"Đỏ mắt" tìm nhà cho thuê
Đó là câu chuyện của 2 vợ chồng chị Đỗ Thảo Hà (34 tuổi, làm nghề tự do) trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Chị Hà và chồng là anh Nguyễn Ngọc Kim (38 tuổi, nhân viên ngân hàng) lấy nhau từ năm 2005. Tính đến nay dù đã hơn 10 năm sinh sống và làm việc tại Thủ đô, 2 vợ chồng chị vẫn chưa mua được nhà mà phải đi thuê một căn hộ nhỏ ở tầng trên cùng của khu tập thể cũ bên kia đê Trần Nhật Duật (Hà Nội) gần sát sông Hồng. Cả gia đình 2 vợ chồng cùng cậu con trai 10 tuổi vẫn sống trong căn hộ này nhiều năm qua.
Gọi là căn hộ nhưng thực chất nơi gia đình chị Hà sinh sống chỉ là một căn phòng chưa đến 24m2, phòng ngủ, kiêm luôn phòng khách, phòng ăn. Nhà bếp và nhà vệ sinh được cách ra bởi một bức tường. Trong chiếc "chuồng chim" đó (cách anh Kim vẫn gọi vui về nơi sinh sống của cả gia đình) giường ngủ cho cả 3 người chiếm phần lớn diện tích, ở một góc là tủ quần áo và bàn học của cậu con trai nhỏ đặt gần chiếc tủ lạnh và tivi.
Để cơi nới thêm không gian, anh chị thuê người làm một gác xép nhỏ chứa đồ, bàn ghế trong nhà cũng thường được gắn bánh xe để dễ cơ động, dọn dẹp ra ngoài hành lang khi nhà có khách.
Chị Hà cho biết dù chồng chị là nhân viên ngân hàng, nghề vẫn có tiếng là nhiều lương nhiều tiền, nhưng lương của anh cũng như lương viên chức bình thường khác, một tháng 6 - 7 triệu đồng. Bản thân chị trước đây từng là nhân viên kế toán doanh nghiệp lương cũng khoảng 7 triệu đồng một tháng, nhưng chị đã nghỉ việc ở công ty để đi buôn bán ở ngoài, với mong muốn có thể tăng thu nhập.
“Cả hai vợ chồng tổng thu nhập hàng tháng được khoảng 15 triệu đồng thì tiền nhà cộng chi phí sinh hoạt, ăn uống, tiền học, tiền ăn cho con mỗi tháng đã hết khoảng 12 - 14 triệu đồng rồi, chưa kể những tháng nhà có công việc. Chắt bóp mãi cũng không đủ tiền mua nhà.
Bây giờ muốn mua được nhà thì chúng tôi phải vay thêm tới 400 triệu đồng nữa, ông bà hai bên không có để giúp đỡ nên cũng đành chịu. Vì thế cũng tính đến chuyện đi thuê một nơi rộng rãi, tươm tất hơn, có trường học ở gần cho con đi học, có không gian cho con chơi chứ ở đây bí bách quá. Nhưng mấy lần nộp hồ sơ thuê nhà ở xã hội đều không được phản hồi”, chị Hà chia sẻ.
“Một hai năm gần đây gia đình 2 bên đều giục sinh đứa thứ 2 vì mình phụ nữ cũng lớn tuổi rồi, đứa lớn cũng đi học mấy năm rồi không cần chăm bẵm quá nữa nhưng hai vợ chồng mình vẫn lần lữa mãi vì ngại một nỗi là đẻ ra không có chỗ mà nuôi. Bây giờ cả nhà ngủ chung một giường, còn phải kê thêm thanh gỗ sát tường, nằm cũng phải xoay ngang giường mới đủ chỗ, sinh thêm đứa nữa thì không biết ở đâu. Nhà ở tầng 6 mà không có thang máy, có bầu mà leo thang bộ mỗi ngày vài ba lượt chắc cũng không chịu được”, chị Hà cười, nói thêm.
