Nhà ở công nhân nhìn từ tác động Covid-19 - Bài 1: Khi các thành phố chỉ là “cõi tạm”
Dòng người di cư ngược từ TP.HCM về quê để “chạy trốn” Covid-19 và thế tiến thoái lưỡng nan của hàng ngàn công nhân “mắc kẹt” tại vùng dịch đã phơi bày một thực tế rằng, các thành phố lớn chỉ là “cõi tạm" của họ.
LTS:
Thiếu hụt trầm trọng nhà ở cho công nhân là thực tế đáng quan ngại đã diễn ra trong nhiều năm qua. Nhiều giải pháp được đưa ra, tuy nhiên, vẫn chưa thể tháo gỡ nút thắt này, đời sống công nhân và người lao động trong khu công nghiệp vẫn rất khó khăn, chất lượng cuộc sống thấp, không đảm bảo.
Đa phần công nhân tại các khu công nghiệp sống trong trong những khu trọ chật hẹp, ẩm thấp, không khác nào những "quả bom nổ chậm" luôn trực chờ bùng phát dịch. Và thực tế, làn sóng Covid thứ 3 và thứ 4 của Việt Nam cho thấy, các khu công nghiệp là nơi dễ bị tổn thương nhất. Không chỉ biến thành những đại ổ dịch, bão Covid quyét qua để lại rất nhiều hệ quả. Dây chuyền sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, đời sống công nhân đã bấp bênh nay càng thêm chênh vênh.
Mặt khác, việc công nhân phải thuê trọ ở xa khu công nghiệp cũng là lý do quan trọng khiến các khu công nghiệp phải dừng sản xuất, gián đoạn, tắc nghẽn… khi công nhân không thể di chuyển đến chỗ làm việc trong điều kiện giãn cách xã hội. "Miền đất hứa" thu hút "đại bàng làm tổ" cho bất động sản công nghiệp cũng vì thế mà trở nên kém hấp dẫn...
Bài toán đặt ra lúc này không chỉ là việc giải quyết nơi ăn chốn ở cho công nhân mang tính chất tình thế, mà phải là những giải pháp mang tính bền vững. Và một vấn đề đặt ra là nên chăng, cần có nghiên cứu và thống nhất phát triển những mô hình khu công nghiệp đồng bộ, gắn với thiết chế nhà ở cho công nhân, người lao động, thay vì tách rời như hiện nay. Phát triển khu công nghiệp xanh hay khu công nghiệp sinh thái, suy cho cho cùng cũng cần phải bắt nguồn từ yếu tố con người và vì con người.
Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Reatimes triển khai tuyến bài: Tháo gỡ nút thắt nhà ở công nhân nhìn từ tác động của đại dịch Covid-19. Trân trọng giới thiệu tới độc giả!
Phía sau dòng di dân
Giữa những ngày đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, một cảnh tượng chưa từng diễn ra tại các cửa ngõ của TP.HCM, đó là hàng nghìn người lỉnh kỉnh đồ đạc, trên xe máy nối đuôi nhau chạy ngược về quê.
Dịch kéo dài và diễn biến phức tạp tại TP.HCM khiến các khu công nghiệp, khu chế xuất trở thành ổ dịch lớn buộc phải ngừng hoạt động, hàng ngàn công nhân bỗng trở thành F0, F1, F2.
Cùng với đó, hàng ngàn, hàng vạn công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp, túng thiếu, tiền tiết kiệm cạn kiệt dần…Những ngày cách ly xã hội, họ sống mòn trong những căn nhà trọ chật chội, bấu víu vào những xe hàng cứu trợ, chờ ngày thành phố kiểm soát được dịch, nới lỏng giãn cách.
Nhưng rồi, những ngày giữa tháng 8, thông tin TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ sẽ tiếp tục tình trạng "đóng cửa" đã khiến nhiều công nhân, người lao động không còn trụ vững. Tiền thuê trọ cũng hết. Họ lo sợ. Họ như rơi vào bước đường cùng.
