Aa

Sử dụng đất, một mỏ vàng vô tận!

Thứ Ba, 30/05/2017 - 06:12

Đã lâu lắm rồi tôi mới có một ấn tượng như thế về một ý tưởng đột phá tầm quốc kế dân sinh. Bởi rằng, thời gian gần đây, tôi cảm thấy dư địa phát triển của Việt Nam mình ngày càng khó khăn hơn vì thế giới ngày càng “khôn” hơn nhiều những gì mình tưởng, rồi những “dây trói” mọi nguồn lực phát triển của đất nước mình vẫn đang... chậm rãi cởi ra. Thế là so với hôm qua thì mình là tiến bộ nhưng so với thiên hạ thì mình lại đang tụt lùi.

Nỗi đau là vậy!

Một hy vọng hé mở. Hôm mới đây, trong buổi gặp gỡ với hơn 120 trí thức thành phố, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đặt ra một vấn đề khiến không ít người ngỡ ngàng, đó là giả định nếu chuyển đổi 1/3 đất nông nghiệp (cỡ khoảng gần 40.000ha) để phát triển công nghiệp – dịch vụ nhằm tạo ra một bước phát triển nhảy vọt cho thành phố trong tương lai.

TP. HCM còn bao nhiêu quỹ đất?

Quỹ đất TP. HCM còn bao nhiêu?

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ có một câu chuyện được truyền miệng vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20: Một cán bộ cao cấp của ta hỏi kinh nghiệm một quan chức cao cấp Đài Loan làm thế nào dự trữ ngoại tệ của Đài Loan lên tới trên 90 tỷ USD thì được trả lời rằng: Con số đó quá nhỏ bé so với Việt Nam. Bởi vì hầu hết đất đai của Đài Loan nằm trong tay tư nhân, Nhà nước muốn dùng thì phải mua lại. Còn đất đai ở Việt Nam nằm trong tay Nhà nước. Đó là nguồn dự trữ quốc gia vô cùng lớn nếu được đầu tư và khai thác tốt.

Thời gian cứ trôi đi, câu chuyện cũng dần đi vào quên lãng, phần vì “cơm không ăn, gạo còn đó”; phần vì đấy là đất công, chẳng phải của riêng ai nên chẳng con tim nào đau, chẳng khúc ruột nào xót khi bị lãng phí, khi bị xà xẻo.

Đến khi ông Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị tuyên bố tại hội thảo Phát triển và quản lý thị trường bất động sản giữa tháng 9/2003 rằng Việt Nam có thể huy động được 5.000 tỷ USD từ đất đai để đầu tư phát triển thì nhiều người mới giật mình nghĩ lại. Thì ra Nhà nước ta đang ngồi trên một núi vàng mà “quên” mất.

Một câu hỏi đặt ra: Có đúng là Nhà nước đang nắm trong tay 5.000 tỷ USD không và cách khai thác tài sản này như thế nào?

Đã từ lâu nay, theo quy luật “phát triển có kế hoạch và cân đối”, mọi sự phải tuân theo nguyên tắc tập trung-dân chủ. Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia giai đoạn 2011-2020 đã được Quốc hội phê duyệt là phải bảo vệ được 3,8 triệu ha đất lúa. Rồi theo Luật Đất đai, chỉ cần chuyển đổi mục đích sử dụng 10ha đất trồng lúa đã phải có sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Nay tại TP. HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân lại đặt ra vấn đề sử dụng đất có hiệu quả, rồi lại động đến con số “vượt trần” đến hàng ngàn lần thì quả là một cách nghĩ hết sức táo bạo và rất đáng quan tâm.

Mà cách suy nghĩ của vị tân Bí thư thành ủy vốn xuất thân từ nhà khoa học cũng rất “khoa học”, đó là nêu vấn đề và lắng nghe ý khiến của các nhà khoa học cùng với những phân tích và những con số thuyết phục.

Ông cho rằng, TP. HCM là thành phố dịch vụ – công nghiệp song cơ cấu sử dụng đất hiện nay đang bất hợp lý. Trong khi đất nông nghiệp nhiều nhưng chiếm tỷ trọng giá trị gia tăng thấp hơn quá nhiều so với công nghiệp – dịch vụ. Chẳng hạn, năm 2015, diện tích đất nông nghiệp là 118.052ha nhưng chỉ đem lại giá trị thực tế 6.494 tỷ đồng (tỷ trọng 0,89%), giá trị gia tăng/ha đất đạt 55 triệu đồng. Trong khi đất công nghiệp – dịch vụ chỉ có 14.264 ha nhưng đem lại giá trị thực tế 726.978 tỷ đồng (tỷ trọng 99,11%), giá trị gia tăng/ha đất đạt 50.966 triệu đồng.

Từ đó, ông đặt vấn đề có nên chuyển một phần đất nông nghiệp thành đất cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, và giả định, nếu chuyển đổi 1/3 đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp – dịch vụ thì sẽ tạo tiền đề về đất để GDP có thể tăng thêm 273% GDP thành phố.

Và nếu như vậy, hàng loạt các bản quy hoạch liên quan của thành phố sẽ bị phá vỡ.

Đến đây, lại liên tưởng đến những tranh luận nảy lửa khi thảo luận về Bản dự thảo Luật Quy hoạch hiện đang diễn ra tại Quốc hội. Quả là rất ít bản dự thảo một bộ luật đang được đưa ra thảo luận tại Quốc hội lại gặp nhiều băn khoăn, trắc trở như Dự thảo Luật Quy hoạch. Có lẽ phần vì phạm vi điều chỉnh của bộ luật này rộng quá, bởi có đến 32 luật liên quan phải sửa đổi theo; phần vì thực tiễn cuộc sống trong nhiều năm qua bức xúc quá, nhiều quy hoạch ở nhiều cấp khác nhau, nhiều lĩnh vực khác nhau đều bị phá vỡ.

Nhiều khi, quy hoạch vỡ vì ở đây đó trên đất nước mình, có những “ai đó” có tài năng và tầm nhìn hạn chế một tý, có thiếu trách nhiệm một tý, có tham ô tham nhũng một tý, có vun đắp cho “lợi ích nhóm” một tý…

Trong câu chuyện này, có lẽ đó là tầm nhìn.

Cho nên, một khi thế giới người ta phát triển từng ngày từng giờ thì mọi quy hoạch có lẽ cũng theo nguyên tắc mà các bậc tiền bối đã dạy: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến!”. Bởi lẽ, tất cả những ai viễn thị hay cận thị đều thiếu tự tin trong cuộc đua đường trường so với những kẻ bình thường.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top