Câu chuyện của gia đình chị Hà không phải là chuyện hiếm có ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM hiện nay. Trên thực tế, nhiều gia đình trẻ vẫn phải loay hoay trong câu chuyện mua nhà giá rẻ, ngay cả việc tìm thuê một nơi tạm ổn để sinh sống với giá cả phù hợp cũng còn gặp nhiều khó khăn.
Theo GS Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho thuê cho người dân đang là vấn đề nổi cộm nhất trong tình hình BĐS nước ta, dù tồn tại đã lâu nhưng chưa có hướng giải quyết.
Ông Võ khẳng định, hiện còn rất nhiều người có thu nhập thấp và lao động nghèo, những cặp vợ chồng trẻ và lao động tự do đang phải thuê những khu nhà sơ sài, nghèo nàn để sinh sống. Họ chưa tìm được một chỗ ở đủ tiêu chuẩn bởi vì ở phân khúc này, nguồn cung gần như không có.
“Thậm chí có các khu nhà mà 10 người lao động cùng ngủ trên một tấm sạp lớn chứ không có được chiếc giường tử tế. Vậy thì nhóm những người lao động như vậy, hoặc như các cặp vợ chồng trẻ chưa đủ tiền để thuê một nơi ở "tạm được", họ phải chờ vào đâu mới có nhà để ở?", GS Đặng Hùng Võ đặt câu hỏi.
Còn nhiều vướng mắc
Theo chuyên gia BĐS Trương Anh Tuấn, mặc dù Nhà nước đã xây dựng nhiều cơ chế chính sách, cũng như hỗ trợ vốn cho nhà ở xã hội nhưng thị trường này vẫn trầm lắng và chưa có sự bứt phá. Đơn cử như Luật Nhà ở năm 2005 đã có quy định về nhà ở xã hội, nhà giá rẻ. Năm 2011, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Phát triển nhà ở Quốc gia với mục tiêu chính là đến năm 2020 cần xây dựng thêm ít nhất 22,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho tầng lớp dân cư có mức thu nhập thấp tại các khu vực đô thị. Tuy nhiên, kết quả đạt được rất khiêm tốn.
Theo thống kê, quỹ nhà ở cho thuê trên cả nước hiện nay chỉ chiếm hơn 6,3% tổng số hộ dân sở hữu nhà ở, trong đó TP. Hà Nội chiếm 14%. Trong khi đó, thống kê từ Bộ xây dựng cho thấy, hiện nay, có tới 1/3 cư dân đô thị gặp khó khăn về nhà ở, hơn 90% người trong lứa tuổi 18 - 35 không có nhà ở.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM…, hàng năm đều đón hàng vạn người dân nhập cư đến học tập và làm việc, phần lớn trong số đó là người lao động có thu nhập trung bình hoặc thấp, chưa đủ điều kiện mua nhà và phải tìm thuê nhà trọ. Tỷ lệ cung – cầu nêu trên được được cho là rất thấp, không đủ nguồn cung đáp ứng cho nhu cầu nhà ở phân khúc này.
Báo cáo "Thay đổi cảnh quan đô thị Đông Á: Đánh giá một thập kỷ phát triển không gian” do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đầu năm 2016 nhận định, dân số của TP.HCM có thể đạt 10 triệu người vào năm 2020. Song trên thực tế, số người sinh sống tại TP. HCM hiện đã có thể lớn hơn con số dự báo này. Trong đó tại quận Bình Tân, người nhập cư chiếm khoảng 60% dân số, nhưng đa phần trong số họ chỉ khai báo tạm trú, tạm vắng mà chưa làm KT3 (Sổ tạm trú dài hạn – PV) do chưa đủ điều kiện kinh tế để sở hữu nhà.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết, hiện nay trên thị trường TP.HCM hoàn toàn thiếu căn hộ cho thuê giá từ 1,5 triệu đồng/tháng – 3 triệu đồng/tháng. Dù đây đang là khu vực đi đầu khi xây dựng được các dự án căn hộ cho thuê diện tích 19m2 nhưng cũng mới chỉ có 2 dự án nhỏ (1 dự án 125 căn, 1 dự án 185 căn). Số lượng này như muối bỏ bể, không đáp ứng nổi nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, phân khúc căn hộ bình dân cho thuê thì hầu như chưa được phát triển một cách bài bản bởi các chủ đầu tư lớn.
