Không những thế, có đại biểu đã so sánh với nước láng giềng Malaysia, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam bằng 1/5 nhưng người dân gánh tới 62% nợ công trên thu nhập mỗi người. Trong khi người Malaysia chỉ gánh 32%.
Nghĩ tới việc nhà đã nghèo mà để lại khoản nợ khổng lồ cho con cháu mai sau, ai chẳng nhói lòng!
Nhưng nhìn cái cách tiêu tiền của “nhà nghèo” này mới thấy “phê”.
Đại biểu Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM, đã nêu ví dụ những dự án đội vốn phát sinh chi phí nợ công một cách kinh khủng, không có sự kiểm soát: Dự án cải tạo quốc lộ 13 đoạn từ Bờ Đậu- Tà Lung ban đầu chi phí là 545 tỷ, sau quyết toán là 1.291 tỷ, tăng 137%. Cao tốc TP. HCM- Trung Lương ban đầu là 6.500 tỷ, sau cùng là 9.900 tỷ, tăng 52%. Đường Nam Hà Nội 3.131 tỷ, sau cùng là 6.664 tỷ, tăng 113%. Bến Thành - Suối Tiên 17.400 tỷ, sau là 47.325 tỷ, tăng 172%. Cầu Phú Mỹ 1.800 tỷ, sau là 3.250 tỷ, tăng 81%. Cát Linh - Hà Đông tính theo triệu đô la là 553 triệu, sau là 892 triệu, tăng 61%. Láng Hòa Lạc - Đại lộ Thăng Long 3.700 tỷ, sau là 7.500 tỷ, tăng 103%. Cầu Giẽ - Ninh Bình 3.734 tỷ sau là 8.974 tăng 140%. Bờ kè sông Cần Thơ 712 tỷ sau là 1.555 tỷ tăng 118%...
Có người nhận xét, còn trên cả “phê” ấy chứ, bởi nhìn những con số nghìn tỷ được tiêu loang loáng trước mắt cứ như tiền được sản sinh tựa lá rừng vậy!
Chưa hết, còn nhiều “con tàu há mồm” nữa đã tàn phá ngân sách không kém, chẳng hạn như các dự án đầu tư công kém hiệu quả, đội vốn các dự án đầu tư của DNNN, đẩy gánh nặng lên ngân sách.
Hẳn đến đây, trong trí nhớ của nhiều người sẽ hiện lên 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, đắp chiếu thuộc ngành Công thương, như Nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ, Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình…
Là thành viên Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa kể: “Tôi đi một nhà máy Ethanol, thấy đầu tư sai cả chủ trương. Có nhà máy đầu tư lớn nghìn tỷ mà nguyên liệu không có, đầu ra không có, đầu tư xong đắp chiếu. Có những nhà máy hoạt động rồi thì quản trị có vấn đề, không chuyên nghiệp nên lỗ. Tang thương nhất là có nhà máy đầu tư xong bán sắt vụn”.
Đọc xong quả là không biết nên bình luận thế nào, chỉ thấy trên người nổi hết cả gai ốc!