Rời quê hương lên thành phố mưu sinh, kiếm tiền nuôi con cái ăn học, đó là động lực để những người công nhân chăm chỉ, miệt mài làm việc trong những khu công nghiệp, công ty may mặc, giày da… Nhưng dịch Covid-19 đã làm vơi dần “nồi cơm” của họ. Và rồi, giữa chốn thị thành, họ càng trở nên lạc lõng, khi ở đây vốn không phải là chốn an cư. Nói đúng hơn, là thành phố mới chỉ tạo ra việc làm, còn chốn an cư vẫn chỉ là tạm bợ. Mất việc làm, đồng nghĩa với việc, chỗ ở tạm trong các khu trọ bí bách cũng sẽ không còn nữa, khi tiền trọ vốn đã là một gánh nặng.
Đó là lý do, hàng ngàn công nhân, người lao động, không ai bảo ai, sau khi có xét nghiệm âm tính, họ “đánh liều” chạy xe máy vượt cả trăm, cả nghìn cây số về quê tìm đường sống. Trong dòng người di cư ngược từ TP.HCM, Bình Dương, Long An… trở về quê, có người quê ở tận các tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, rồi miền Trung như Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh và các tỉnh miền Tây… Những chiếc xe chất đầy đồ đạc, có cả quạt máy, nồi cơm điện - cả gia tài của họ nơi thành phố bộn bề này. Trong đoàn người dắt díu nhau, có cả những em bé còn phải bế bồng trên tay, có những em bé 2 - 3 tuổi, thậm chí vài tháng tuổi cũng phải cùng bố mẹ vượt đường dài về quê.
Người dân đổ về các cửa ngõ TP.HCM để về quê. Ảnh: Báo Thanh Niên.
Chiều tối ngày 30/9, khi TP.HCM quyết định nới lỏng giãn cách, tiếp tục có hàng ngàn người di chuyển bằng xe máy đổ dồn về hướng tỉnh Long An để di chuyển về các tỉnh miền Tây. Dẫu biết việc tự túc về quê lúc này là sai quy định phòng chống dịch bệnh nhưng nhiều người vẫn làm liều vì trụ được đến thời điểm này (sau 4 tháng) đã là quá sức đối với họ.
Theo chia sẻ của một số công nhân, họ phải mất 2 ngày di chuyển bằng xe máy, len qua những đường mòn, bờ ruộng để tránh chốt kiểm soát mới ra khỏi TP.HCM và đến được Long An. Tuy nhiên, đến đây thì bị lực lượng chức năng chặn, yêu cầu quay trở lại. Nghe theo lời khuyên của lực lượng chức năng, nhiều người chấp nhận quay xe trở lại thành phố, sự vô định và nỗi lo về những ngày tháng tiếp theo bỗng trĩu nặng trên đôi vai họ lúc này.
“Biết trước là khó lắm, nhưng cả nhà cũng phải ráng thử, cuối cùng không được thật. Quay trở lại rồi không biết những ngày tới sống sao, sống như vậy đến bao giờ...”, giãi bày của một người dân với báo chí.
Hình ảnh công nhân, người lao động về quê tránh dịch. Ảnh: IT.
Nỗi hoang mang của những người bị “mắc kẹt”
Thời gian qua đã có hàng nghìn lao động đánh liều trở về quê bằng phương tiện cá nhân hoặc được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều công nhân, người lao động đang bị “mắc kẹt” tại TP.HCM và các tỉnh công nghiệp như Bình Dương, Long An, Đồng Nai… Họ đang rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, khi không thể trở về quê, nhưng ở lại thì không biết phải sống mòn đến bao giờ trong điều kiện tài chính cạn kiệt dần.