Theo ông Châu, sang năm 2017, thị trường BĐS TP.HCM sẽ xuất hiện thêm 1.860 căn hộ cho thuê nhưng vẫn phải xác định sẽ không thể nào đáp ứng được nhu cầu của 3 triệu người nhập cư vào thành phố và hàng triệu người thu nhập thấp trên địa bàn TP.HCM hiện nay.
Cùng nhận định trên, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cũng chỉ ra "bi kịch" về nhà ở cho thuê. Đó là khi nhu cầu về nhà cho thuê ở các đô thị ngày càng lớn thì Nhà nước lại không có chính sách về vấn đề này, bản thân các doanh nghiệp cũng không “mặn mà” với nhà cho thuê.
"Tại TP.HCM, số lượng dân nhập cư để lao động có thể lên đến 3-4 triệu người, trong số đó chỉ khoảng 1% là có nhà, còn lại tới 99% phải thuê trọ. Không chỉ có TP.HCM, cả nước cũng thiếu bóng dáng nhà cho thuê. Nghị định nhà cho thuê cách đây gần 1 năm đã soạn dự thảo tới lần thứ 10 nhưng vẫn chưa ban hành được. Không có chính sách nhà cho thuê, không có chương trình hỗ trợ nhà cho thuê thì làm sao có doanh nghiệp dám làm?", ông Nguyễn Văn Đực nêu vấn đề.
Nếu như thị trường nhà ở cho thuê tại TP.HCM “đìu hiu”, thì tại Hà Nội, phân khúc căn hộ cho thuê cũng không có nhiều khả quan. Ví dụ như dự án nhà ở xã hôi Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội) do Cty CP đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 làm chủ đầu tư.
Ngay sau khi được chủ đầu tư công bố tiếp nhận hồ sơ đăng ký cho thuê, rất nhiều người thu nhập thấp chưa có nhà ở đã háo hức mong chờ, hy vọng có được một suất thuê để sau 5 năm có cơ hội được mua luôn căn hộ đó. Tuy nhiên, số căn hộ cho thuê chỉ vỏn vẹn 136 trên tổng số 630 căn hộ đã khiến việc đăng ký hồ sơ, sau đó là bốc thăm để được thuê nhà ở xã hội tại dự án này diễn ra khá căng thẳng.
Tình trạng này cũng diễn ra ở hầu hết các dự án có nhà cho thuê khác. Đa số người dân quan tâm đến sản phẩm nhà ở này là các gia đình trẻ đủ tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội nhưng chưa đủ tiền. Mặc dù giá thuê của những căn nhà này không hề rẻ, có khi tới 4 triệu đồng/tháng nhưng nhiều người vẫn chấp nhận thuê để giành cơ hội mua lại sau 5 năm nữa, tuy nhiên để làm được điều này cũng không hề dễ dàng.
Thị trường nhà ở cho thuê hiện nay được đánh giá như một “miếng bánh ngọt” kén người ăn, nhìn thì ngon mắt nhưng lại ít người tranh giành. Theo nhận định của ông Trương Anh Tuấn, nhóm sản phẩm này vẫn là một phân khúc “màu mỡ”, có nhiều tiềm năng song thời gian tới cũng vẫn chưa thể bứt phá để phát triển trong thị trường BĐS.
Mời quý độc giả đón đọc Bài 2 Nhà ở cho thuê - cuộc đại cách mạng nhà ở mới: "Miếng bánh ngọt" giàu tiềm năng trên Reatimes.vn!