Aa

Nhà nhô ra phía trước có hợp phong thủy không?

Thứ Tư, 24/04/2024 - 05:00

Trong thực tế, không hiếm để bắt gặp cả dãy phố bằng nhau bỗng một vài nhà làm nhô hẳn ra phía trước. Điều này không những làm mất mỹ quan đô thị mà còn tự chuốc lấy những điều không hay về phong thủy.

Long mạch và phong thủy nhà mặt phố

Trong phong thủy, nhất là xác định thế đất và huyệt vị để làm nhà, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là Long mạch. Long mạch, nói một cách dễ hiểu, chính là đường đi của Khí và là nơi tụ Khí. Nhưng Khí là cái vô hình không thể nhìn thấy được, nên phải căn cứ vào nguyên lý phong thủy "Khí gặp gió thì tán, gặp nước thì dừng" để tìm ra Khí, cũng chính là tìm ra Long mạch. Nhưng nước có thể là sông là suối, là hồ ao, cũng có thể chảy ngầm trong lòng đất. Vì vậy, tìm Long mạch không phải chỉ dựa vào sông hồ, mà căn bản phải dựa vào địa hình, thế núi, thế đất.

Ở vùng núi cao, Long mạch chính là sơn mạch, nhìn vào thế núi, sự lộ diện của sông suối để tìm ra Long mạch. Nhưng Long mạch không chỉ căn cứ vào thế núi, mà còn căn cứ vào thế đất. Bởi suy cho cùng, thế đất là biểu hiện của cấu tạo địa tầng, mà cấu tạo địa tầng là cơ sở tồn tại và lưu chuyển của nước ngầm trong lòng đất.

Do đó, suy cho cùng thì Long mạch trong phong thủy là chỉ tình trạng mặt đất nhấp nhô (núi cũng chỉ là mặt đất nhấp nhô, chỉ có điều nó cao hơn hẳn lên mà thôi). Vì vậy, Long mạch không chỉ có ở nơi núi cao sông sâu mà ngay cả ở nơi bình địa, tức đồng bằng, ngay trên đồng ruộng hay thậm chí là trong phố xá cũng đều có Long mạch. Phong thủy có câu: "Cao nhất thốn vi sơn, hạ nhất thốn vi thủy", tức cao một tấc cũng là núi, thấp một tấc cũng là sông, chỉ cần có cao có thấp là đã hình thành nên địa thế phong thủy và có Long mạch rồi.

Ở đồng bằng và trong đô thị, có thể coi những thế đất nhô lên, những vật, những công trình cao vượt lên (tòa nhà, cây cổ thụ, cột điện…) là sơn, là núi; lại có thể coi các con đường, lối đi là thủy, là dòng sông. Do đó, ở đồng bằng nói chung hay đô thị nói riêng, đường đi đóng vai trò rất quan trọng trong phong thủy, nó được coi như dòng sông và là nơi vận Khí, tạo ra hoàn cảnh phong thủy cho từng khu vực hay từng thửa đất, từng ngôi nhà.

Nhà nhô ra phía trước có hợp phong thủy không?- Ảnh 3.

Nhà mặt phố được hưởng trực tiếp luồng Khí từ các Long mạch là con đường là điều kiện "cần" cho phong thủy. (Ảnh minh họa)

Nhà mặt phố là một trong những điều kiện cần cho phong thủy tốt, bởi nó được hưởng trực tiếp dòng Khí lưu chuyển theo Long mạch là con đường. Hay nói cách khác, con đường – Long mạch mang Khí chuyển đến từng ngôi nhà mặt phố. Chính vì vậy mà nhà mặt phố bao giờ cũng đắt hơn trong ngõ rất nhiều. Tuy nhiên, nhà mặt phố để đón được dòng Khí mới chỉ là điều kiện "cần", còn muốn phong thủy tốt phải có điều kiện "đủ" nữa, đó là dòng Khí phải lưu chuyển mềm mại, uyển chuyển, hài hòa. Hay nói cách khác, có Khí rồi chưa đủ mà dòng Khí đó còn cần phải tạo sự hài hòa, để đủ tác động đến con người mà không tạo sự xung sát do sự di chuyển quá nhanh, quá mạnh.

Nhà làm nhô ra phía trước tạo ra Sát khí

Bây giờ, ta hãy xem xét đến sự tác động của Khí đối với ngôi nhà làm nhô ra trước. Có lẽ khi làm nhà nhô ra phía trước, chủ nhà nghĩ rằng như thế sẽ "vượt mặt" nhà kế bên và "hứng" được nhiều Khí hơn. Tuy nhiên, ai cũng có thể dễ dàng hình dung ra, ngôi nhà làm nhô ra phía trước vô tình sẽ làm cho dòng Khí đang lưu chuyển bình thường bị vấp phải vật cản và tạo ra sự va đập mạnh. Đồng thời, dòng chảy cũng bị thu hẹp lại sẽ làm cho dòng Khí chảy xiết hơn và tạo ra xoáy Khí. Điều đó tiếp tục tạo ra xung sát lớn hơn của Khí và sinh ra Sát khí, ảnh hưởng trực tiếp đến ngôi nhà và gây hại cho người cư ngụ trong đó.

Nhà nhô ra phía trước có hợp phong thủy không?- Ảnh 4.

Làm nhà nhô ra phía trước sẽ tạo bất lợi về phong thủy. (Ảnh minh họa)

Về mặt trực quan ta cũng dễ dàng nhận thấy, nhà làm nhô ra giống như chướng ngại vật, sẽ chịu tác động, bị va chạm nhiều hơn so với các ngôi nhà làm thẳng hàng nhau. Không những bị va chạm bởi các vật di chuyển trên vỉa hè, mà thậm chí có khi còn bị va chạm của cả các phương tiện di chuyển dưới lòng đường vì một lý do nào đó, như mất lái chẳng hạn, lao lên vỉa hè. Nếu chú ý quan sát, ta sẽ thấy góc tường ngoài của các ngôi nhà này sẽ có nhiều vết va chạm hơn rất nhiều so với tường các ngôi nhà mặt tiền bằng nhau.

Nhà nhô ra phía trước có hợp phong thủy không?- Ảnh 5.

Vì vậy nhà ở nơi đường cong cũng phải tạo cạnh vát để khi di chuyển uyển chuyển, hài hòa, tránh gây xung sát. (Ảnh minh họa)

Do đó, người hiểu phong thủy không bao giờ làm nhà nhô ra phía trước, dù chỉ một chút, vì như thế là lợi bất cập hại. Ngay cả khi thửa đất ở vào vị trí khúc đường cong, người ta cũng còn phải khéo léo tạo sự chuyển tiếp bằng cách tạo độ vát cho bức tường chứ không để gẫy khúc, để cho dòng Khí di chuyển được uyển chuyển, mềm mại mà không tạo ra xung sát./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top