Tại dãy nhà trọ ở Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương, hàng chục công nhân làm việc tại khu công nghiệp Đồng An và các công ty giày da, điện tử trong khu vực đang phải nhốt mình trong những dãy nhà trọ xập xệ suốt mấy tháng qua. Trước đó, nhiều người còn được làm công nhân thời vụ, hoặc thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” nhưng do tình hình dịch bệnh căng thẳng, các khu công nghiệp trở thành “chảo lửa”, nhiều công ty không đủ điều kiện để lo chỗ ăn, ở cho công nhân trong xưởng sản xuất, nên hầu hết phải ở lại phòng trọ.
Xóm trọ chật chội này là nơi ở của hàng chục công nhân. Ảnh: NVCC.
Chia sẻ với Reatimes, anh Quốc Công (26 tuổi, Thanh Hóa) cho biết, đây thực sự là những ngày tháng khó khăn, không chỉ về vật chất mà còn cả tinh thần, bởi mỗi ngày trôi qua đều chỉ quanh quẩn trong phòng trọ chưa đầy 12m2, và không biết ngày mai sẽ ra sao.
“Sau khi đi nghĩa vụ quân sự về, tôi vào đây làm việc cho công ty giày da, tuy nhiên, mới làm đươc 2 tháng thì dịch bùng phát. Từ bấy đến nay, công ty cho nghỉ, muốn về quê cũng không thể về được. Dịch căng, có thời điểm còn không bước ra khỏi dãy trọ, phải tiếp tế lương thực đến tận nơi. Chỉ mong sớm kiểm soát được dịch, sớm được đi làm trở lại, chứ cứ như thế này, chúng tôi không những cạn kiệt tài chính và còn kiệt quệ tinh thần”, anh Công chia sẻ.
Cũng trong khu trọ ẩm thấp này, nhiều căn phòng có đến 4 - 5 người ở chen chúc nhau, họ là công nhân đến từ các tỉnh miền Tây và Thanh Hóa, Nghệ An. Cùng tâm trạng với anh Công, họ đang mòn mỏi chờ hết giãn cách để được về quê. Tác động của làn sóng Covid lần này đã gây ra nỗi bàng hoàng lớn đối với họ. Sau lần mắc kẹt này, nhiều người muốn về quê hẳn, tìm kiếm việc làm khác, không còn muốn sống một cuộc sống tạm bợ đầy rủi ro ở TP.HCM và những tỉnh công nghiệp đông đúc này.
Theo chia sẻ của anh Công, nếu các nhà xưởng, khu công nghiệp có chỗ ở cho công nhân thì có lẽ họ đã không phải chịu tình cảnh oái ăm như bây giờ. Trong tình hình giãn cách và khả năng lây lan nhanh chóng của dịch bệnh như thế này, việc công nhân tự túc chỗ trọ ở cách xa công ty 4 - 5 cây số là cả vấn đề lớn.
“Ở xa công ty vậy cũng nhiều bất tiện, giờ dịch bệnh, đến ra khỏi dãy trọ còn không ra được thì làm sao đến công ty, mà có đến công ty được thì đâu có về được. Nếu công nhân được ở cạnh công ty hoặc ở trong công ty thì có lẽ công ty đã không phải dừng hoạt động, chúng tôi cũng không phải khó khăn như bây giờ”, anh Công nói.
Chị N.T.T (32 tuổi, Thanh Hóa), làm việc ở khu công nghiệp Đồng An, Bình Dương đã được 4 năm. Chị cùng con gái 2 tuổi đang sống trong dãy trọ này, con lớn thì ở quê. Hơn 2 tháng qua, mất việc làm, không có tiền gửi về cho gia đình, hai mẹ con lại “mắc kẹt” ở lại Bình Dương không về quê được, đó là những ngày tháng cực khó khăn với chị. Chưa bao giờ chị mong muốn được trở về quê như lúc này. Cũng chưa bao giờ chị thấy cuộc sống ở thành phố bao năm qua trở nên tạm bợ đến như vậy.
