cộng đồng trách cứ. Nhưng sự trừng phạt thì luôn tương xứng, trong đó nỗi ám ảnh mình đã gây ra chết người có thể còn đáng sợ hơn hình phạt tù tội.

Trời nắng, nắng như đổ lửa, khiến nhiều người không có ô tô khốn khổ. Chuyện này ai cũng biết, kể cả người đang ngồi trong ô tô. Tuy nhiên chỉ người đi xe máy là ngột ngạt. Còn với người đi ô tô, kể cả những lúc nhiệt độ có đầu là số bốn, kể cả khi tắc đường, cũng vẫn chả có gì quá bức xúc. Máy điều hòa mát rượi, nhạc bật lên thánh thót, người ngả ra ghế, thì tắc và nóng thây kệ. Những người đi xe máy, xe đạp, xe thồ, gánh hàng rong vì sinh nhai, sao không cố mà giầu lên, để cũng được ngồi ô tô! Ý nghĩ này khiến đám trên cơ về tiền bạc, hầu hết chẳng mấy khi động lòng với cảnh lóp ngóp dưới đường của những đồng bào mình và luôn là số đông, giữa cái nóng ngùn ngụt. Với họ, đời là sự sòng phẳng, muốn sướng thì bỏ tiền ra!

Vì nghĩ thế (và khốn thay họ không sai!), nên họ cho rằng mọi phương tiện đều bình đẳng, kể cả việc chiếm trọn cái bóng mát hiếm hoi nào đó tỏa ra từ một tán cây trong khi chờ đèn đỏ. Bình đẳng phải phấn đấu mãi, tội gì không hưởng! Nhưng ở đời, khi cái chăn bé thì kẻ này đắp, kẻ kia phải thôi. Một cái ô tô được mát, thì hàng chục người đi xe máy chỉ còn đứng nhìn bóng cây mà…thèm! Nhiều người có con nhỏ, nhiều xe chở theo người gìa, không còn cách nào khác là phải lấy ngay thân mình che cho. Gã đồng bào giầu có nào đó cứ thản nhiên ngồi trong xe nghe nhạc, điều hòa mát rượi và càng mát hơn khi có bóng cây che bên trên, như là số anh ta được thế, chứ chả xin của ai.

Trên đời, nhiều khi cái đúng lại cũng là cái vô lý, sản phẩm của sự vô tâm, thậm chí nhẫn tâm. Vì thế mới cần thứ điều chỉnh hành vi cao hơn luật, ấy là văn hóa. Trong hai trường hợp vừa kể, rõ ràng luật pháp, các quy định, nguyên tắc sòng phẳng… vẫn không đủ đảm bảo rằng hành xử của ai đó là hợp đạo lý, hợp với đạo lý. Thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách, nhường nhịn người già, trẻ nhỏ… chỉ có thể được thực hiện bằng ứng xử văn hóa, bởi vì không ai có quyền bắt người khác phải làm như vậy. Luật bảo anh không làm thế cũng không sai. Nhưng văn hóa cho biết, nếu không làm vậy, thì anh không xứng đáng được tôn trọng, còn rất lâu mới được kính trọng... Mà làm người như thế thì còn gì vô dụng hơn!

Rút lại, cuối cùng vẫn cứ phải là văn hóa. Văn hóa đảm bảo bao phủ mọi hành vi, mềm mại hóa các quan hệ, hợp lý hóa một cách tự nhiên những va vấp, xung đột. Chúng ta đòi hỏi một nền giáo dục tử tế, xã hội có những công dân nghiêm túc và tạo ra một cuộc sống đáng mơ ước, chính là đòi hỏi công dân phải có khả năng ứng xử với nhau một cách văn hóa. Trên tinh thần đó, mỗi người trước hết hãy làm một người thầy mẫu mực, trong mọi việc. Tức là một người có văn hóa cao. Đó là gốc của tốt đẹp, của bình yên, của hạnh phúc, chứ chả phải thứ gì cao xa.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top