“Những lúc như này thực chỉ muốn ở quê tìm việc làm, lương thấp hơn cũng được. Nghĩ vào đây kiếm sống có tiền gửi về nhà, bé con không có ai trông nên phải đưa vào ở cùng mẹ. Ngày đi làm thì gửi bé vào nhà trẻ. Nhà trọ tuy chật chội, bí bách nhưng cũng đành chấp nhận để tiết kiệm tiền. Nếu có nhà cửa, cả gia đình ở đây thì tốt biết mấy nhưng chuyện đó nghe xa vời lắm. Nên dịch thế này chỉ muốn được về quê, dù không có tiền nhưng nhà mình vẫn an toàn nhất”, chị T chia sẻ.
Bức trang di dân tự do từ nông thôn đến thành thị, các tỉnh công nghiệp đã hiển hiện trong suốt nhiều năm qua khi đô thị hóa và công nghiệp hóa ở những khu vực này diễn ra một cách nhanh chóng và mạnh mẽ. Và như một quy luật, “nồi cơm” đô thị ở đâu lớn thì sẽ hút mạnh dòng di dân về đó.
Các nhà nghiên cứu về di dân thừa nhận rằng, dân cư từ các tỉnh đổ về trung tâm các thành phố tạo ra nguồn lao động dồi dào cho các công ty, xí nghiệp, khu công nghiệp… Tuy nhiên, một vấn đề nan giải, một áp lực lớn đối với chính quyền các thành phố đó là, đa số những người di cư vào thành phố không thể mua được nhà riêng. Họ phải ở thuê trong những khu nhà trọ được xây dựng tạm bợ, không đủ các điều kiện sinh hoạt tối thiểu... Nhiều người cùng thuê một căn phòng chật hẹp, môi trường ô nhiễm, an ninh không đảm bảo…
Việc giải quyết nhà ở cho cư dân sinh sống chính thức ở thành phố chưa bao giờ là vấn đề dễ dàng đối với chính quyền thành phố, nhất là các thành phố lớn; nay lại thêm làn sóng đông đảo người di cư ồ ạt đổ về khiến cho vấn đề vốn đã khó khăn lại trở nên khó khăn gấp bội. Mặc dù Nhà nước đã có những chính sách để tháo gỡ, như việc đầu tư xây dựng những khu nhà dành riêng cho người có thu nhập thấp, nhưng người di cư không dễ dàng tiếp cận được, do điều kiện tài chính của họ còn hạn hẹp.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 5/2021, cả nước có 394 khu công nghiệp và hàng nghìn cụm công nghiệp, thu hút hàng triệu lao động làm việc. Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, cả nước chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha, trong đó 116 dự án đã hoàn thành với diện tích đất hơn 250ha. Riêng công nhân khu công nghiệp, diện tích nhà chỉ đủ bố trí cho hơn 330.000 người, đáp ứng khoảng 39% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp đến năm 2020.
Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, nhà ở là vấn đề bức xúc hiện nay của công nhân. Tại nhiều địa phương, công nhân lao động phải sống trong các phòng trọ chật chội. Thậm chí, có thôn làng ở gần khu công nghiệp chỉ hơn 1.000 dân nhưng lại là nơi lưu trú của gần 10.000 công nhân. Điều này tạo sức ép rất lớn về mật độ dân số, hạ tầng xã hội...
Việc các công nhân, người lao động khu công nghiệp phải thuê nhà trọ khiến cuộc sống của họ không ổn định, chỉ mang tính tạm bợ. Đó là lý do, khi “miền đất hứa” chịu những tác động như dịch Covid-19 khiến thu nhập bị đứt quãng, họ luôn muốn trở về quê.
Vậy, khi công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp chỉ coi thành phố là “cõi tạm” bởi không tạo lập được cuộc sống ổn định tại khu vực đang làm việc sẽ gây ra những hệ lụy gì đến các khu công nghiệp và bức tranh phát triển đô thị tại các “thủ phủ” khu công nghiệp?
Đón đọc Bài 2 "Công nghiệp hóa tách rời đô thị hóa: Bức tranh phát triển đầy hệ lụy"!